Có nên cho trẻ F0 dùng thuốc điều trị Covid-19?

Có nên cho trẻ F0 dùng thuốc điều trị Covid-19?

Nguyễn Thanh Hải

Nguyễn Thanh Hải

Thứ 6, 11/03/2022 15:37

Theo bác sĩ, đối với trẻ em, khi chẳng may bị nhiễm Covid-19, các bậc phụ huynh đừng quá lo lắng.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch trên Covid-19 địa bàn tỉnh Đồng Nai, số lượng bệnh nhân nhiễm tăng nhanh, đặc biệt là trẻ em, học sinh tại các trường học.

Việc trẻ em bị lây nhiễm khiến cho nhiều phụ huynh lo lắng quá mức, dẫn đến tình trạng tự ý điều trị theo các bài thuốc tràn lan trên mạng xã hội. Điều này là rất nguy hiểm vì có thể để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Để giúp các bậc cha mẹ hiểu hơn về căn bệnh này, cũng như cách chăm sóc, điều trị khi chẳng may gia đình có trẻ bị nhiễm, Người Đưa Tin có buổi trao đổi với bác sĩ Nguyễn Tất Trung, BS chuyên khoa Nội Tim Mạch, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Đồng Nai, Bí thư Đoàn thanh niên Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Đồng Nai, Phó phụ trách Phòng Kế hoạch của bệnh viện.

Sức khỏe - Có nên cho trẻ F0 dùng thuốc điều trị Covid-19?

Bác sĩ Nguyễn Tất Trung, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Đồng Nai, Bí thư Đoàn thanh niên BVĐK Đồng Nai.

Được biết bác sĩ đã tham gia điều trị bệnh bệnh nhân bị nhiễm ngay từ những ngày đầu phòng chống dịch. Trong suốt thời gian qua, ngoài trực tiếp điều trị bệnh nhân bị nhiễm, bác sĩ còn tham gia hỗ trợ tư vấn, điều trị từ xa cho những bệnh nhân không may nhiễm Covid-19. Chắc chắn bác sĩ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, điều trị cho căn bệnh này?

Qua một thời gian dài điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm Covid-19, đến giờ phút này không chỉ riêng tôi, mà tất cả các bác sĩ, điều dưỡng của ngành y tế đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc phân tầng, điều trị và chăm sóc cho những bệnh nhân F0.

Và mỗi ngày trôi qua thì kinh nghiệm cho các bác sĩ, cho ngành y tế sẽ nhiều hơn nên tỉ lệ bệnh nhân bị chuyển nặng, hoặc tử vong được giảm đi rất nhanh. Đó là thành tựu của cả ngành y tế.

Hiện nay tình hình lây nhiễm tại Đồng Nai tăng nhanh. Điều rất đáng quan tâm, đó là số ca lây nhiễm trong trường học tăng cao. Là một thầy thuốc có kinh nghiệm trong việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, bác sĩ có thể chia sẻ với các bậc phụ huynh về cách chăm sóc, điều trị đối với trẻ em, học sinh khi chẳng may bị nhiễm Covid-19?

Hiện nay, chủng Omicron đang là chủng lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh. Lý do là chủng Omicron có gây ra một số triệu chứng ban đầu như: Sốt, rát hoặc đau họng nhưng test nhanh thì chưa phát hiện ra, mà phải 1 đến 2 ngày sau thì mới có kết quả, điều đó dẫn đến sự lây nhiễm cho người khác.

Một điều nữa là phát hiện trẻ em bị nhiễm, nhưng các bậc cha mẹ không yên tâm khi cho con mình ăn riêng, ngủ riêng mà vẫn ở bên để chăm sóc và chấp nhận lây nhiễm cùng con, nên dẫn đến lây nhiễm cho cả nhà.

Đối với trẻ dưới 18 tuổi, phần lớn khi bị nhiễm đối với chủng Omicron thường có triệu chứng nhẹ như; sốt, đau họng và tỉ lệ chuyển nặng là rất thấp. Nên khi trẻ bị sốt trên 38.5°C thì cho uống hạ sốt như Paracetamol theo định 10 đến 15mg/kg cân nặng, và cách khoảng 6 giờ thì uống 1 lần.

