Con tôi năm nay lên lớp 8. Tôi rất vui vì cháu biết chủ động trong việc học, đặc biệt là môn Ngữ Văn. Trước khi học bất cứ đoạn trích nào trong sách giáo khoa, cháu đều tìm cả tác phẩm để đọc, để hiểu được trọn vẹn ý nghĩa, những thông điệp muốn truyền tải.
Đến một hôm cháu tìm hiểu tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố (trong sách giáo khoa có trích đoạn Tức nước vỡ bờ), cháu có hỏi tôi vài điều khiến tôi có một chút suy nghĩ liệu chị Dậu có phải một hình mẫu phụ nữ Việt Nam chuẩn mực? Liệu Tắt đèn có còn phù hợp để dạy học sinh thời hiện đại?
Con tôi đã hỏi, tại sao cô giáo luôn nói rằng chị Dậu hết mực thương con mà chị lại bán con? Thoạt đầu với một người không có chuyên môn như tôi, tôi cũng rất bối rối với câu hỏi đó. Tôi đã đi hỏi một số người nghiên cứu văn học thì được giải đáp rằng ở thời điểm đó, chuyện bán con xảy ra nhiều.
Có thể với suy nghĩ của chị Dậu, chị biết rằng chị quá nghèo, nếu cái Tí ở cùng chị sẽ không có cơm để ăn nên đưa cái Tí đến nhà cụ Nghị cũng là một cách tốt để cho đứa con được an toàn khỏi giặc đói.
Tôi đã giải đáp với con tôi y như vậy. Nhưng khi con tôi hỏi lại rằng liệu tôi có làm như chị Dậu khi tôi ở hoàn cảnh đấy thì tôi đã trả lời đi ngược lại hết tất cả những gì tôi đã nói với con. Đó có lẽ là điều đương nhiên với tôi hoặc với tất cả những ai đã làm mẹ. Dù có khổ đến đâu, có đói đến đâu, chuyện bán con đều là không thể!
Thêm một cái trớ trêu nữa trong tác phẩm Tắt đèn, đoạn cuối, chị Dậu có thể “bán mình” cho tên quan phủ Tri Ân để nhận tiền cứu chồng thậm chí là đủ để chuộc con nhưng chị không chấp nhận. Và tôi thấy kì lạ là trong nhiều bài phân tích, hầu hết các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu đều tung hô rằng: “Chị có thể bán con, bán đi tất cả nhưng quyết không thể bán đi nhân phẩm của một con người”. Điều đó hoàn toàn đi ngược lại với suy nghĩ và tình cảm của một người phụ nữ đã làm mẹ!
Có thể thấy trong nhiều tác phẩm kinh điển của cả Việt Nam lẫn nước ngoài, nhiều người đàn bà chấp nhận danh dự, nhân phẩm của mình bị chà đạp để có thể cứu người thân như Fantine trong Những người khốn khổ bán răng bán tóc, làm điếm gửi tiền nuôi con gái, Thúy Kiều trong Truyện Kiều bán mình chuộc cha. Họ hi sinh chính bản thân mình, tự đẩy mình vào những con đường nhơ nhớp, đau khổ để người thân yêu được an toàn, hạnh phúc.
Vậy chị Dậu trong hoàn cảnh này phải chăng hơi ích kỉ?
Với thực trạng xã hội hiện nay, khi ngày càng nhiều các cuộc tình lầm lỡ, ngày càng nhiều đứa trẻ sinh ra đã bị bỏ rơi vì mẹ đứa trẻ không chấp nhận những tiếng gièm pha thì liệu để tác phẩm Tắt đèn vào chương trình học, lấy chị Dậu làm hình mẫu cho sự hi sinh và yêu thương con cái thì có phải hơi phi lí, mâu thuẫn và thiếu tính nhân văn hay không?
Thiết nghĩ Tắt đèn cũng như các tác phẩm văn học khác, đều có những giá trị không thể so sánh và đều có những sứ mệnh ở mỗi giai đoạn, thời kì khác nhau. Có lẽ “Chị Dậu” đã hoàn thành xong sứ mệnh lịch sử của mình.
Và tôi nghĩ rằng, ở giai đoạn này, các nhà biên soạn sách giáo khoa nên xem xét lại việc nên hay không nên giữ tác phẩm Tắt đèn trong chương trình học.
Xuân Thu
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả