Khắc phục khó khăn học online
Trao đổi với phóng viên, anh Bùi Ngọc Phúc, một phụ huynh tại Hà Nội nhận định: “Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến khá phức tạp, việc học sinh phải tiếp tục nghỉ là điều không tránh khỏi. Để các con không bị “hổng” kiến thức, sở GD&ĐT Hà Nội đã cho phát sóng các chương trình học mang tính đại trà trên kênh HTV1; ngoài ra, các trường học cũng đã xây dựng chương trình học trực tuyến của riêng mình.
Tuy nhiên, nếu học online kéo dài, lại không có sự giám sát của phụ huynh, chắc chắn hiệu quả sẽ không được như mong đợi. Những trường có thế mạnh về kho học liệu và hạ tầng kỹ thuật tốt, đó sẽ là lợi thế!”.
Cô giáo Trần Thị Lâm, một giáo viên THCS tại Hà Nội cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh, trường tôi vẫn duy trì hình thức dạy học online để đảm bảo kiến thức cho học sinh. Trước đó, trường cũng có kế hoạch, tổ chức tập huấn cho cán bộ giáo viên để phát huy hết năng lực trong giai đoạn này”.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng chia sẻ kinh nghiệm duy trì dạy học trực tuyến cho học sinh từ những ngày đầu tiên nghỉ học: “Ngay từ đầu, với ý thức phục vụ và tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập, trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã tổ chức duy trì ôn tập kiến thức cho học sinh lớp 12.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, trường đã triển khai dạy học trực tuyến đối với toàn bộ các khối lớp. Do được hỗ trợ nên đã có sẵn nền tảng công nghệ thông tin, nên trường chỉ cần thống nhất với phụ huynh và học sinh để có được những giờ học tốt nhất. Trường tổ chức mỗi tiết học vẫn duy trì 45 phút để đảm bảo sức khỏe và tinh thần cho học sinh”.
“Ban đầu, hiệu quả tổ chức cũng còn hơi rời rạc, nhưng sau đó, nhờ tăng cường quản lý chặt chẽ, giáo viên chủ nhiệm tiến hành điểm danh nên học sinh tham gia đầy đủ hơn. Thậm chí, có biện pháp đối với những học sinh “cố ý” đăng nhập điểm danh nhưng không học, để học sinh nghiêm túc và có ý thức hơn. Đó là, giao bài tập và học sinh phải nộp bài tập để giáo viên đánh giá, lấy điểm. Nhờ vậy mà cơ bản đảm bảo sĩ số các tiết học.
Khó khăn lớn nhất đối với nhà trường, là một số học sinh, ở nhà không có máy tính, nhà trường đã vận động phụ huynh lập nhóm để giúp đỡ nhau.
Hiện tại, sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức dạy học trên truyền hình, nên học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng chỉ ôn tập, chữa bài tập vào buổi sáng còn buổi chiều, học sinh sẽ học theo chương tình chung của thành phố”, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết.
Đánh giá khó khăn lớn nhất của việc dạy học trực tuyến đến từ giáo viên, TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục phân tích: “Có rất nhiều giáo viên không giỏi về công nghệ thông tin, dẫn đến việc thiết kế bài giảng sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, tôi góp ý các trường có thể gom lớp hoặc sắp xếp các tiết học lệch nhau, để người giỏi công nghệ thông tin có thể hỗ trợ những người chưa giỏi.
Trong những trường hợp, học sinh chưa có điều kiện học trực tuyến thì có thể học trên truyền hình, vì chương trình học được thống nhất trên cả nước. Quan trọng nhất là sau những buổi học trên truyền hình, thầy cô có thể liên lạc để hướng dẫn học sinh ôn tập lại, giải thích thêm để học sinh không hiểu sai vấn đề, hỗ trợ cho học sinh thông qua các phương tiện khác”.