Trẻ bị sốt thì sẽ mất nước nên tăng cường cho trẻ uống nhiều nước và Oresol để bổ sung điện giải cho trẻ. Đối với trẻ có triệu chứng ho nhiều thì nên cho uống thêm các loại thảo dược như Siro ho.

Đặc biệt là cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng và giàu vitamin. Vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ mỗi ngày. Súc miệng, rửa mũi bằng nước muối để làm sạch đường hô hấp trên. Mỗi gia đình cũng cần phải có một nhiệt kế kèm theo máy đo nồng độ ooxxy (SPO2) để theo dõi.

Đối với trường hợp trẻ sốt trên 39°C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt kèm theo ăn, uống kém, hay quấy khóc, ngủ li bì, nôn mửa, tiêu chảy thì liên hệ nhân viên y tế để được hướng dẫn.

Còn đối với trường hợp trẻ thở nhanh, môi tím tái, ngủ li bì khó đánh thức, co giật, hôn mê và nồng độ ôxy trong máu thấp hơn 94% thì phải đưa trẻ vào bệnh viện cấp cứu ngay lập tức. Thời gian từ khi trẻ bị nhiễm đến khi khỏi bệnh khoảng một tuần.

Hiện có rất nhiều toa thuốc, đơn thuốc cũng như hướng dẫn cách điều trị cho bệnh nhân cô vít tràn lan trên mạng xã hội, và cũng nhiều phụ huynh vì quá lo lắng nên chữa trị cho con theo kiểu “ ai chỉ đâu, làm đó”. Điều này là hết sức nguy hiểm cho bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em. Bác sĩ có khuyến cáo gì dành cho các bậc cha mẹ ở tình huống này?

Thứ nhất, trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ, nên không thể dùng những toa thuốc, loại thuốc dành cho người lớn rồi chia nhỏ hoặc giảm liều lượng lại là được, mà phải có đường dùng, liều dùng đối với từng loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Việc sử dụng thuốc tràn lan có thể gây ra những di chứng như: còi xương, suy giảm hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến việc phát triển thể chất, trí não cho trẻ. Lưu ý: các loại thuốc kháng virus Covid-19 hiện nay chưa có chỉ định dùng cho trẻ dưới 18 tuổi, đây là điều hết sức quan trọng và các bậc cha mẹ nên nhớ.

Việc sử dụng kháng sinh một cách tràn lan, không có sự chỉ định của bác sĩ dẫn đến nhưng nguy cơ xuất huyết nội như: xuất huyết dạ dày, xuất huyết não. Nhiễm Covid-19 là nhiễm virus khác với các bệnh bị nhiễm vi khuẩn, nhưng rất nhiều phụ huynh không hiểu điều này dẫn đến sai lầm khi cho trẻ dùng kháng sinh, khiến cho tác hại lờn kháng sinh ở trẻ.

Đối với trẻ em, khi chẳng may bị nhiễm Covid-19, đặc biệt là chủng Omicron hiện nay cũng không có gì là nặng lắm, nên các bậc phụ huynh đừng quá lo lắng.

Sức khỏe - Có nên cho trẻ F0 dùng thuốc điều trị Covid-19? (Hình 2).

Các bác sĩ trẻ là Đoàn viên thanh niên trong một lần đi khám bệnh từ thiện.

Hiện nay, Đoàn Thanh niên của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có thành lập một nhóm gần 50 bác sĩ, điều dưỡng là đoàn viên sẵn sàng hỗ trợ tư vấn, điều trị từ xa cho các bệnh nhân bị Covid-19. Nên các bậc cha mẹ nếu có con bị nhiễm thì cứ liên hệ qua số điện thoại: 0379078825 để được hỗ trợ!

Xin cảm ơn bác sĩ!

Thanh Hải

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.