Cấp bách nhất là bài toán thiếu hụt nhân lực
Chia sẻ tại tọa đàm “Giải pháp gỡ khó cho ngành đăng kiểm” diễn ra vào chiều ngày 15/3, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải cho biết giải pháp trước mắt nhằm gỡ khó cho ngành là việc khẩn trương bù đắp nhân lực thiếu hụt cho các đơn vị đăng kiểm.
Theo đó, hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã thông báo tuyển dụng đối với các vị trí đăng kiểm viên còn thiếu. Dự kiến trong tháng 4 sẽ hoàn thành tuyển dụng để bắt đầu tập huấn cho các đăng kiểm viên. Bên cạnh đó, Cục đang chỉ đạo, rà soát lại các đăng kiểm viên đang trong quá trình thực tập hoàn thiện hồ sơ để sớm bổ sung cho hiện tại.
Đặc biệt, lực lượng CAND và QĐND sẽ tham gia hỗ trợ đăng kiểm viên trong thời gian trước mắt.
Giải pháp về lâu dài, ông Hải cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét miễn đăng kiểm lần đầu với xe sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới và sử dụng các cơ sở bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhập khẩu mà đáp ứng yêu cầu… được tham gia vào công tác kiểm định.
“Đó là những giải pháp hoàn toàn hợp lý, phù hợp và cần triển khai thực hiện. Với 2 giải pháp cấp bách là tăng cường nhân lực cùng với sự hỗ trợ của hai lực lượng công an, quân đội, chúng tôi đang làm và sẽ tiếp tục đẩy mạnh.
Về 2 giải pháp lâu dài, Bộ GTVT đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đệ trình sửa đổi bổ sung Thông tư 16, trong đó đề xuất miễn kiểm lần đầu với xe sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu”, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết.
Với giải pháp sử dụng các cơ sở bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhập khẩu mà đáp ứng yêu cầu… được tham gia vào công tác kiểm định, hiện nay, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng đề nghị cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định 139 theo quy trình rút gọn, xây dựng và thông qua nghị định trong thời gian rất ngắn, trong đó đưa ra quy định xem xét đánh giá các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của các nhà sản xuất chính hãng được tham gia vào công tác đăng kiểm.
Chia sẻ tại tọa đàm, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, thực tế, Bộ Công an đã đề xuất với Chính phủ 4 giải pháp, trong đó có 2 giải pháp trước mắt và 2 giải pháp lâu dài.
Trước mắt là kiến nghị với Chính phủ bỏ yêu cầu kiểm định, đăng kiểm lần đầu đối với các loại xe nhập khẩu và các loại xe lắp ráp trong nước. Việc này sẽ giải tỏa, giảm được một số lượng xe rất lớn cần đăng kiểm.
Theo thống kê của Cục CSGT, tính từ 1/1 đến 8/3 năm nay, có 62.809 xe ô tô đăng ký mới. Nếu bỏ quy định đăng kiểm với xe đăng ký lần đầu sẽ giúp giảm áp lực rất lớn cho công tác đăng kiểm.
Ngoài ra, hiện nay trên cả nước có hơn 700 cơ sở bảo dưỡng, trong đó có rất nhiều cơ sở bảo dưỡng chính hãng, đủ điều kiện, đủ dây chuyền tương đồng với các trung tâm đăng kiểm. Chính vì vậy, các cơ sở bảo dưỡng này có thể tham gia đăng kiểm nếu đủ điều kiện theo Quy định tại Nghị định 139 về công tác đăng kiểm.
Tiếp đó, với sự thiếu hụt về nhân lực của ngành GTVT như hiện nay, giải pháp là phải chủ động đào tạo để bù đắp lại số nhân sự đó để phục vụ nhu cầu đăng kiểm của người dân, của doanh nghiệp.
Vấn đề khác nữa là sự phối hợp giữa lực lượng đăng kiểm của lực lượng CSGT và của Quân đội nhân dân Việt Nam, hỗ trợ cho việc đăng kiểm phương tiện. Đây chính là giải pháp hỗ trợ người dân, CSGT hay lực lượng quân đội cũng đều lấy người dân làm trung tâm để phục vụ, lấy người dân làm động lực, nguồn lực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Không phải cứ nguyên "zin" là an toàn hơn
Tham gia góp ý kiến, ông Phạm Thành Lê - Quản trị viên diễn đàn Otofun, Phó Tổng Giám đốc OTV Media bên cạnh tình trạng ùn tắc kéo dài diễn ra tại nhiều trung tâm đăng kiểm, quy trình đăng kiểm cũng trở nên khó khăn hơn nhất là đối với các xe được nâng cấp các chi tiết xe.
“Việc thúc đẩy ngành đồ chơi xe cũng là điều đáng chú ý. Hiện nay đăng kiểm viên không làm sai nhưng họ làm theo quy định. Các xe không kiểm tra về độ an toàn mà kiểm tra về độ "zin". Chúng tôi mong rằng nếu có một vùng xanh về việc "độ xe" không gây ảnh hưởng tới phương tiện khác thì sẽ cho qua bình thường”, ông Lê bộc bạch.
Đại diễn của diễn đàn về xe ô tô này cũng cho rằng việc có quy định thuận lợi đối với việc nâng cấp các chi tiết xe sẽ giúp cho người sử dụng yêu xe hơn, tăng sự an toàn trong sử dụng đồng thời kích thích ngành kinh doanh dịch vụ rất lớn.
Theo đó, ông Phạm Thành Lê đề xuất có thể mở ra quy định về “vùng xanh” đối với nâng cấp xe, trong đó quy định những bộ phận được thay đổi và việc thay đổi không làm ảnh hưởng đến kết cấu an toàn của phương tiện để tạo thuận lợi cho các chủ phương tiện nâng cấp xe.
Cùng về nội dung này, ông Đỗ Văn Bằng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng không nên hiểu việc thay bất kỳ một bộ phận nào của phương tiện đều là “độ xe” mà đơn thuần là việc nâng cấp cho phù hợp với điều kiện thực tế và việc nâng cấp là một nhu cầu tất yếu.
"Tôi xin được nói thêm về việc độ xe hay nâng đèn. Các chủ xe thường nghĩ đến chuyện nâng cấp phương tiện của mình. Qua thời gian, nhiều xe chất lượng vẫn ổn nhưng hình dáng không còn phù hợp nữa thì đăng kiểm cũng nên thay đổi, vì bản chất ở đây là nhiều người muốn nâng cấp mà không làm thay đổi kết cấu của xe.
Trước đây chưa có đường cao tốc, xe đi tốc độ 50km/h thôi, mật độ giao thông không lớn, xe đi bằng đèn halogen là ổn rồi. Nhưng nay đường cao tốc cho phép lưu thông 80-100km/h rồi mà bắt sử dụng đèn halogen thì liệu có đảm bảo an toàn không? Đó mới là vấn đề.
Nâng cấp nhưng khi ra đăng kiểm đèn vẫn đạt độ sáng, không ảnh hưởng đến các yếu tố khác, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác thì khi ra đăng kiểm cần được công nhận. Với chiếc xe đi hàng chục năm, thay vì đào thải và đầu tư tiền tỷ mua xe khác, tôi có thể nâng cấp để sử dụng thêm vài ba năm nữa”, ông Bằng nêu ý kiến đồng thời cũng cho rằng cần có những quy định, quy chuẩn cụ thể đối với vấn đề này.
Phó Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam cũng cho rằng cần xem xét nghiên cứu việc kéo dài thời gian đăng kiểm của phương tiện, trong đó có sự phân biệt rạch ròi giữa xe cá nhân và xe vận tải.
“Hiện nay chất lượng xe nhập ngoại cũng như sản xuất trong nước đều tốt. Mà bản chất chủ phương tiện và chủ doanh nghiệp đều chăm sóc cho xe để đảm bảo tiêu chuẩn về thẩm mỹ và an toàn thì mới có khách đi. Vì thế, thời gian đăng kiểm 6 tháng đối với xe khách mới là quá ngắn.
Thay vì đó, tôi đề xuất 18 tháng kiểm định lần đầu, chu kỳ sau đó là 12 tháng/lần trong 5-7 kỳ liên tiếp, rồi mới đến 6 tháng/lần. Mình cần phân cấp thời gian cho các chu kỳ đăng kiểm. Với một xe du lịch mà 6 tháng kiểm định một lần thực sự là một sự lãng phí", ông Bằng nêu ý kiến.