Khi nghệ sỹ “bán mình” cho nhà sản xuất?
Để duy trì được lượng người quan tâm, theo dõi ổn định qua mỗi mùa giải, luôn là một bài toán khó đối với nhà tổ chức. Nhất là khi mọi thứ đã bão hòa, không còn gì hấp dẫn được khán giả nữa, thì sự cạnh tranh lại càng khốc liệt hơn bao giờ hết. Và các đơn vị tổ chức phải tìm mọi cách để thu hút khán giả. Thời nay, để gây được sự chú ý của người khác, không có cách nào nhanh chóng và hiệu quả như tạo scandal. Bởi vậy, trong cái vòng xoáy này, ngay cả scandal cũng là những kịch bản đã được sắp đặt sẵn. Ở đó, người chơi vô tình hoặc hữu ý bỗng chốc trở thành “con át chủ bài”, hay diễn viên của kịch bản này.
Nhiều nghệ sĩ từng tâm sự rằng, đôi khi họ cũng phải hy sinh hình ảnh cá nhân để “câu khách” hộ nhà sản xuất. Đó là xuất hiện trước máy quay để pha trò quá lố, hoặc cố gắng tìm những trò vui để chọc cười khán giả. Nhưng đó chưa phải là cái đích mà nhà sản xuất nhắm tới. Một loạt các chương trình truyền hình thực tế gần đây, chương trình nào cũng dính scandal ngay từ những tập đầu tiên. Trong đó, không thiếu những scandal khiến khán giả bị sốc, và mất dần niềm tin. Bởi họ bỗng nhận ra rằng, đằng sau đó là một kịch bản đã được sắp đặt trước, từ những chiêu trò để gây kịch tính trong từng tập, đến những màn “đấu võ miệng” trên sân khấu, dàn xếp kết quả thi, v.v...
Mỹ Lệ - Khương Ngọc với màn trình diễn tại cặp đôi hoàn hảo 2013.
Chúng ta chưa quên chương trình Việt Nam’s Got Talent mùa đầu tiên, cái tên Lê Nguyễn Quỳnh Anh bỗng nhiên gây chấn động cư dân mạng. Khi con gái bị loại ngay trong vòng loại, bà Nguyễn Thị Ngọ (mẹ Quỳnh Anh) đã tiến ra giữa sân khấu để phản đối quyết định của Ban giám khảo vì cho rằng em “có tài hơn những thí sinh khác”.
Chương trình The Voice 2012 lại tiếp tục “gây bão” khắp các phương tiện thông tin đại chúng trong một thời gian dài, khi mà một đoạn băng ghi âm được tung ra, tố cáo Phương Uyên – Giám đốc sản xuất Giọng hát Việt đã dàn xếp chương trình. Không những thế, còn chứng minh Phương Uyên và một số thí sinh có quan hệ riêng tư, có sự tư vấn, nâng đỡ khi chọn bài thi, mà cụ thể là mối quan hệ trên mức bình thường giữa Phương Uyên và thí sinh Thiều Bảo Trang. Từ những bằng chứng và áp lực dư luận, Phương Uyên đã phải xin từ chức Giám đốc sản xuất Giọng hát Việt. Còn ban tổ chức thì kiên quyết giữ Phương Uyên lại, bất chấp sự phản đối của dư luận.
Ngay khi vừa kết thúc đêm thi thứ hai của “Bước nhảy hoàn vũ 2013”, diễn viên Hòa Hiệp đã ngay lập tức “đăng đàn” trên trang cá nhân với những lời tâm sự bức xúc về chương trình. Anh tỏ ra tức giận với giám khảo Khánh Thi, và cho rằng chương trình đã có kịch bản từ trước để cặp đôi của mình không đạt điểm cao. Không những thế, diễn viên Hòa Hiệp còn sử dụng từ stupid (ngu ngốc) để ám chỉ trình độ chuyên môn của Ban giám khảo. Trong chương trình “Cặp đôi hoàn hảo 2013”, nữ giám khảo Lưu Thiên Hương và thí sinh ca sĩ Mỹ Lệ được cho là đã “diễn hài” trên sân khấu khi liên tục chỉ trích nhau gay gắt. Lưu Thiên Hương cho rằng phần thi của Mỹ Lệ tuần trước có phần dance (nhảy), và Mỹ Lệ nên nói nhỏ trước để cô còn có dịp giải thích rõ về từng loại nhạc.
Ngay lập tức, Mỹ Lệ đã phản pháo rằng: “Lưu Thiên Hương nhân danh ai mà đòi dạy tôi?” Nhưng bước vào đêm liveshow 7, cuộc đấu khẩu trên mặt báo bắt đầu nguội lại. Lưu Thiên Hương lại dành cho Mỹ Lệ nhiều lời khen. Và nữ giám khảo này còn nhắn nhủ với khán giả rằng, hãy xem như họ đang diễn kịch trên sân khấu.
Phương Uyên và nghi án dàn xếp kết quả chương trình The voice 2012 (ảnh internet).
