Vừa qua báo chí đưa tin vào ngày 5 tháng 4 năm 2024, rằng: Trung bình một người Việt tiêu thụ 1 lít nước ngọt mỗi tuần.
Đó là một con số đáng báo động! Bởi trung bình mỗi chai nước ngọt (cỡ nhỏ) thì dung lượng tầm trên 300ml, với 1 lít, thì có nghĩa trung bình mỗi tuần một người uống hơn 3 chai. Đó chỉ là con số trung bình, và sự thực là nhiều người có thói quen uống nước ngọt nhiều hơn người khác.
Có thể, có người tiêu thụ tận 1 lít mỗi ngày, ngang bằng với số trung bình một tuần của người dân Việt. Và bù lại, nhiều người chưa dùng (ít dùng) nước ngọt. Như tôi, có khi cả tháng không đụng đến một giọt nước ngọt (nước uống đóng chai). Điều đó nói lên rằng, với những người uống nước ngọt thường xuyên, lượng đường đi vào cơ thể là rất lớn!
Theo thống kê chung, tỉ lệ những bệnh liên quan đến việc tiêu thụ lượng đường nhiều, như các bệnh: tiểu đường, béo phì đều tăng. Các bệnh có liên đới khác, như nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, rối loạn chuyển hóa,… đều tăng.
Bản thân bệnh tật, một phần do ăn uống, và một phần do thói quen sinh hoạt, như lười vận động, lối sống buông thả, nên chúng ta không thể quy tất cả nguyên nhân vào việc tiêu thụ nhiều đường thông qua uống nước ngọt. Tuy nhiên, việc một người tiêu thụ một lượng đường “vượt ngưỡng” thường xuyên, là nguyên nhân chính dẫn đến những loại bệnh đó.
Nhìn vào thực tế, cuộc sống ngày nay, việc vận chuyển hàng hóa sâu vào mọi ngóc ngách của đời sống, tận hang cùng ngõ cụt. Thứ nữa, là do cuộc sống hiện đại tiện lợi, làm cho con người dễ có xu hướng tiêu thụ sản phẩm dùng ngay, có sẵn.
Thứ nữa là vì đặc thù công việc và môi trường sống, việc giao lưu gặp gỡ giữa cá nhân với cá nhân, việc giải khát của những người lao động,… Rất nhiều nguyên nhân từ chủ quan (khách thể tiêu thụ sản phẩm) như việc thèm nước ngọt, thói quen uống nước ngọt trở thành hoạt động vô thức, cho đến những nguyên nhân khách quan (môi trường tạo điều kiện để tiêu thụ sản phẩm) như vì công việc, vì bối cảnh giao tiếp, giao lưu, dẫn đến việc chúng ta tiêu thụ nước ngọt nhiều. Nhưng theo quan điểm của người viết, thì nguyên nhân chính vẫn nằm ở tính chủ quan của mỗi người.
Chúng ta chủ quan khi nghĩ lâu lâu uống lon nước ngọt cũng không sao, hay nghĩ uống cho đã khát, hoặc uống đại đi tới đâu thì tới, hoặc mình chưa chết đâu mà lo, hoặc ngày nay ai mà không uống nước ngọt, hoặc tiện thể uống luôn. Chúng ta vào rạp phim, xem phim, ăn bỏng ngô và uống nước ngọt.
Chúng ta ngồi cà phê, trà sữa cùng mọi người, uống nước ngọt. Chúng ta làm việc trong văn phòng, uống nước ngọt. Chúng ta làm công trình, uống nước ngọt. Mỗi ngày, mỗi tuần, chúng ta uống một ít nước ngọt, có thể là không sao. Nhưng chính sự không sao đó, tích lũy theo nhiều năm, thì sẽ gây ra những vấn đề.
Tôi có một trải nghiệm, mà đến giờ này vẫn còn nhớ, đó là khoảng thời gian 9 tháng làm nhân viên phục vụ quán karaoke, nơi lượng bia và nước ngọt tiêu thụ cực lớn. Cứ mỗi lần dọn phòng, trước mặt tôi là đầy lon bia và nước ngọt. Đó là một môi trường có thể kích thích tôi tiêu thụ nước ngọt, mỗi ngày.
Nhưng kỳ thực, trong suốt 9 tháng đó, tôi gần như không uống nước ngọt. Bởi tôi quan niệm, muốn tâm bình thì không nên dùng nước có ga. Sự kiên định đến mức cố chấp của tôi, buộc cô chủ quán karaoke phải thốt lên: Cô phục cháu thực sự.
Bản thân tôi xuất thân từ dân nông, nên vẫn giữ trong mình một thói quen cố hữu, là uống nước đun sôi để nguội. Sau này thì dùng nước suối. Chỉ cần vậy. Tôi là người uống nước nhiều, vì cơ địa tiêu thụ nước lớn, và loại nước tôi uống là nước tự nhiên, không ga, không đường.
Thói quen đó, cho đến bây giờ tôi vẫn thường giữ, như vào quán nước, quán karaoke, quán internet công cộng, hay nhà hàng, tôi hay kêu chai lavie. Thói quen này, với tôi là quan trọng, mặc dù tôi không dám chắc rằng sức khỏe của tôi tốt hơn những người hay uống nước ngọt.
Nhưng dù sao, theo như khuyến cáo của WHO, rằng: Gánh nặng sức khỏe ngày càng tăng khi tiêu thụ đồ uống có đường. Nên tôi vẫn muốn bản thân mình “nghe lời” khuyến cáo của “giới chuyên gia”.
Tôi vẫn nghĩ rằng, mỗi người trong chúng ta đều có nhiều những thói quen không tốt, không riêng gì việc uống nước ngọt. Và sức khỏe của mỗi người tốt hay không, còn nằm ở nhiều nguyên nhân khác.
Tuy nhiên, điều mà tôi nhìn thấy rõ nhất, cụ thể và dễ thực hiện nhất, vẫn là việc không nên dùng nhiều nước uống có ga. Thói quen này đã theo tôi từ lúc bé. Và tôi tin, việc làm này tốt cho chính mình. Bởi, không ít thì nhiều, đó cũng là một thói quen tốt, giúp tôi tránh được những loại bệnh nhất định nào đó!...
Đơn cử như một nghiên cứu thế giới với 40.000 nam giới trong hai thập kỷ, cho thấy những người uống trung bình 1 lon đồ uống có đường trong một ngày, có nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc chết vì nhồi máu cơ tim cao hơn 20% so với những người hiếm khi uống đồ uống có đường. Theo bài báo trên Báo Dân Trí đưa tin.
Nếu tôi đặt câu hỏi, rằng: Có nên uống nước ngọt nhiều? Chắc chắn câu trả lời tôi nhận được, là không nên. Cũng giống như việc hút thuốc lá vậy, gần như ai trong chúng ta cũng biết hút thuốc lá là không tốt, không nên.
Nhưng thực tế thì chúng ta vẫn hút thuốc lá, lượng thuốc lá tiêu thụ mỗi năm đều tăng. Và nước ngọt cũng vậy, chúng ta biết rằng không nên uống nước ngọt nhiều, nhưng ta vẫn uống. Vì sao?...