Vào những tuần cuối thai kỳ, mẹ bầu quay cuồng với những câu hỏi như: Các dấu hiệu sắp sinh sẽ diễn ra khi nào? Dấu hiệu chuyển dạ làm sao? Diễn ra trong bao lâu? Làm thế nào để biết được đã đến lúc bé chào đời?
Theo TS. BS Nguyễn Hữu Trung - Đại Học Y Dược TP.HCM, chuyển dạ là quá trình sinh lý, trong đó thai và nhau thai được đưa ra khỏi buồng tử cung qua âm đạo. Đây là giai đoạn cuối cùng để kết thúc thời kỳ thai nghén và cũng là giai đoạn có nhiều nguy cơ nhất đối với sức khoẻ, tính mạng của mẹ và bé.
Người ta thường nghĩ chuyển dạ khi thai phụ có cơn gò tử cung đều đặn, nhịp nhàng gây đau bụng từng cơn, đặc biệt khi các bác sĩ chuyên khoa phụ sản thăm khám thấy được sự thay đổi ở cổ tử cung, cổ tử cung mở rộng hơn so với trước đó thì sẽ chuẩn đoán là thai phụ đã vào chuyển dạ.
Có thể nói, cổ tử cung “mở” là dấu hiệu cơ bản cho thấy thai phụ sắp sinh nhưng việc nhận biết dấu hiệu chuyển dạ qua sự “mở” của cổ tử cung rất khó để thai phụ tự nhận biết, mà phải qua thăm khám của các bác sĩ.
Tuy nhiên, nếu thai phụ xuất hiện những dấu hiệu sau đây thì nên đến ngay bệnh viện bởi đó có thể là những dấu hiệu báo chuyển dạ hoặc những dấu hiệu mà thai phụ cần phải khám sớm để có thể khảo sát tình trạng sức khỏe của thai.
Bụng bầu tụt xuống, sa bụng là dấu hiệu sắp sinh đầu tiên
Một vài tuần trước khi bé chào đời, bé sẽ dịch chuyển xuống phía dưới trong khung xương chậu. Riêng với những bà bầu sinh con lần thứ 2, dấu hiệu này thường khá mơ hồ và chỉ cảm nhận được khi cuộc vượt cạn thực sự bắt đầu. Với mẹ mang thai lần đầu đây có thể là dấu hiệu sắp sinh trước 1 tuần.
Vào thời điểm này, cảm giác ở khung xương chậu sẽ nặng nề hơn nên bạn sẽ thấy mình đi lại khó khăn hơn, lạch bạch hơn. Một tin vui cho các mẹ bầu: Bạn sẽ thấy dễ thở hơn vì bé đã không còn lấn chiếm không gian phổi, giúp giảm áp lực thai lên lồng ngực.
Cổ tử cung bắt đầu mở
Cổ tử cung cũng sẽ “rộn ràng” chuẩn bị cho cuộc vượt cạn sắp đến. Mẹ bầu có thể dễ dành nhận thấy cổ tử cung mở rộng hơn trong vài ngày hay vài tuần trước đó. Nếu có lịch khám thai vào thời điểm này, bác sĩ sẽ giúp bầu kiểm tra độ mở cổ tử cung. Tốc độ mở ở mỗi mẹ bầu cũng sẽ nhanh chậm khác nhau. Đây là dấu hiệu chuyển dạ thực sự đó.
Ngừng tăng cân
Vào cuối thai kỳ, cân nặng của mẹ bầu có xu hướng chậm lại hoặc thậm chí có khi tụt vài kg. Điều này là bình thường và không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của thai nhi. Sụt cân có thể do lượng nước ối giảm xuống chuẩn bị cho giai đoạn vượt cạn sắp tới.
Cảm thấy uể oải và chỉ muốn nằm nghỉ
Ở giai đoạn này, một số mẹ bầu sẽ có cảm giác mệt mỏi như trong tam cá nguyệt đầu tiên. Bụng ngày càng to, cồng kềnh và sự chịu đựng của thận sẽ làm mẹ khó có thể ngon giấc vào ban đêm trong suốt những tuần cuối thai kỳ. Vì vậy, bất cứ khi nào cảm thấy buồn ngủ, mẹ nên tranh thủ chợp mắt ngay.
Bị chuột rút và đau lưng nhiều hơn
Khi sắp sinh, bạn sẽ cảm thấy mình bị chuột rút, đau hai bên háng và phần lưng nhiều hơn, đặc biệt nếu đây là lần đầu bạn sinh con. Lúc này, các cơ khớp ở vùng xương chậu và tử cung bị kéo căng ra để chuẩn bị cho bé ra đời.
Dịch nhầy âm đạo thay đổi màu sắc và độ kết dính
Thông thường, vào vài ngày trước khi sinh, mẹ sẽ thấy âm đạo tiết dịch nhiều hơn và có thể đặc hơn một chút. Nguyên nhân là do nút nhầy có tác dụng bịt kín cổ tử cung để ngăn ngừa viêm nhiễm, sẽ bong ra trong tử cung.
Nút nhầy là một miếng lớn hoặc nhỏ trông sền sệt, màu vàng nhạt như lòng trắng trứng. Một số trường hợp nút nhầy bong ra sẽ lẫn một chút máu. Dấu hiệu sắp sinh này được gọi là “máu báo sắp sinh” và nó là một tín hiệu tốt cho cuộc vượt cạn sắp bắt đầu.
Tuy nhiên, nếu những cơn co thắt chưa diễn ra hay tử cung chưa nở được 3-4 cm, mẹ có thể phải chờ thêm một vài ngày nữa. Ra máu âm đạo là một dấu hiệu chuyển dạ quan trọng, mẹ cần thông báo ngay cho bác sĩ để được kiểm tra và theo dõi kịp thời.
Vỡ nước ối
Bên cạnh dấu hiệu ra nhớt hồng âm đạo, các bác sĩ thường hướng dẫn thai phụ khi thấy xuất hiện tình trạng có nước rò rỉ từ vùng kín (âm đạo) nên đến ngay bệnh viện để kiểm tra.
Thông thường đa phần nước chảy từ cửa mình ra là nước ối. Thai phụ nhiều lúc có cảm giác “són tiểu” vì cảm giác “không buồn tiểu” nhưng “nước tiểu” cứ chảy ra từ vùng kín của mình. Một số thai phụ cứ nghĩ mình bị “són tiểu” như vậy và ngại đi khám… Cho đến khi thai phụ thấy tình trạng “són tiểu” này cứ kéo dài như vậy mà không hết, mới đi khám. Lúc này, thai nhi có thể đã bị nhiễm trùng ối quá nặng do ối vỡ quá lâu...
Do đó, khi mang bầu, nếu thai phụ gặp tình trạng ra nước gây ướt băng vệ sinh, đồ lót, thậm chí là quần dài, có cảm giác đi tiểu mặc dù không mắc tiểu, thai phụ nên đến bệnh viện kiểm tra bởi đó có thể là dấu hiệu vỡ ối khi chuyển dạ.
Thai đạp yếu
Thai đạp yếu không phải là dấu hiệu chuyển dạ nhưng nếu thai phụ thấy tình trạng thai đạp yếu cần phải đến bệnh viện để kiểm tra tình hình sức khỏe của thai nhi trong bụng.
Khi khám thai bác sĩ sẽ hướng dẫn thai phụ nhận biết thai đạp (hay thai máy) trong giai đoạn sau của thai kỳ. Nếu sau một tiếng mỗi lần ăn xong, thai đạp từ 4 lần trở lên được xem là bình thường còn nếu thai đạp không được 4 lần khuyến cáo thai phụ đi khám xem trình trạng sức khỏe của thai.
Ngoài ra, một phương pháp theo dõi thai máy khác có thể sử dụng là theo dõi thai máy qua cảm nhận chủ quan của thai phụ. Nếu thấy số lần thai đạp yếu hơn một nửa bình thường, thai phụ cũng nên đi khám. Đó không phải là dấu hiệu chuyển dạ nhưng đó là dấu hiệu có thể của thai suy, thai phụ cần nhập viện gấp để có hướng xử trí phù hợp.
>>>Xem thêm: Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm khi đau bụng trong thai kỳ
Phong Linh (tổng hợp)