Hiện nay, chính quyền Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến của người dân về loa phường trên cổng giao tiếp điện tử thành phố, cổng thông tin điện tử và trang Facebook của Sở Thông tin và Truyền thông.
Mõ phường thời @
Chúng ta không thể phủ nhận một điều, thời chiến tranh, hệ thống loa phường, xã đã giúp ích rất nhiều cho người dân nắm bắt thông tin từ chính quyền thành phố Hà Nội. Chuyển sang thời kỳ bao cấp, loa phường càng phát huy vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, chuyển tải thông tin chính trị, xã hội đến với từng gia đình, người dân thủ đô.
Đến nay, công nghệ thông tin phát triển với tốc độ như vũ bão, người dân có vô vàn cách tiếp cận với tin tức, thời sự trong và ngoài nước, thì những chiếc loa phường trở nên lạc lõng trong dòng đời sôi động. Thậm chí, mỗi sáng, nhiều người dân Hà Nội còn tỏ ra bực bội vì âm thanh oang oang phát ra từ những chiếc loa phường.
Anh Trần Bình Tú nêu ý kiến: “Nhiều khi vợ chồng tôi làm muộn, khuya mới đi ngủ. Mới bảnh mắt ra (khoảng 6 giờ sáng), mấy bác ủy ban phường đã nói to trên loa phường, không sao ngủ được. Nhà nào cũng có ti vi, loa đài, điện thoại smartphone, internet, báo chí bán khắp nơi…, đâu cần đến loa phường nữa. Theo tôi, nên bỏ ngay hệ thống loa phường”.
Đồng quan điểm với anh Tú, bác Hà Anh bình luận: “Tôi về hưu, đọc báo chí, nghe nhạc trên điện thoại di động. Thông tin nội bộ cơ sở bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố phổ biến tận nhà. Theo tôi, những thông tin đưa trên loa phường hiện nay là thừa, không cần thiết”.
Theo khảo sát của PV báo ĐS & PL, đa phần người dân thủ đô không còn mặt mà với loa phường, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhiều người tham gia giao thông mất tập trung, cũng chỉ vì loa phường bật rất to vào mỗi buổi sáng, cuối giờ chiều. Nhiều loa phường đặt ở vị trí gần nhau, bên này nói một đằng, bên kia hát hò một kiểu, chẳng khác gì “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Tác dụng chuyển tải thông tin chẳng thấy đâu, chỉ thấy người dân thêm phiền toái.
Anh T.H (lãnh đạo một phường tại quận Đống Đa phàn nàn: “Do lịch sử để lại nên các phường phải làm theo thôi. Thực tình, tác dụng của loa phường hiện nay không mấy hiệu quả. Có gia đình còn sử dụng loa phường làm chuyện riêng tư (thông báo việc hiếu, mừng thọ, tìm người thân, tìm giấy tờ thất lạc…)”.
Ý kiến người dân quyết định số mệnh loa phường
Theo dự kiến, đến ngày 17/3/2017 sẽ kết thúc lấy ý kiến của người dân thủ đô về việc có cần thiết duy trì hệ thống loa phường hay không? Theo đó, có 4 câu hỏi được nêu ra:
Thứ nhất: Hình thức cập nhật thông tin (loa phường, đọc báo in, xem ti vi, nghe đài, đọc bảng tin, qua mạng internet…).
Thứ hai: Thông tin trên loa phường có hữu ích hay không. Ý kiến cá nhân về loa phường (có cần thiết hay không?);
Thứ ba: Người dân thường nghe loa phường vào thời điểm nào (sáng, trưa hay chiều).
Thứ tư: Loa phường có cần thiết hay không, có cần đổi mới hay không, thời gian nghe loa phường trong ngày? Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp địa chỉ email pbcxb_ sotttt@hanoi.gov.vn để người dân có thể gửi ý kiến khác về loa phường.
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đang rà soát hệ thống loa phường trên địa bàn toàn thành phố. Dự trên cơ sở đó lấy ý kiến của người dân, chính quyền thành phố Hà Nội sẽ ra quyết sách vẫn duy trì hay khai tử hệ thống loa phường.
