Đảm bảo an toàn tuyệt đối của đại đa số người dân phải đặt cao hơn cá nhân
Tiếp tục chương trình kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV, tại phiên thảo luận tổ về dự án luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) mới đây, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng bộ Công an cho biết tình hình hoạt động tội phạm ma tuý ngày càng phát triển, diễn biến phức tạp, xâm nhập vào giới trẻ khiến người dân lo lắng; công tác đấu tranh, phòng chống gặp nhiều khó khăn, trong khi luật Phòng, chống ma tuý sau một thời gian thực hiện đã bộc lộ một số bất cập.
Đặt vấn đề “đối xử như thế nào với tội phạm về ma tuý”, theo Bộ trưởng Tô Lâm, một số nước có nền kinh kế phát triển trên thế giới có xu hướng “hợp pháp hoá” về ma tuý, tác động tới nhiều quốc gia khác. Đối với Việt Nam, chúng ta cũng đã chấp nhận một phần, ví dụ như coi người sử dụng ma tuý là người bệnh, từng coi người sử dụng ma tuý là không vi phạm pháp luật… Quan điểm này làm tăng số lượng người nghiện ma tuý, khi nguồn “cầu” lớn mà chúng ta không khống chế được sẽ dẫn đến Việt Nam trở thành địa bàn sử dụng ma tuý, trong khi nguồn cung ma tuý trên thế giới là vô tận, các đối tượng buôn bán luôn tìm mọi cách tuồn hàng vào Việt Nam bán, nhắm đến giới trẻ.
Theo các luật cũ hoặc Bộ luật Hình sự hiện hành, xử lý về tội phạm ma tuý rất khó khăn khi đòi hỏi tang vật ma tuý phải là tinh chất. Tội phạm nước ngoài lợi dụng việc Việt Nam quy định một số tiền chất chưa phải ma tuý đã mang cả chục tấn tiền chất vào công khai sản xuất, khi bắt được cũng không thể xử lý được.
Bên cạnh đó, dự thảo luật có những biện pháp cai nghiện, điều trị hợp lý, tính đến quyền con người. Việc đảm bảo an toàn tuyệt đối của đại đa số người dân quan trọng và phải đặt cao hơn cá nhân. Trong việc xử lý tội phạm, người sử dụng trái phép ma tuý, dự luật cũng rất tôn trọng, xem xét thấu đáo về quyền con người.
Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm cho biết: Ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” trong đó xác định “sớm sửa đổi, bổ sung luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy…”.
"Quan điểm là không để bị ảnh hưởng xu hướng hợp pháp hoá ma tuý. Chúng ta không chấp nhận có ma tuý, các hành vi liên quan đến ma tuý đều phải xử lý”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết lần này sửa luật Phòng, chống ma tuý đã bổ sung nhiều quy định nhằm tăng chế tài xử phạt hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý, theo đúng tinh thần của Chỉ thị 36 Bộ Chính trị.
Cần có chế tài ngăn chặn các mối nguy hiểm cho xã hội
Trao đổi với PV, ĐBQH Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, hiện tình hình tội phạm ma tuý rất phức tạp, công tác phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Thực tế đó đòi hỏi phải tạo hành lang pháp lý, cơ chế phối hợp trong quá trình điều tra, đấu tranh phòng chống ma tuý, bên cạnh công tác cai nghiện, điều trị người nghiện ma tuý.
Nhiều ĐBQH cho rằng, quy định hiện hành về xử phạt hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý từ 500 nghìn - 1 triệu đồng là không đủ răn đe, nhất thiết cần có chế tài ngăn chặn các mối nguy hiểm cho xã hội.
Trao đổi với PV, LS. Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định: Gần đây, nhiều vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến người sử dụng ma túy gây lo lắng, hoang mang trong cộng đồng.
Để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng này, cơ quan chức năng cần thiết phải xử lý, ngăn chặn tội phạm nảy sinh từ cơ sở, đồng thời tăng cường tuyên truyền về tội phạm ma túy.
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc hình sự hóa trở lại đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, tức là cân nhắc khôi phục lại Điều 199 trong Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội Sử dụng trái phép chất ma túy hoặc có chế tài phù hợp.
Quan điểm luật sư Vinh cho rằng, theo quy định của luật hiện hành, người nghiện ma túy không bị coi là tội phạm. Những người nghiện ma túy hay không nghiên ma túy có hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật thì đều bị xử lý về tội Giết người, theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ở một góc độ nào đó, nếu khôi phục lại Điều 199 trong Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội Sử dụng trái phép chất ma túy sẽ hạn chế được số người nghiện hút, phần vì sợ chế tài nặng, phần bị đưa đi cải tạo, cai nghiện tập trung, xã hội sẽ trong sạch hơn, không còn những con nghiện dật dờ ở ngoài xã hội, tình hình an ninh trật tự cũng sẽ được đảm bảo hơn.
Vấn đề luật sư Vinh muốn đề cập ở đây chính là nếu quy định tất cả những người nghiện ma túy là tội phạm thì Nhà nước có đảm bảo được cơ sở vật chất để cho các đối tượng cải tạo, cai nghiện tập trung hay không?
Chi phí cho việc bắt buộc chữa bệnh, cai nghiện sẽ do gia đình người nghiện ma túy chi trả hay Nhà nước trả? Nhà nước có đủ sức chi trả hay không? Đó cũng là vấn đề luật sư hết sức băn khoăn. Như vậy, cần phải căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội để quyết định việc đưa các đối tượng nghiện hút đi cai nghiện tập trung hay không? Những trường hợp nào thì được đưa đi cai nghiện tập trung.
“Chỉ khi mà nền kinh tế đảm bảo được vấn đề này thì sau đó mới quyết định được có nên coi người nghiện ma túy là tội phạm. Và khi nền kinh tế của chúng ta đảm bảo được việc cho cai nghiện tập trung thì không cần coi người nghiện ma túy là tội phạm nhưng vẫn đưa đi cai nghiện được, đây cũng được coi là chế tài đối với họ”, luật sư Vinh nói.
Sát hại cả mẹ, dì và bà ngoại vì tưởng là robot
TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa mở phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trương Tín về tội giết người. Tuy nhiên, sau đó HĐXX đã đình chỉ xét xử phúc thẩm vì bị cáo rút đơn kháng cáo. Trước đó, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Tín tử hình về tội danh trên.
Theo hồ sơ, tối 2/5/2019, Tín sử dụng ma túy rồi đi làm. Đến hơn 22h cùng ngày, Tín về nhà, gây ồn ào thì bị bà Nguyễn Thị Ngọc Th. (mẹ bị cáo) la mắng. Tín cãi nhau với mẹ thì bà Nguyễn Thị Ngọc Ph. (dì ruột) mắng. Tín đập phá đồ đạc trong nhà rồi lấy ma túy ra dùng. Thấy vậy, cha Tín đến Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân trình báo.
Tín chạy xuống bếp lấy 2 con dao đi lên lầu một, định mở cửa phòng dì thì bị mẹ ôm lại. Tín vùng ra, dùng dao tấn công liên tiếp vào người bà Nguyễn Thị Ngọc K. (cũng là dì ruột Tín) khiến nạn nhân chết tại chỗ. Sau đó, Tín tiếp tục tấn công mẹ và bà ngoại khiến cả hai tử vong.
Tại tòa, Tín khai do bị ảo giác, tưởng người thân là robot muốn hại mình nên đã xuống tay...
Hương Lan- Nguyễn Thúy