Sài Gòn, nơi phồn hoa, tấp nập bon chen không biết tự bao giờ đã là nơi lập nghiệp của những con người xa quê hương. Họ đi mang theo cả làng nghề truyền thống của ông cha để lại như làng dệt Bảy Hiền (quận Tân Bình), làng đúc lư đồng An Hội (quận Gò Vấp),… Chính vì thế, Sài Gòn lại xuất hiện những làng nghề thu nhỏ giữa phố.

Tiệm giày 555 Tuyết Tiến nằm trên đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, TP.HCM. Ảnh: Ngọc Nhiên
Cái nghề truyền thống gia đình gần một thế kỷ
Cũng như bao làng nghề khác ngay dưới chân cầu quận 4, TP.HCM, làng giày Khánh Hội, cái làng nghề của những gia đình cha truyền con nối nổi tiếng một thời trên đất Sài Gòn.
Đến nỗi thời buổi ấy chỉ cần nhắc đến cái tên thôi thì ai cũng đều biết đến. Làng nổi tiếng không chỉ nhờ những đôi giày mà còn cả những người thợ lành nghề rất giỏi.

Tấm bảng hiệu cũ của tiệm giày 555 Tuyết Tiến đã gần một thế kỷ. Ảnh: Ngọc Nhiên
Được biết trước những năm 1950, làng giày Khánh Hội bắt nguồn từ những người dân di cư từ Bắc vào Nam để lập nghiệp. Thời buổi đó, làng giày Khánh Hội được mệnh danh là ‘thủ phủ’ ở Sài Gòn bởi chính những sản phẩm mà những người thợ di cư vào Sài Gòn lập nghiệp đều rất đẹp và được nhiều người khách ưa chuộng. Không khí làng giày Khánh Hội lúc nào cũng nhộn nhịp, tấp nập người vào ra.

Một bảng ghi chú khi có khách tìm đến đóng giày. Ảnh: Ngọc Nhiên
Các tiệm giày Sáng, Tiến, Giày Sài Gòn,… là những tiệm giày nổi tiếng và có nhiều thợ lành nghề nhất trên đất Sài Gòn.
Những tiệm giày ấy mang đậm những ký ức về con người và mảnh đất Sài Gòn từ trước những năm 1975. Tuy có nhiều tiệm giày nhưng có lẽ ngày nay tiệm giày 555 Tuyết Tiến còn sót lại duy nhất chuyên ‘đo ni đóng giày’, đặc biệt là cho những người khách khó tính.

Cô Tuyết năm nay đã ngoài 50 tuổi có kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề đo ni đóng giày. Ảnh: Ngọc Nhiên
Tôi tìm đến làng giày truyền thống ấy theo sự chỉ dẫn của một người dân sinh sống tại quận 4, TP.HCM. Vì do bị chân cầu Calmette che khuất nên rất khó nhìn thấy, mãi một hồi sau có một căn nhà nhỏ với một bảng hiệu ‘tiệm giày 555 Tuyết Tiến’, chuyên đóng các loại giày, dép da, Sandal da.

Những chiếc giày da với những mẫu theo khách yêu cầu. Ảnh: Ngọc Nhiên

Hay những mẫu đôi khi do chính tay cô Tuyết thiết kế. Ảnh: Ngọc Nhiên
Hình ảnh đầu tiên mà tôi bắt gặp là một chiếc bảng nhỏ ghi dòng chữ nhỏ ‘khách ấn chuông, cám ơn’.
Gọi là tiệm vậy thôi thế nhưng đó chỉ là một căn nhà nhỏ khoảng chừng hơn 20m2. Hai bên tường là chiếc tủ kiếng to để trưng những chiếc giày da với những kiểu vô cùng bắt mắt và lạ.

Tiệm giày 555 Tuyết Tiến nức tiếng một thời trong làng giày Khánh Hội về chuyên đo ni đóng giày. Ảnh: Ngọc Nhiên
Tôi được một cô tuổi đã chừng ngoài 50 mời vào nhà. Cô chỉ mặc một bộ đồ đơn giản và nở nụ cười thân thiện mời tôi ngồi và dùng một ly nước.

Vợ chồng cô Tuyết là người nối nghề của ông bà, cha mẹ để lại. Ảnh: Ngọc Nhiên
Người phụ nữ ấy là cô Bùi Thị Ánh Tuyết (SN 1964) gắn bó với nghề đóng giày đến nay đã hơn 30 năm. Hiện tại, tiệm giày do cô Tuyết và chồng là chú Lý Thanh Tiến (SN 1963) là của ông bà để lại.
Đến đời cha mẹ và đến vợ chồng cô tính đến nay đã gần một thế kỷ. Bởi người cha của chú Tiến bước vào nghề đóng giày hồi chỉ mới 13 tuổi, thời đó họ chuyên đóng giày cho những nghệ sĩ hát cải lương.

Đôi giày mang nhiều kỷ niệm của cô Tuyết với những lứa sinh viên tìm đến cô để học nghề. Ảnh: Ngọc Nhiên
‘Con ngựa chứng’ – tên gọi đầy kỷ niệm
Cái nghề đóng giày nhìn vậy nhưng rất khó, khó ở chỗ bởi tiệm giày của cô Tuyết chuyên nhận ‘đo ni đóng giày’ cần phải thiết kế không chỉ sao cho vừa chân của người khách mà còn phải có mẫu mã đẹp. Nghĩa là phải vừa ý của khách hàng về chất lượng lẫn về mẫu mã.

Để làm ra một đôi giày đẹp và vừa ý cho khách, cần phải có kinh nghệm và đôi tay khéo léo. Ảnh: Ngọc Nhiên
Khi hỏi về những khó khăn trong nghề, cô Tuyết chia sẻ: "Khi mới bước vào nghề cô không hề biết gì cả bởi cô là một tay ngang nên chỉ thường phụ những khâu nhỏ nhỏ. Rồi nhìn những mẫu khi đã hoàn thành, cô học qua những mẫu có sẵn và bắt đầu học ngày đêm.
Nhưng nghề đóng giày rất khó nhất là khâu thiết kế nên cô Tuyết có lần đem bỏ hết những bộ đồ nghề, không làm nữa. Một thời gian sau khi vô tình cô xem một đoạn phim và nghe được câu nói: ‘khó một ngày hai ngày, một tháng hai tháng, một năm hai năm… nhưng khi biết rồi thì dễ rất nhiều’ khiến cô chuyển ý và quay lại với nghề vượt qua những cái khó.
Chính vì thế, tuy là một phụ nữ nhưng cô Tuyết là một người thợ chính, có thể làm hết tất cả những công đoạn để cho ra được một đôi giày".

Những đôi giày cho thấy sự sáng tạo và cẩm thận trong từng công đoạn. Ảnh: Ngọc Nhiên
Điều đặc biệt, cô Tuyết không làm theo số lượng, không có thời gian vì cô làm theo cảm xúc bởi vui thì cô làm nhanh, đẹp, còn khi buồn thì cô không làm hoặc làm hơi lâu.
Nói là vậy thôi, cô Tuyết lúc nào cũng luôn vui cười những khi ai đến tìm cô để đóng giày, do cái nghề của cô chỉ có những người khách đặc biệt tìm đến.

Cô Tuyết nhận đóng giày cho cả những nghệ sĩ. Ảnh: Ngọc Nhiên
Do sự phát triển của công nghệ làm giày, mẫu mã mới lạ nên tiệm đóng giày nhà cô Tuyết đã bị mai một đi.

Chỉ với hình mẫu của đôi giày trên giấy thế nên cô Tuyết lại có thể làm ra được một đôi giày vô cùng vừa ý. Ảnh: Ngọc Nhiên
Chính vì thế, khi những người khách quen đến đóng giày đều hẹn trước. Họ cũng không bực mình về thời gian mà hiểu được cái khó trong các công đoạn của đôi giày.
Chính vì thế cô Tuyết được những người khách gọi với cái tên ‘con ngựa chứng’. Gọi là thế thôi chứ khi ai đến đây đóng giày đều rất thích và hài lòng về cái tính của cô trong nghề.

Cô Tuyết là người rất đam mê với nghề đo ni đóng giày. Ảnh: Ngọc Nhiên
Điều đặc biệt ở cô Tuyết rằng cô luôn thích những mẫu đôi giày khó, bởi có như thế đam mê của cô mới được thỏa mãn. Những người khách tìm đến tiệm cô Tuyết đều chỉ đưa một tấm giấy có hình mẫu thế nhưng cô lại có thể cho ra một đôi giày thật chính xác và hoàn hảo.

Một số đồ nghề để làm ra được một chiếc giày. Ảnh: Ngọc Nhiên
Còn chú Tiến, tuy là con của nòi làm giày nhưng chú lại không theo bởi cái nghề khó và cần phải có khiếu. Chỉ có khi khách đến thì chú sẽ phụ cô Tuyết nhưng việc nhỏ mà thôi.

Dù cho có bao nhiêu thăng trầm trong nghề nhưng tiệm giày 555 Tuyết Tiến vẫn luôn mở cửa để chờ khách. Ảnh: Ngọc Nhiên
Ngày ngay, mặc cho những mặt hàng giày trong và ngoài nước lấn lướt làng giày Khánh Hội, nhưng cửa tiệm giày của cô Tuyết và chú Tiến vẫn luôn còn đó như thách thức với thời gian.
Bởi có những thứ vượt lên cả đôi giày, là những kỷ niệm, là tâm huyết, là đam mê, là sự biết ơn của những người khách dành cho những người thợ khéo léo đóng nên những đôi giày đẹp. Sài Gòn cũng có rất nhiều kỷ niệm với làng giày Khánh Hội và cả những con người di cư chọn mảnh đất này để lập nghiệp.
Ngọc Nhiên