Sáng ngày 25/8, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại (sau đây gọi tắt là Dự thảo hồ sơ).
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, GS. Chu Hồng Thanh (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng không thể phủ nhận vai trò, giá trị, tính ứng dụng cao và tính khả thi cao của Luật TTTM năm 2010, và kể cả từ khi nó là Pháp lệnh TTTM. Nhờ có hệ thống quy phạm về trọng tài thương mại mà doanh nghiệp có chỗ dựa và gửi gắm niềm tin yêu này càng lớn hơn và hệ thống TTTM.
Số vụ việc các doanh nghiệp, doanh nhân đưa đến Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) ngày càng nhiều, có lúc tăng vọt, đặc biệt những năm gần đây không ít doanh nghiệp chỉ tranh chấp mấy chục triệu đồng cũng đưa ra trọng tài.
Điều đó chứng tỏ TTTT là bạn đồng hành thân thiết và tin cậy của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, tranh chấp không tránh khỏi trên con đường phát triển.
Mặc dù đã 13 năm qua kể từ Luật TTTM 2010 đến nay, nhưng cần nhìn nhận rằng Luật TTTM là một bộ luật tốt, rất tốt, nó giải quyết được các quan hệ cơ bản nhất của tranh chấp TM và đã đi vào cuộc sống tương đối ổn định.
Do đó, GS. Chu Hồng Thanh đồng tình với tên của dự án trình Quốc hội lần này là Luật sửa đổi, bổ sug một số điều của Luật TTTM.
“Chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều nên cần rất cân nhắc, lựa chọn những vấn đề thực sự bức xúc, thực sự cần thiết để sửa đổi, bổ sung, không nên tiếp cận theo hướng vũ đoán, suy diễn, dỡ lại những vấn đề cơ bản của Luật đã được thực tế kiểm nghiệm, đưa vào quá nhiều vấn đề không cần thiết, thậm chí không đúng, dẫn tới xuống cấp, giảm giá trị, thậm chí phá vỡ hoặc thay đổi Luật này thành Luật khác”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Liên quan đến việc Dự thảo hồ sơ đề xuất bỏ cụm từ “Thương mại” trong tất cả các Điều trong Luật Trọng tài thương mại hiện hành, GS. Chu Hồng Thanh cho rằng toàn bộ Dự thảo Luật cần giữ nguyên cụm từ “Thương mại” vì đây là bản chất của Luật này.
“Nếu xóa bỏ cụm từ này thì Luật này sẽ chuyển sang một luật khác, khác hẳn. Xác định phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật hiện hành là rất rõ ràng, nếu chuyển từ giải quyết các tranh chấp thương mại sang giải quyết tranh chấp một cách chung chung đều rất không ổn.
Không thể mở rộng phạm vi giải quyết tranh chấp của các Trung tâm trọng tài thương mại hiện nay ra tất cả các lĩnh vực có tranh chấp được. Tranh chấp là một khái niệm rất rộng, kể cả khiếu nại, tố cáo về bản chất cũng là tranh chấp”, GS. Chu Hồng Thanh nêu quan điểm.
Theo đó, chuyên gia này cho rằng có thể mở rộng phạm vi hoạt động trọng tài thương mại, có thể đối tượng tranh chấp là giữa cá nhân và pháp nhân, nhưng phải là tranh chấp thương mại, không phải là tranh chấp dân sự nói chung, càng không phải là tranh chấp hành chính.
Bên cạnh đó, GS. Chu Hồng Thanh cho rằng không nên bổ sung “Trọng tài khẩn cấp” vào dự thảo Luật hiện hành.
Lý giải vấn đề này, chuyên gia này cho rằng trình tự thủ tục để xuất Hội đồng Trọng tài (HĐTT) hiện hành rất đơn giản, trong khi đó dù là “Trọng tài khẩn cấp” vẫn phải thực hiện cam kết về độc lập, khách quan, vô tư, không thiên vị. Vì vậy hoàn toàn có thể thúc đẩy sớm và ngay hoạt động của Trọng tài kể cả trong trường hợp có tình huống khẩn cấp.
Bên cạnh đó, về thẩm quyền, Trọng tài viên khẩn cấp không thể có thẩm quyền cao hơn HĐTT hoạc Trọng tài viên duy nhất. Do Trọng tài viên khẩn cấp cũng chỉ là tạm thời, chỉ có Trọng tài chính thức mới có thẩm quyền ra phán quyết cuối cùng.
“Trọng tài viên khẩn cấp có sác xuất không nhỏ ra quyết định sai. Nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì hậu quả không nhỏ. Vấn đề bồi thường, đền bù thiệt hại, xử lý trách nhiệm…thì xác định trách nhiệm thế nào?”, GS. Chu Hồng Thanh đặt câu hỏi.
Về trách nhiệm của Trọng tài viên, chuyên gia này cho rằng cần tiếp tục duy trì việc khẳng định miễn trách nhiệm dân sự cho Trọng tài viên, nhưng cần phải có những quy định để bảo đảm tính vô tư, khách quan không thiên vị của Trọng tài viên.
Trong đó, về tư cách và phẩm chất thì Trọng tài viên phải có trách nhiệm rất cao, không những phải tự chịu trách nhiệm và phải có sự ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ hơn. Chẳng hạn khi phát hiện Trọng tài viên có quan hệ với 1 bên thì quy định hiện hành chỉ đơn giản là thôi không làm Trọng tài viên nữa.
Đặc biệt, GS. Chu Hồng Thanh nhấn mạnh mặc dù Luật TTTM của Việt Nam theo Luật mẫu UNCITRAL nhưng không có nghĩa là theo bản dịch của UNCITRAL.
Do đó, các nội dung UNCITRAL thì cần phải Việt hóa để dễ hiểu, dễ thực hiện, không làm phức tạp hóa vấn đề mà ngược lại, phải đơn giản hóa vấn đề. Tuy nhiên hiện nay trong dự thảo hồ sơ vẫn còn nhiều điều được thể hiện bằng ngôn ngữ dịch, gây khó hiểu và làm phức tạp vấn đề hơn.
Mạnh Quốc - Hữu Thắng