“Phố đồ cổ bán đồ cũ”
Như lời ông Bảo Tâm, chủ cửa hàng đồ cổ trên đường Lê Công Kiều chia sẻ: “Người mua hàng mua theo cảm tính, người bán hàng thì không dám “múa rìu qua mắt thợ” vì những người đi mua thường là những tay chơi đồ cổ có hạng nên cứ bán theo kiểu tự do lựa chọn. Nhiều nhà sưu tầm đồ cổ “sướng đến mất ăn mất ngủ” khi mua được món đồ cổ quí giá với số tiền quá hời, ví như câu chuyện về nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, mấy lần “sướng phát điên” khi mua được cổ vật cực kỳ quí hiếm ở phố này”.
Cửa hàng đìu hiu với vài vị khách tham quan
Tại đây, đồ cổ được bày bán ở cửa hàng, trên vỉa hè với đủ chủng loại, từ chiếc hộp quẹt cũ nho nhỏ của lính Mỹ những năm 1960 đến tượng Phật bằng đồng to sừng sững. Từ hàng thủ công như mặt dây chuyền bằng cẩm thạch, mã não, hay đồ trưng bày hình các con vật, hoa lá được đúc bằng đồng, tiền giấy, tiền đồng cổ hoặc giả cổ gom thành từng cụm được bày ra cho khách hàng tự chọn. Mỗi cửa hàng trên đường Lê Công Kiều kinh doanh một mặt hàng nhất định.
Tùy kinh nghiệm, chủ cửa hàng chọn bán mặt hàng nào, ví như ông Bảo Tâm hơn 20 năm chuyên bán tủ, bàn, ghế bằng gỗ quý, hay một số cửa hàng bán bình sứ cổ, bán đồ đồng. Người bán đồ cổ ở đây chọn cách hòa trộn các sản phẩm cổ, giả cổ để bình quân giá trị các mặt hàng. Ông Bảo Tâm, chủ cửa hàng đồ gỗ quý cho biết: “Ở cửa hàng có những bàn ghế giả cổ, đại khái là hàng nhái, nhái về thời gian thôi chứ cơ bản gỗ cũng thuộc dạng quý hiếm. Người đời có cái thú khoái xài hàng của các cụ ngày xưa, “phú quý sinh lễ nghĩa”, nhờ vậy mà bán được hàng”.
Nhà nghiên cứu và sưu tầm đồ cổ Trương Ngọc Tường từng chia sẻ: “Trong số những món đồ cổ quý giá của tôi hiện nay có một số tôi mua được từ chợ đồ cổ Lê Công Kiều. Tuy nhiên, mua đồ cổ ở đây rất phiêu lưu và cảm tính, người mua phải có con mắt nhà nghề, có kiến thức nhưng lại phụ thuộc nhiều vào tình cảm của từng người vào món hàng lựa chọn. Tôi chọn đồ cổ theo tiêu chí giá trị văn hóa và lịch sử, những món hàng của tôi mua đôi khi là đồ bỏ của người khác.” Theo nhà nghiên cứu, chưa ở đâu “thật giả lẫn lộn” khắc nghiệt như phố đồ cổ Lê Công Kiều, nhiều món được làm giả tinh xảo tới mức đẹp hơn hẳn đồ nguyên mẫu.
“Triễn lãm” vỉa hè và những “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ
Chủ một số cửa hiệu kinh doanh đồ cổ, đồ giả cổ trên phố Lê Công Kiều cho biết khách hàng ở đây được phân ra thành các nhóm: Người sưu tầm, người “săn” đồ cổ theo đơn đặt hàng làm quà biếu (hay còn gọi nhã hối, hối lộ tao nhã) hoặc hợp thức hóa mức thu nhập, người từng phất lên nhờ đầu cơ vàng, chứng khoán và địa ốc. Trong ký ức của hầu hết những người đang mưu sinh trên phố Lê Công Kiều, hai năm 2006-2007, lúc thị trường bất động sản và chứng khoán còn sôi động, tình hình buôn bán ở đây rất nhộn nhịp.
Năm 2008 trở về trước, mỗi ngày cửa hàng chú Bảo Tâm bán được từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Từ năm 2009 đến nay rất vắng khách. Khách tham quan thường qua lại ở đây dễ dàng nhận ra có nơi trưng bày món cổ vật tại chỗ cũ hơn cả năm vẫn chưa xê dịch, chưa ai hỏi tới. Những cửa hàng ở đây chủ yếu thuê mặt bằng, số tiền chi phí cho mặt bằng, điện nước thì cứ ngày một tăng mà hàng hóa chẳng bán được bao nhiêu.
Phần nhiều thời gian, chủ các cửa hàng cũng vốn là những tín đồ hàng cổ vật thích ngồi với nhau uống trà, đàm luận các vấn đề thời sự, kinh tế và tất nhiên không thể thiếu chủ để muôn thủa của dân cổ ngoạn. Không còn cái không khí ồn ào, kẻ hỏi mua người thách giá như ngày trước, phố cổ đìu hiu với vài du khách nước ngoài, dăm người chạy xe một cách chậm chạp dạo quanh khu phố với ánh mắt tò mò.
Dừng lại trước một cửa hàng chuyên bán đồ đúc đồng cổ và giả cổ, quan sát cách hai du khách nước ngoài săn hàng cổ làm kỉ niệm mà buồn thay cho nghề buôn cổ vật. Một du khách cầm lên một tượng con hổ bằng đồng nhỏ hơn nắm tay và hỏi giá, người bán kêu giá 2 USD, du khách nhăn mặt trả xuống 1USD. Mặc cho người bán cố giải thích “bán đúng giá, không dám kêu giá trên trời đâu” người du khách ấy vẫn lắc đầu nguầy nguậy tỏ ý không bằng lòng và sang cửa hàng khác.
Chị Thanh chủ cửa hàng trên chia sẻ: “Du khách bây giờ cũng khó khăn, mình bán giá đúng thế nhưng họ cũng trả tới trả lui, mục đích cũng chỉ để không phải mua hàng, chủ yếu họ tham quan là chính, nhìn vào là biết ai muốn mua, ai chỉ đến xem cho biết”.
Nhìn theo bóng dáng người du khách cứ lần lượt vào từng cửa hàng rồi lại đi ra tay không, không ít chủ cửa hiệu ngán ngẩm lắc đầu và nhìn ra đường trông chờ một cái gì vô định.
Muốn đổi nghề cũng khó “Bao nhiêu vốn liếng, công sức dồn vào cửa tiệm hơn 20 năm qua, giờ muốn làm nghề khác cũng khó. Không ai mua lại cửa hàng để kinh doanh khi mặt hàng đồ cổ ngày càng mất giá mà mình cũng không nỡ bán với giá quá rẻ. Và dường như mình mắc nợ với nghề này hay sao đó, đã thành cái nghiệp rồi dứt ra cũng không đành. Thôi thì trụ tới đâu hay tới đó, dù sao ngày nào ra đây ngồi cũng đỡ buồn, tận hưởng được cái cảm giác sống chung với mấy cổ vật thấy có ý nghĩa lắm”. (Ông Bảo Tâm chủ cửa hàng Bảo Tâm số 7B Lê Công Kiều) |
Ngọc Lài-Hà Nguyễn