Thời kỳ mang thai, tóc của nhiều phụ nữ chuyển sang bạc. Họ không muốn trông mình trở nên già nua, xấu xí, thua kém chồng nên đã chọn giải pháp là nhuộm tóc.
Tuy nhiên, nếu mẹ bầu nhuộm tóc, hãy đợi đến giai đoạn sau 4 tháng, khi em bé đã phát triển và ít bị tổn thương hơn. Trước hết, có rất ít hoặc không có loại thuốc nhuộm tóc có thể thực sự bị hấp thu qua da đầu để vào máu, do đó không tới được bào thai.
Thứ hai là, thực nghiệm thuốc nhuộm tóc đối với động vật thí nghiệm đã cho thấy không có dấu hiệu bị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Và cuối cùng là chưa có báo cáo nào về bà bầu và bào thai bị ảnh hưởng bởi nhuộm tóc.
Mặc dù vậy, nếu muốn nhuộm tóc khi mang thai, bạn cần ghi nhớ rằng mặc dù da đầu hấp thu một lượng không đáng kể thuốc nhuộm tóc, nhưng an toàn là trên hết và nên tránh mọi nguy cơ không đáng có. Trước khi triển khai bất cứ việc gì liên quan đến nhuộm tóc, hãy xin ý kiến bác sỹ sản khoa.
Trong 3 tháng đầu tiên, đây là thời gian đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của bào thai. Đó là thời gian diễn ra quá trình phát triển các cơ quan bộ phận chính của bào thai và là thời gian bắt đầu định hình các cơ, móng chân tay, các nang tóc và lông. Vì vậy, mặc dù cảm thấy nóng lòng muốn trang điểm mái tóc của mình ngay những tuần đầu khi có bầu nhưng hãy kiên nhẫn chờ đến sau tháng thứ 4.
Mẹ bầu nên chọn dịch vụ nhuộm thân tóc, không nhuộm chân tóc, như các kiểu sáng lọn mỏng dài highlight, lọn sáng pha đậm lowlight, kiểu loang màu ombre và tương tự, nên tránh nhuộm một màu đơn từ chân đến ngọn tóc bởi hoạt động này làm thuốc nhuộm tóc tiếp xúc với da đầu.
Ngoài ra, để tránh hoàn toàn mọi hóa chất ảnh hưởng tới mẹ và bé, có thể dùng các chất tạo màu tự nhiên hợp với tóc giúp bạn có mái tóc lộng lẫy.
Bà bầu muốn nhuộm tóc hãy thử phản ứng với thuốc trước khi sử dụng bằng cách thoa lên vùng da ở mặt trong cánh tay gần cùi chỏ, theo dõi trong 48 tiếng. Nếu thuốc nhuộm tóc gây phản ứng bất thường (ngứa, nổi mẩn…) thì tuyệt đối không dùng.
Trang Dung (Tổng hợp)