Nên tổ chức “hội nghị Diên Hồng”
Ở góc độ của một tiến sĩ mỹ học, ông Thế Hùng cho biết: "Quốc phục là điều tất yếu phải làm đối với một đất nước. Đó là bộ mặt văn hoá ghi đậm dấu ấn của quốc gia. Vì vậy, chúng ta cũng nên mở một "hội nghị Diên Hồng" để lấy ý kiến của đông đảo quần chúng. Dĩ nhiên, để có cái nhìn bao quát lẫn sâu sắc, phải mời những người có chuyên môn có tâm, có tầm cùng thực hiện. Người nghiên cứu về quốc phục, phải có cái nhìn sâu rộng về văn hoá dân tộc qua các thời kỳ, từ Sa Huỳnh đến Đông Sơn. Quốc phục không giống như lễ phục. Nó nhất thiết phải là thứ mà khi mặc vào phải ra được cái hồn của người Việt".
Áo dài là bản đồ sống của dân tộc.
Giữ nguyên cái cũ của nét cổ xưa hay hướng tới cái mới để hợp thời, tiện dụng hơn là những bàn cãi trái chiều của nhiều nhà nghiên cứu văn hoá. Theo tiến sĩ mỹ học Thế Hùng thì, đi tìm quốc phục mà cứ nhìn vào cái mới, cái khác bên ngoài là hoàn toàn vớ vẩn. Quốc phục là cái của riêng mình, là hồn cốt của bản sắc văn hoá dân tộc. Nếu mang cái mới đến với nó, nghĩa là đã gột mất những giá trị truyền thống từ ngàn xưa.
Các nước có quốc phục trên thế giới, có thể nền kinh tế của họ bình thường nhưng về văn hoá, họ đã thực sự có bản ngã riêng, không lẫn vào đâu được. Việt Nam có hơn 54 dân tộc, nghĩa là có từng đó trang phục truyền thống. Điều quan trọng là chúng ta tìm ra được tiếng nói chung giữa chúng và đạt được một sự kết hợp tuyệt tác nhất. Nhưng chúng ta vẫn phải ghi nhận sự ảnh hưởng của số đông. Vì thế, nếu quốc phục thiên về văn hoá của người Kinh thì đó cũng là điều bình thường.
Nhà thiết kế Đức Hùng, một chuyên gia về áo dài lại bày tỏ một quan niệm rất khác. Anh cho rằng, chỉ có áo dài (áo dài truyền thống nữ và áo dài khăn đống nam) là xứng đáng với ngôi vị quốc phục. Đức Hùng nhấn mạnh, theo quan điểm cá nhân của anh, trước hết phải hiểu cho đúng thế nào là quốc phục và thế nào là lễ phục. Áo dài là cái ngàn đời mà ông cha ta để lại. Đức Hùng là một trong những người giữ gìn và sáng tạo tà áo dài Việt Nam, đậm chất cổ truyền và mang hơi thở đương đại, trên một nền tảng văn hoá truyền thống. Với những mẫu thiết kế thời trang, nhà thiết kế có thể vung tay theo những sự sáng tạo không biên giới, phóng túng và phá cách. Nhưng với áo dài truyền thống thì khác, sáng tạo đến đâu cũng phải tuân thủ theo những quy tắc có sẵn. Đó là sự hiểu biết vững vàng để sản phẩm mình tạo ra không bị lệch lạc về hình ảnh.
Với lễ phục, người mặc thường ghi dấu ấn cá nhân. Lễ phục thường không tuân theo một quy định cụ thể nào. Chỉ cần người mặc cảm thấy phù hợp với không khí của sự kiện đó, nhưng quốc phục thì khác. Khái niệm này mang tính trọng đại và nhạy cảm hơn rất nhiều. Đức Hùng cho biết: "Quốc phục là một trang phục có thể đại diện cho một quốc gia, tính cộng đồng dân tộc. Nói đến quốc phục là nói đến sự trân trọng, tự hào, thiêng liêng. Như quốc hoa, quốc kì, quốc hiệu. Hình ảnh quốc phục phải "chạm" được vào trái tim của bạn bè quốc tế. Đôi khi, chúng ta không thể giao lưu bằng ngôn ngữ thì giao lưu bằng hình ảnh. Thử tưởng tượng xem, trong một sự kiện quốc tế, chỉ cần nhìn vào bộ quần áo, người ta sẽ biết ngay là người Việt Nam. Quốc phục là thứ nên và cần có để khẳng định hình ảnh và bản sắc dân tộc với bạn bè năm châu. Khi mặc quốc phục, bạn sẽ nghĩ rằng mình chính là một "bản đồ sống".
Khi mặc quốc phục bạn sẽ ý thức sâu sắc về bản thân mình trong hành động, phát ngôn. Tự nhiên có một sức nặng vô hình trong con người mình, làm mình trở nên cốt cách hơn.
Quốc phục vẫn đang vấp phải những tranh cãi trái chiều.
