Tôi vẫn nhớ tâm sự của cô con gái nhỏ đang học lớp 2 của mình về dịch bệnh ở những ngày đầu của sự bùng phát. Đó là thời điểm sau khi kết thúc đợt nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, con gái tôi trở lại trường học. Khi ấy virus được gọi là Corona Vũ Hán và thông tin về dịch bệnh ở Trung Quốc được đăng tải rộng khắp. Corona trở thành chủ đề của gần như mọi cuộc nói chuyện. Chẳng thế mà bọn trẻ cùng lớp học với con tôi cũng xôn xao “bàn tán” với nhau về corona như người lớn vậy.
Buổi tối, khi ở nhà, sau khi tỏ ra rất nghiêm túc nhắc nhở bố mẹ các biện pháp phòng dịch như cách con đã được học ở trường, con gái hỏi tôi:
- Bố ơi, có phải Trung Quốc bị dịch corona là đáng đời không bố?
Tôi đã rất shock khi nghe câu hỏi đó nhưng cũng kịp bình tĩnh tìm hiểu:
- Oh, có nguyên nhân nào khiến con nghĩ như vậy không con?
- Các bạn ở lớp con bảo như vậy bố ạ! - Con tôi trả lời.
Đến đây thì tôi hiểu rằng vấn đề nghiêm trọng hơn tôi tưởng.
Tôi đã giải thích với con rằng không có ai đáng bị như vậy dù họ là ai và ở đâu. Vì tất cả đều là Con người và họ cũng có gia đình, có bố, có mẹ, có người thân. Bằng tâm hồn của con trẻ, con gái tôi cũng hiểu rằng tất cả mọi người cũng sẽ giống mình. Nếu bố hoặc mẹ hoặc người thân của con bị bất kỳ tổn thương nào, con sẽ rất buồn.
Hôm sau, con gái lại kể chuyện với tôi bằng dáng vẻ lo ngại:
- Bố ơi, hôm nay con đã nói với các bạn như bố đã bảo. Nhưng các bạn không nghe con. Các bạn ấy vẫn bảo đáng đời bố ạ.
Lúc này một vấn đề lớn hơn rất nhiều một câu chuyện của trẻ con đang hiển hiện trong suy nghĩ của tôi. Trẻ con, chúng vốn ngây thơ, trong sáng lắm. Nên chúng sẽ phản ánh đúng những gì chúng thấy. Chúng chỉ biết nói thật. Nói cách khác, chúng là tấm gương phản ánh chân thật đời sống và những câu chuyện của người lớn.
Những ngày sau, trên các mặt báo không chỉ còn là tin tức về mức độ lây lan và hậu quả gây hại của virus corona (sau này gọi là SARS-CoV-2) nữa. Thêm vào đó là tin tức về sự kỳ thị và hậu quả của sự kỳ thị đối với những người dương tính hoặc bị nghi là dương tính với bệnh dịch. Không chỉ là kỳ thị với người Trung Quốc mà là với tất cả người Châu Á… Tôi biết rằng những lo ngại của tôi là đúng.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 lại tấn công nước ta một lần nữa ở mức độ nguy hại và quy mô lớn hơn nhiều so với giai đoạn đầu. Chúng ta ghi nhận ở khắp nơi nỗ lực không mệt mỏi của những người có trách nhiệm trong phòng, chống và chữa dịch bệnh. Nhưng bên cạnh đó cũng là sự gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng của các hành vi mà tôi gọi là “hình thái khác của sự kỳ thị” đang đi ngược lại với những nỗ lực ấy.
Những trường hợp như trốn, tránh, tráo cách ly; trốn, tránh khai báo hoặc khai báo y tế không trung thực… nhiều ngày nay đã được cộng đồng lên án như là biểu hiện của sự “thiếu ý thức”. Tuy nhiên, có lẽ nhận xét “thiếu ý thức” mang nội hàm rộng quá. Ở một góc nhìn hẹp và cụ thể hơn, theo tôi, những hành động ấy phản ánh một nỗi sợ khác, ngoài nỗi sợ bệnh dịch: Nỗi sợ bị kỳ thị.
Với tất cả những số liệu về số người chết hoặc tốc độ lây lan của Covid-19 được đưa tin ở hiện tại (chưa kể đến các nguồn tin giả khác nữa) cùng với sự truy dẫn về hậu quả của các dịch bệnh ở trong quá khứ, chúng ta sợ hãi. Nhưng nếu đơn thuần là nỗi sợ liên quan đến an toàn tính mạng thì có lẽ tất cả những người đã nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm dịch bệnh sẽ thấy biết ơn và vui vẻ hợp tác với các cơ quan chức năng, những người đang nỗ lực hỗ trợ, cứu giúp, bảo vệ họ được an toàn!? Nhưng không, có nhiều người, họ đã làm ngược lại. Những hành động trái ngược mang tên “thiếu ý thức” nêu trên còn biểu hiện một nỗi sợ khác nữa: Nỗi sợ bị kỳ thị.