Thực hư có một thế giới ngầm khủng khiếp
Truyền hình thực tế ngày nay không còn đúng với bản chất thực tế hầu như đều được dàn dựng, tính toán chi li. Nhạc sĩ Đức Huy người đã từng tham gia nhiều chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam cũng phải lắc đầu ngao ngán vì sự hỗn độn của các chương trình thực tế này: “Chương trình truyền hình thực tế ngày nay chịu sự chi phối nhiều thứ quá. Người tham gia phải tuân thủ theo các quy định của ban tổ chức, nhà sản xuất bởi họ là những người trả tiền khi mà chúng ta ký hợp đồng tham gia, vì vậy để đảm bảo tính chất của chương trình mọi bộ phận phải tuân thủ theo kịch bản chương trình đã được dàn dựng sẵn trước đó. Mọi thứ đều gò bó trong một khuôn khổ đã được xếp đặt sẵn”.
Tuy nhiên, anh cũng khẳng định đó chỉ là một số chương trình truyền hình thực tế “chín ép” mà thôi, vì vẫn còn một số chương trình để người chơi, ban giám khảo được “tự do” hoạt động theo đúng nghĩa của từ thực tế đó là không bị xếp đặt, gò bó theo những chuẩn từ trước do yêu cầu của nhà tổ chức. Nhạc sĩ Đức Huy cho biết: “Chỉ duy nhất một chương trình truyền hình thực tế mà tôi được tham gia không có một áp lực nào, đó là chương trình tôi thích lắm vì nó không có vòng loại, mình không phải nghĩ mưu kế cho phe và lợi ích nhóm của ban tổ chức đề ra. Đối với những chương trình truyền hình thực tế, có vòng thi loại sẽ rất khó khăn, thường rất cảm tính vì nhận xét nào cũng sẽ dễ dãi với những người thuộc nhóm của mình và còn rất nhiều chuyện nhạy cảm khó nói bên lề nữa. Tuy nhiên, phải công nhận một điều những người tham gia như ban giám khảo, thí sinh đều là những người rất có can đảm để dự thi vì khi đó quyền quyết định đã không còn nằm trong tay họ nữa rồi”.
Sự kém chất lượng trong các chương trình truyền hình thực tế, còn do một phần yếu kém của ban giám khảo. Một đạo diễn xin được giấu tên cho biết: “Ban giám khảo làm việc không hết mình vì họ chạy show nhiều quá. Thêm vào đó họ bị bắt buộc phải theo kịch bản đã sắp xếp trước đó nên không còn tính ngẫu nhiên. Trước mỗi chương trình họ đều bàn bạc sẵn với nhau. Thế giới ngầm trong đó rất khủng khiếp, họ tranh giành và mâu thuẫn nội bộ dữ dội lắm. Mâu thuẫn về cá nhân, chủ nghĩa phân biệt, thí sinh và giám khảo người miền Bắc, kẻ miền Nam cũng đã có sự phân biệt trong đó rồi, đó là chưa tính tới chuyện cảm tính cá nhân không vô tư”.
Vị đạo diễn này còn tiết lộ: “Giả sử với những chương trình đòi hỏi thí sinh phải tập luyện vũ đạo, tập hát từ trước để trình diễn trong phần thi trước khán giả thì nhà sản xuất phải tốn tiền thuê phòng tập, trả tiền cho nghệ sĩ tham gia tập luyện, ngoài ra còn chi phí ăn uống đi lại nữa, để tiết kiệm số tiền này các nhà sản xuất của Việt Nam đều rút ngắn thời gian tập luyện lại thay vì chẳng hạn tập hai ngày thì họ rút xuống còn một ngày. Họ làm gian dối như thế để giảm chi phí sản xuất mà vô tình làm chất lượng chương trình xuống thấp, vì điều đó mà khán giả sẽ bị dẫn dụ để xem những màn trình diễn kém chất lượng. Đừng vội chê nghệ sĩ có những màn trình diễn không đẹp mắt, bởi họ có được tập luyện nhiều đâu mà có những màn trình diễn đẹp mắt. Kinh tế quyết định tất cả trong đó có nghệ thuật”.
Hầu hết các chương trình đều dàn xếp kết quả từ trước Vị đạo diễn này cũng cho biết thêm: “Hầu như ngày nay tất cả các chương trình truyền hình, kể cả các cuộc thi đều đã được dàn xếp kết quả từ trước, cuộc thi là nơi để các đại gia mua giải cho người nhà của mình, còn truyền hình thực tế là để mua vui nhằm vơ vét tiền bạc từ các quảng cáo. Các chương trình truyền hình thực tế ngày nay đều không đi tới vấn đề vì nhà sản xuất làm ẩu nội dung quá lộ liễu dẫn đến các chương trình truyền hình thực tế Việt Nam đều không làm tới như format ban đầu. Nó gượng ép người tham gia vào không khí giả tạo để nhằm giảm chi phí sản xuất, làm nhanh nhất để chi phí lợi nhuận đạt cao nhất mà tiền bỏ ra ở mức thấp nhất”. |
Hương Lam - Hợp Phố