Kết quả lấy ý kiến ban đầu đến 16 giờ ngày 25/1/2017 cho thấy, số người cập nhật thông tin qua loa phường là 17% (trong đó, thời gian người dân nghe loa phường vào buổi sáng và chiều chiếm 42%, 17% nghe buổi trưa); qua internet là 33%; đọc bản thông tin cơ sở 25%. Điều đáng nói, có đến 70% người dân được hỏi trả lời loa phường có hữu ích, gần 30% nói không có hữu ích. Thậm chí, 15% người phản đối sự tồn tại của loa phường. Trong khi đó, có đến 54% người tham gia cho rằng nên duy trì hệ thống loa phường, nhưng cần đổi mới cách đưa chuyển tải thông tin và giờ phát loa.
Báo chí đưa tin, tại Hội nghị Sở Thông tin và Truyền thông diễn ra vào ngày 9/1/2017, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu ý kiến, loa phường có tác dụng lớn ở thời kỳ bao cấp. Nhưng với thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, cần xem xét lao phường còn phù hợp hay không? “Nếu loa phường không còn hiệu quả, thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi. Loa đã hoàn thành xứ mệnh của nó”. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói và giao Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá hiệu quả ngay trong quý I năm 2017.
Lịch sử loa phường
Sau ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954), hệ thống loa truyền thanh công cộng bắt đầu xuất hiện ở các quận nội đô thành phố Hà Nội. Những chiếc loa nén, to như chiếc nón úp dây điện lằng nhằng, được lắp trên các cột điện, ngọn cây, gần chỗ đông người qua lại. Vào thời đó, phương tiện truyền thông còn hạn chế, những chiếc loa công cộng thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người dân thủ đô. Mỗi khi loa phát, người dân Hà Nội tập trung cao độ để nghe tin tức dân sinh, tình hình hình chính trị, kinh tế, xã hội… Tin tức trên hệ thống loa công cộng càng trở nên hữu dụng khi tiếp sóng từ Đài truyền thanh Hà Nội. Nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật, sân khấu, bài hát, thơ văn hay được thính giả theo dõi nhiệt thành.
Sau ngày hòa bình lập lại (năm 1975), TP Hà Nội đã có hệ thống loa truyền thanh công cộng, lắp đặt trên các ngọn cây, cột điện xung quan hồ Hoàn Kiếm. Những chiếc loa to như chiếc nón úp có công suất lớn và chất lượng âm thanh tốt, truyền vang xa. Mỗi khi loa phát, người dân thủ đô thường tụ tập phía dưới để nghe tin tức chính trị, kinh tế xã hội của đất nước.
Thông thường là tiếp sóng từ Đài tiếng nói Việt Nam và Đại Truyền thanh Hà Nội. Thời ấy, công nghệ lạc hậu, người dân có thói quen nghe loa công công. Đây là tiền thân của những chiếc loa phường (loa nén) hiện nay. Trong thời buổi công nghệ số hiện nay, thông tin dường như thừa thãi, người ta dùng loa phường phát chen vào chương trình ca nhạc, đọc thơ văn…
Do chất lượng loa không được tốt, âm thanh nghe méo mó, phát gần khu dân cư, gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thủ đô. Nhiều người phải bán nhà vì bị loa phường “dòm” vào cửa sổ, nghe nhiều đến loạn cả thần kinh.
Việc chính quyền TP Hà Nội đang lấy ý kiến của người dân về việc có nên dẹp bỏ loa phường hay không đang gây sự chú ý của dư luận thủ đô. Nhiều người cho rằng, loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, không còn phù hợp với thực tế cuộc sống của người dân thủ đô.
Nhà nào cũng có thể nghe tin tức thời sự trên ti vi, đài, đọc báo giấy, báo điện tử, nghe nhạc qua điện thoại, hệ thống dàn âm thanh hiện đại… không cần thiết phải căng tai nghe loa phường. Tuy nhiên, theo Nghị đinh 52/CP của Chính phủ, vai trò của loa phát thanh vẫn được đánh giá cao trong tuyến thông tin cơ sở, đặc biệt là ở cùng sâu, vùng xa.
Nhóm PVCN