Sự kỳ thị không chỉ tác động đến duy mình họ mà còn đến cả những người thân như bố mẹ, vợ hoặc chồng và con cái của họ nữa. Sự tổn thương gây nên bởi sự kỳ thị, ở nhiều trường hợp còn đến trước và nặng nề hơn nhiều những tổn hại gây nên bởi dịch bệnh. Nên họ sợ bị kỳ thị. Họ tìm mọi cách để trốn tránh bị gắn mác là “người nhiễm dịch”.
“Nỗi sợ bị kỳ thị” này không loại trừ bất kỳ ai. Mới đây, PGS.TS Trần Thị Lan Hương đã có bài viết chia sẻ trải nghiệm, suy nghĩ của cá nhân khi chính bà là F1. Bà cho biết: “Nhiều bạn bè đồng nghiệp F1, F2 của tôi bị ứng xử, bị kỳ thị, rất tổn thương. Thật sự tôi không muốn xã hội nhìn nhận F1, F2 như "tránh tà"”.
Cùng với nỗi sợ dịch bệnh, “nỗi sợ bị kỳ thị” đã làm nhiều người trong chúng ta hoang mang và “thiếu ý thức” về trách nhiệm bảo vệ bản thân và cộng đồng. Nhưng sự “thiếu ý thức” lớn nhất có lẽ chính là thiếu đi “ý thức” như là một sự nhận biết, thấu hiểu về chính nỗi sợ của bản thân và quyền lựa chọn của chính mình.
Tôi muốn nói rằng, rủi ro hay nguy cơ của dịch bệnh là có thật, sự nguy hại của kỳ thị là có thật nhưng nỗi sợ hãi lại là sự lựa chọn làm nên hoặc chứng minh giá trị trưởng thành của mỗi chúng ta.
Điều này đúng với cả hai phía, người kỳ thị và người bị kỳ thị. Việc chúng ta kỳ thị người khác cũng phản ánh một nỗi sợ không được ta nhận biết, thấu hiểu và lựa chọn đúng đắn.
Tôi tưởng tượng rằng, nếu như chúng ta không nhìn thấy người Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh hay Ý...; người Châu Á hay người Châu Âu… là có dịch hay không có dịch, bằng tình thương và sự cảm thông, chúng ta cùng nhìn thấy họ như những Con Người cần được giúp đỡ. Chúng ta sẽ không còn thấy sự kỳ thị hoặc đánh đập, doạ nạt, xa lánh người mắc bệnh dịch nữa.
Tôi cũng hình dung rằng, nếu như chúng ta không nhìn thế giới bằng ánh mắt của sự sợ hãi hay toan tính thiệt hơn hoặc phán xét đúng sai… Bằng lòng biết ơn, chúng ta nhìn thấy ở mỗi con người, mỗi sự kiện đến với chúng ta như là một cơ hội được trao để chúng ta lựa chọn thể hiện giá trị của chính mình. Chúng ta sẽ không còn thấy những hành vi bị lên án là “thiếu ý thức” nữa.
Tôi quyết định thực hiện bài viết này sau khi đọc được tin tức về ca nhiễm thứ 39 từ cổng thông tin chính thức của bộ Y tế. Nhiều nguồn tin chính thống khác cũng khẳng định chúng ta đang ở đỉnh điểm và bước ngoặt quan trọng để chiến thắng cơn bão dịnh này. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm làm gì đó chung tay với cộng đồng để tạo nên bước ngoặt này.
Ngài Winston Churchill, cố Thủ Tướng Anh Quốc từng nói: “Lòng can đảm là thứ cần để đứng dậy và lên tiếng. Lòng can đảm cũng là thứ cần để ngồi xuống và lắng nghe.”
Trước đây, cũng như nhiều người trong chúng ta, tôi thường chọn cách im lặng, lắng nghe. Nhưng giờ là lúc tôi lựa chọn lên tiếng. Tôi tin rằng nếu có nhiều tiếng nói về những điều đúng đắn và chính trực thì sự kỳ thị hay đơn giản sự lan truyền những tin tức giả sẽ không còn nữa. Tôi muốn góp tiếng nói của mình vào nỗ lực chung của cộng đồng để tạo nên kết quả đó. Tôi mong cộng đồng chúng ta cùng lên tiếng để đẩy lùi sự kỳ thị. Bằng lòng nhân từ và biết ơn chúng ta sẽ tìm thấy thứ mình đang tìm kiếm: Chiến thắng dịch bệnh và bình an cho tất cả mọi người.
Tôi hy vọng trong những tâm sự của con gái tôi sau khi trở lại trường học, khi mà dịch bệnh đã kết thúc, con kể với tôi rằng: “Chúng ta thắng dịch bệnh bởi vì chúng ta đã đoàn kết. Các bạn con bảo thế bố ạ!”
Lê Nam Phương
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.