“Bên cạnh đó, để giờ học không nhàm chán, thầy cô có thể tham khảo rất nhiều phần mềm hỗ trợ, có thể lựa chọn các bảng hỏi, mẫu câu trắc nghiệm... trên Google Drive để thiết kế nhiều bài tập một cách sinh động để tránh tình trạng “giảng chay" cho học sinh.
Đồng thời, thầy cô có thể cho học sinh thảo luận, chuẩn bị bài mới trước, sau đó, thuyết trình bài giảng thay vai trò của giáo viên, để tạo hứng thú nhiều hơn cho học sinh. Trong tiết học, thầy cô cũng có thể tăng cường sử dụng hình ảnh, clip để làm bài giảng thêm phong phú”, vị chuyên gia giáo dục gợi ý.
Không nên cho con về quê lúc này
Những ngày qua, khi xuất hiện thêm những ca dương tính tại Hà Nội, nhiều phụ huynh lên mạng “kêu gọi” cho con về quê, vì lo ngại việc cho con học online nhiều sẽ gây mỏi mắt.
Là một phụ huynh, anh Bùi Ngọc Phúc cho rằng: “Trong giai đoạn này, những trường có lợi thế trong dạy và học online cũng không nhiều. Vì thế, trước mắt, nhiều gia đình vẫn phải tìm mua các khóa học online trên mạng. Đa phần các con bậc tiểu học sẽ học vào buổi tối, khi có phụ huynh ở nhà, vậy nên việc ảnh hưởng đến thị lực là không tránh khỏi. Tuy nhiên, không nên vì thế mà phụ huynh cho con về quê, ít nhất là vào thời điểm hiện tại, vì sẽ rất khó trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 chung của cả nước”.
Đồng tình với quan điểm trên, một phụ huynh khác, chị Lê Ngọc Quỳnh cũng bày tỏ: “Ngay cả khi các con đang không phải học gì, tôi cũng cho rằng, phụ huynh không nên cho các con về quê, việc di chuyển nhiều vào lúc này sẽ khiến khó kiểm soát dịch bệnh, đồng thời rất có thể tiếp xúc với nguy cơ, hoặc mang nguy cơ lan rộng hơn.
Chưa kể, hiện nay, các con còn đang duy trì việc học trực tuyến, về quê lúc này sẽ khiến mạch kiến thức bị ngắt quãng, không đảm bảo cho các con”.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương cũng cho rằng: “Theo tôi, phụ huynh hoàn toàn không nên cho con di chuyển trong thời gian này. Bởi lẽ, dù di chuyển trên bất cứ phương tiện nào cũng sẽ va chạm với người khác; trên phương tiện cá nhân có thể giảm nguy cơ nhưng khi về đến quê, các con cũng sẽ tiếp xúc thêm với rất nhiều người khác.
Nếu các con không được dặn dò kỹ lưỡng về các vấn đề phòng dịch, hạn chế giao tiếp, nguy cơ lây nhiễm ở quê cũng rất cao. Còn khi ở lại Hà Nội, nhà nào ở nhà nấy, sẽ an toàn hơn!”.
“Chưa kể, ở quê cũng có nhiều nguy cơ khác, như sự nguy hiểm của địa hình địa phương, ao hồ sông nước, hoặc những mối nguy hiểm khác, không thể đảm bảo an toàn 100%. Trước đây, từng có chuyện, trẻ em ở thành phố về quê chơi, không cẩn thận đã nghịch lửa mà chui vào đống rơm rồi đốt cháy, cực kỳ nguy hiểm!
Vì vậy, nếu bố mẹ chưa chuẩn bị tốt các kỹ năng cho con, thì đừng vì tránh dịch mà đẩy con vào nguy hiểm khác, trừ trường hợp bất khả kháng.
Bên cạnh đó, trong khi các trường vẫn đang tổ chức dạy học trực tuyến, nếu phụ huynh lựa chọn cho con về quê, có thể việc học sẽ bị ngắt quãng, lượng kiến thức sẽ không đảm bảo. Như vậy là tự làm khó con mình!”, bà phân tích.