Có nên tuyển sinh viên từ năm thứ 3 học chương trình thạc sĩ?

Có nên tuyển sinh viên từ năm thứ 3 học chương trình thạc sĩ?

Nguyễn Thị Lành

Nguyễn Thị Lành

Thứ 2, 18/03/2024 10:09

Mới đây, nhiều trường đại học tại Tp.HCM thông báo, sinh viên chính quy năm thứ 3 trở lên, có thể đăng ký trước học phần chương trình thạc sĩ.

Hàng loạt trường thông báo tuyển sinh

Trường đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh thông báo tuyển sinh chương trình đào tạo thạc sĩ với 17 ngành, chuyên ngành các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, ngôn ngữ Anh, kế toán, quản trị kinh doanh.

Năm nay, trường thêm phương thức tuyển sinh dành cho sinh viên đang theo học tại trường, với sinh viên đã hoàn thành 75% chương trình học đại học có thể đăng ký học thạc sĩ (phù hợp với sinh viên năm thứ ba trở lên). 

Còn tại Trường đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cũng ra thông báo về việc đăng ký học trước một số học phần của chương trình đào tạo thạc sĩ dành cho sinh viên tại trường đang học đại học.  

Việc này được áp dụng cho tất cả sinh viên hệ đại học đã tích lũy tối thiểu 70 tín chỉ, đang học các chương trình đào tạo của trường có học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên (>= 2.5, thang điểm hệ 4).

Các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ: quản trị kinh doanh, kỹ thuật hóa học, công nghệ thực phẩm, kỹ thuật điện, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật cơ khí, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tài chính - ngân hàng, quản trị khách sạn - nhà hàng và dịch vụ ăn uống. 

Thời gian bắt đầu học (dự kiến) từ ngày 16/3. Sinh viên đủ điều kiện có nhu cầu học có thể đăng ký từ ngày 6 đến 15/3 (đợt 1); đợt 2 từ ngày 18/3 đến 10/4.

Theo quy định, sinh viên chỉ được đăng ký những học phần của chương trình thạc sĩ không trùng lịch học mà sinh viên đang học hệ ĐH. Số tín chỉ tối đa sinh viên đăng ký học trước là 15 tín chỉ.

Đại diện Trường đại học Tài chính - Marketing thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vừa thông báo về việc giải quyết cho sinh viên các khóa trình độ đại học chính quy đăng ký học trước các học phần của chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, học kỳ II năm 2024.

Chương trình áp dụng cho sinh viên học đúng ngành thạc sĩ quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng.

Đối tượng áp dụng là sinh viên các khóa trình độ đại học chính quy chương trình chuẩn, chương trình chất lượng cao ngành quản trị kinh doanh, ngành tài chính - ngân hàng có số tín chỉ tích lũy từ 60 (trình độ năm thứ ba trở đi) và có học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên (tính đến hết học kỳ I năm 2024) có nguyện vọng đăng ký học trước các học phần có trong chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ của trường.

Giáo dục - Có nên tuyển sinh viên từ năm thứ 3 học chương trình thạc sĩ?

Lễ trao bằng thạc sĩ tại Trường đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.

Các trường thành viên Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh như: Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Trường đại học Công nghệ thông tin… cũng cho phép sinh viên được học liên thông lên trình độ thạc sĩ của ngành tương ứng, rút ngắn thời gian học tập.

Để đăng ký học song song chương trình thạc sĩ, sinh viên cần đạt một số tiêu chí cần thiết như: tích lũy tối thiểu đủ số tín chỉ theo quy định từng trường, điểm trung bình tích lũy loại khá trở lên, đăng ký học chương trình thạc sĩ cùng ngành tại trường…

Tạo lợi thế hay sinh viên sẽ “chín ép”?

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Trường đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh năm nay lần đầu tiên tuyển sinh thạc sĩ theo hình thức này.

"Vấn đề này đã được các trường đại học thành viên thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm nay tuyển sinh. Tôi cho rằng, việc này có nhiều thuận lợi cho người học, vì nếu trúng tuyển, học viên chỉ học buổi tối hoặc học thứ Bảy, Chủ nhật, như vậy không trùng với lịch học chính quy của sinh viên", ông Nhân nói.

Cũng theo ông Nhân, sinh viên chọn học thạc sĩ khi chưa ra trường sẽ có nhiều lợi thế, như có thể nâng cao kiến thức cho mình, tạo cánh cửa cho các em sau này có định hướng giảng dạy, nghiên cứu, học lên tiến sĩ.

Ngoài ra, học thạc sĩ theo hình thức này sẽ tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí. Cụ thể, nếu theo quy định học thạc sĩ 60 tín chỉ, thì sinh viên trong trường chỉ cần học 45 tín chỉ, vì đã có 15 tín chỉ tích lũy bậc cử nhân.

Về học phí, học viên học thạc sĩ chính quy tại trường học phí sẽ thấp hơn nhiều so với các trường ngoài công lập, mỗi môn chỉ khoảng 3-4 triệu đồng, toàn bộ chương trình khoảng 10 -15 môn tùy theo ngành học. Như vậy học viên có rất nhiều lợi thế.

Trả lời về việc, liệu nếu sinh viên lựa chọn học thạc sĩ sớm khi chưa lấy bằng cử nhân, có học viên sẽ hạn chế ngoại ngữ, đặc biệt quy định đầu ra ngoại ngữ cho học viên cao học cao hơn sinh viên. Nếu học viên không ra trường, không tốt nghiệp được, liệu có gây lãng phí cho người học?

Ông Nhân khẳng định, chắc chắn những sinh viên là năm 3 nếu chọn học thạc sĩ, họ sẽ nghiên cứu kỹ, và thời hạn đào tạo thạc sĩ là 2 năm, nếu học viên vì một lý do nào đó có thể gia hạn theo quy định để hoàn thành chương trình học, những trường hợp này thường rất ít.

PGS.TS Trương Văn Vỹ, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: "Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc các trường đại học cho phép sinh viên năm 3 sau khi hoàn thành 75% chương trình học đại học được học trước học phần chương trình thạc sĩ là tạo rất nhiều thuận lợi cho người học. Như tiết kiệm chi phí, thời gian, người học dễ có cơ hội nâng cao kiến thức cho mình...

Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, một số môn chương trình đào tạo thạc sĩ ứng dụng mà sinh viên chưa trải qua thực hành, chưa có kinh nghiệm làm việc, e rằng khó có hiệu quả cao, dễ dẫn đến hiện tượng chạy theo bằng cấp. Do đó, để chất lượng đào tạo được nâng cao, người học cảm nhận được hiệu quả thực sự, cơ sở đào tạo cần nghiêm túc trong tuyển sinh".

Từng học Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại một trường đại học công lập, chị Nguyễn Thị H. (32 tuổi, ngụ thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang là nhân viên hành chính) cho rằng: "Việc sinh viên học trước chương trình thạc sĩ sẽ có nhiều ưu thế như các cơ sở đào tạo đưa ra. Nhưng theo tôi, học thạc sĩ đòi hỏi nghiên cứu chuyên sâu. Cùng một vấn đề, nhưng chương trình đào tạo ở thạc sĩ đòi hỏi phân tích, so sánh, nghiên cứu đánh giá, không mang tính tổng quát như đại học. Nếu tuyển sinh sơ sài, đầu vào dễ vô tình nhiều người sẽ nghĩ việc tuyển sinh này như là "cái lò" đào tạo thạc sĩ".

Nguyễn Lành

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.