Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang gấp rút hoàn thiện các bước để xây dựng dự án Viện KHCN Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST), dự kiến sẽ được xây dựng vào năm 2014 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc ở Hà Nội bằng nguồn vốn ODA, trong đó có 35 triệu USD viện trợ không hoàn lại.
V-KIST sẽ có bốn mảng hoạt động chủ yếu: Phát triển công nghệ cao, là những công nghệ nguồn có thể ứng dụng phục vụ tăng trưởng trong tương lai sau năm 2020, như công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng và môi trường...
Bên cạnh đó, Viện cũng sẽ phát triển những công nghệ chiến lược, đem lại giá trị gia tăng cao cho các ngành công nghiệp, như công nghệ thông tin – truyền thông, công nghệ hóa dầu, chế tạo máy...
Kinh phí thực hiện giai đoạn đầu (2013 – 2017) của dự án theo tính toán của KIST khoảng 70 triệu USD, trong đó đóng góp từ phía Hàn Quốc là 35 triệu USD, gồm 20 triệu USD tiền xây dựng cơ bản, 10 triệu USD tiền trang thiết bị, 5 triệu USD kinh phí đào tạo và chi phí khác.
Đóng góp phía Việt Nam là 35 triệu USD, trong đó 14 triệu USD là tiền xây dựng cơ bản, phần còn lại dành cho đền bù và giải phóng đất (250 nghìn m2), hỗ trợ thiết bị, và kinh phí hoạt động của viện trong 5 năm đầu tiên.
Kinh phí dành cho giai đoạn 2 (2018 – 2022) sẽ khoảng 120 triệu USD, dành cho xây dựng 3 nhà phục vụ R&D và mua sắm trang thiết bị, mở rộng đội ngũ nhân lực, và hoàn thiện các dự án R&D.
Theo tính toán của Bộ KH&CN, nguồn kinh phí dành cho V-KIST sẽ không quá 200 triệu USD, trong đó đề xuất phía Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại khoảng 30 – 50 triệu USD, 100 triệu USD cho vay ưu đãi, phần còn lại do phía Việt Nam đối ứng.
Nhà quản lý lạc quan
Nói về viện V-KIST, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân khẳng định, khoản đầu tư vào viện này so với các viện khác của Bộ KHCN là không lớn, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với Viện Năng lượng Nguyên tử.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác ở Việt Nam lại đặt vấn đề: Khi Hàn Quốc cùng xây dựng dự án này thì liệu các nghiên cứu của chúng ta sau này có đi theo các hướng của nước bạn và phụ thuộc vào các nhà khoa học nước bạn?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, V-KIST là của người Việt Nam, do các nhà khoa học Việt Nam đảm nhiệm chính và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, chứ không hề lệ thuộc vào nước nào khác.
Nhiệm vụ của V-KIST là nhận đặt hàng của các tổ chức, doanh nghiệp...và thực hiện các nhiệm vụ KHCN đó.
Nhưng Việt Nam đã có nhiều viện nghiên cứu, sao phải lập thêm V-KIST?
Trả lời vấn đề này, TS. Mai Hà, Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ KHCN ví von: “Vào thời trước khi xây dựng đường 5 mới, từ Hà Nội đến Hải Phòng có bao nhiêu con đường, tại sao chúng ta vẫn phải làm đường cao tốc? Hoặc trong thành phố Hà Nội, đã tồn tại các con phố, ngã tư rồi tại sao vẫn phải làm cầu vượt?"
Ông Hà cho rằng mỗi con đường đều có chức năng riêng của nó và Viện V-KIST cũng có chức năng riêng của mình.
Ông cũng cho biết năm 1966, khi xây dựng viện KIST, Hàn Quốc cũng có hệ thống viện nghiên cứu giống ta bây giờ nhưng họ vẫn làm KIST.
KIST được áp dụng một cơ chế đặc biệt. Nó nhận được sự cam kết cao nhất của lãnh đạo cao nhất của Hàn Quốc: Không phải qua kiểm toán, tức là không chịu sự điều tiết của Luật Ngân sách.
Ban lãnh đạo Viện rất giỏi và sáng tạo. Các nghiên cứu của KIST làm theo đơn đặt hàng của các tập đoàn công nghiệp lớn của Hàn Quốc.
Việc xây dựng KIST chính là cách đi tắt đón đầu ở Hàn Quốc và đạt được hiệu quả cao trong thực tế. Phần lớn các ứng dụng công nghệ của một số ngành công nghiệp và các tập đoàn lớn đều xuất phát từ KIST”.
Về cơ chế đãi ngộ với nhà khoa học làm việc trong V-KIST, Bộ KHCN đang đề xuất trong báo cáo khả thi hai cơ chế.
Thứ nhất, khi chưa có nghiên cứu thì lương của nhà khoa học tối thiểu sẽ bằng ba lần lương của một giáo sư theo bậc lương Nhà nước. Thứ hai là áp dụng cơ chế khoán theo sản phẩm.
Môi trường làm việc cũng sẽ giống môi trường của các nhà khoa học ở nước ngoài.
Nhà khoa học sẽ được tham gia các giao lưu khoa học quốc tế, có không gian làm việc, có thông tin và phương tiện làm việc chuẩn hóa theo mô hình quốc tế.
Dự kiến quy mô ban đầu của viện khoảng 30-60 người. Sau 10 năm có thể lên đến 150, trong đó số lượng nhà khoa học khoảng 100.
Phối cảnh Viện V-KIST dự định xây dựng ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Khó khả thi?
GS.TS Trương Nam Hải, Viện trưởng viện Công nghệ Sinh học, Ủy viên Hội đồng chính sách KHCN Quốc gia phân tích, viện V-KIST nếu xây lên sẽ giống như một “ốc đảo” khi có các cơ chế riêng.
Nhưng liệu như thế nó hòa hợp với môi trường khoa học nước ta hiện nay không, khi muốn phát triển, V-KIST cũng phải hợp tác với các viện khác?
Hơn nữa, các viện hiện nay cũng đang nhận đặt hàng của nhà nước, doanh nghiệp… chứ không phải “há miệng chờ sung”.
Vậy nên nếu muốn tạo ra một viện tiên tiến, sao không chọn một viện có sẵn, mà phải đầu tư mới, gây tốn kém tiền bạc?
Còn GS.TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng viện Toán từng phân tích, khi Viện KIST được thành lập, Hàn Quốc không có cơ sở nghiên cứu khoa học chuyên trách nào đủ sức giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ do sự phát triển kinh tế và xã hội Hàn Quốc đặt ra.
Vì vậy Hàn Quốc đã tập trung tối đa nguồn nhân lực khoa học cao vào KIST nhằm tạo ra một môi trường nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến nhất, phục vụ phát triển kinh tế và thu hút các nhà khoa học Hàn Quốc ở nước ngoài về nước làm việc.
Điều này cũng giống như ý tưởng thành lập Viện Hàn lâm khoa học ban đầu ở Việt Nam ngay khi kết thúc chiến tranh chống Mỹ.
"Rất tiếc là chúng ta đã không thực hiện ý tưởng đúng đắn này. Đó là bài học cần học, chứ không phải việc thành lập VKIST sẽ làm khoa học Việt Nam phát triển", ông Trung nói.
Cả GS. Ngô Việt Trung và GS. Trương Nam Hải đều bày tỏ quan ngại về nguồn nhân lực khi lập ra viện V-KIST sẽ lấy ở đâu? Liệu các nhà khoa học Việt kiều có về nước để gánh vác công việc của viện này không?
Phương Đông (Theo Bizlive)