Quốc phục không nên là “đặc sản”
Không nên bắt một bộ trang phục phải gánh quá nhiều trọng trách. Việc thiết kế quốc phục, quan trọng là phải tạo dựng được một bộ quốc phục đơn giản với những người sử dụng. Nhưng hiện nay, các ý kiến đóng góp lại vô tình áp đặt chúng với những chi tiết này, hình ảnh kia. Chúng ta nên nhìn vấn đề đơn giản hơn. Bởi mẫu thiết kế này là để cho 80 triệu người mặc chứ không phải cho một nhóm người mặc. Nó nên là món ăn hàng ngày, giống như cơm vậy, chứ không phải là một món đặc sản hay sơn hào hải vị nào cả. Với cơm, chúng ta có thể ăn thường xuyên chứ sang đến súp, dù là hải sản nhưng không phải ai cũng có thể vừa miệng.
Quốc phục thường tượng trưng cho sự thiêng liêng, cầu kì, nghiêm chỉnh thì sự tối giản này liệu có đúng? NTK Đức Hùng cho rằng, "nếu ví quốc phục là cơm thì nghĩa là đã ví nó như là ngọc thực. Vậy thì không thể xem nó là sự đơn giản được. Cái tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là tính quảng đại, tính cộng đồng, sâu rộng của bộ trang phục".
Nếu như chúng ta vô tình áp đặt, gắn nhiều trọng trách với nó quá thì sẽ rất khó tìm thấy quốc phục. "Kim chỉ nam" là dựa trên một tiêu chí đơn giản mà già trẻ, giàu nghèo đều có thể sử dụng. Quốc phục không nhất thiết phải thêu rồng phượng, phải vải trong vải ngoài cầu kì, diêm dúa. Ngược lại, nó có thể "chạm" đến, gần gũi và thân thuộc với cả những con người bình dị nhất trong xã hội.
Nếu áo dài nữ được mặc định là quốc phục dành cho phụ nữ thì quốc phục dành cho nam lại nhận được quá nhiều ý kiến tranh cãi. Theo nhà thiết kế Đức Hùng, quốc phục dành cho nam cũng nên là áo dài, khăn đóng. Như thế mới tương xứng với quốc phục của nữ. Hãy nhìn tất cả các nước trên thế giới, đàn ông Ấn Độ, Nê Pan vẫn đội khăn trên đầu. Vậy tại sao đàn ông Việt lại ngại đội khăn đóng? Họ không biết rằng mình đang mang trên mình "bản đồ sống". Tất nhiên để mới mẻ hơn, chúng ta có thể mặc quần âu, đi giày tây. Đó cũng là văn minh rồi, thức thời rồi. So với những trang phục dân tộc trên thế giới, áo dài của chúng ta đã được tối giản vô cùng mà vẫn rất đẹp đẽ, tinh tế. Chúng ra đơn giản hơn 1.000 lần so với bộ Kimono của Nhật Bản hay Handbook của Hàn Quốc.
Tuy nhiên không phải ai cũng có cùng quan điểm này. Hoạ sĩ Trần Khánh Chương, chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, không nên lấy những bộ khăn xếp, áo the để làm quốc phục. Theo ông Chương, nếu lấy khăn xếp, áo the không cẩn thận dễ giống trang phục của người Trung Quốc, vì ngày xưa nam giới nước này vốn đã mặc áo dài. Chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: "Có thể lấy âu phục nhưng chú ý ở phần chất liệu, màu sắc, ve áo. Xưa này, trong các buổi lễ, áo dài nữ vẫn được sáng vai bên các âu phục của nam giới trong lễ cưới. Điều này đã được người Việt áp dụng từ lâu như một sự khẳng định sâu sắc về sự hợp lý, mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ".
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Vi Kiến Thành, cục trưởng cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, đơn vị được bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao trách nhiệm xây dựng đề án quốc phục, cho biết: "Hiện nay vấn đề quốc phục vẫn đang được Cục nghiên cứu". Theo ông Thành, việc chọn quốc phục từ trước đến nay luôn tồn tại hai quan điểm: Giữ nguyên tính truyền thống hay kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Hầu hết những ý kiến này đều có lý và đều dựa trên những lập luận, hiểu biết sâu sắc. Cái khó là nhà làm đề án phải đưa ra được các tiêu chí rõ ràng, cụ thể để đi đến một quan điểm thống nhất. Cái khó khác là việc thống nhất quốc phục dành cho nam giới. Việc chọn khăn đóng, áo dài được bàn bạc từ rất lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa đi đến kết quả.
Đã là áo dài thì phải dài "Hiện nay, có nhiều trang phục đang quá lạm dụng sự cách tân nhưng sự thực lại đang bóp méo và làm hỏng hình ảnh tà áo dài truyền thống. Chúng ta không nên gọi đó là áo dài. Hãy gọi chúng bằng một cái tên khác xứng đáng và hợp lý hơn. Cũng có thể chúng là mặt trái của sự sáng tạo thời trang, của sự quá đà. Còn áo dài phải ra áo dài, thứ nhất là phải dài, thứ hai là phải có tà, thứ ba là phải có cổ áo, tay áo", NTK Đức Hùng khẳng định. |
Bích Đào