Đánh giá tác động đối với các dự án đô thị
Thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, ĐBQH Trần Việt Anh (đoàn Hà Nội) cho rằng, sau hơn 3 năm thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế trong việc lập, thẩm định, phê duyệt. Cho đến nay, chỉ có ba quy hoạch cấp vùng, tỉnh được phê duyệt theo Luật Quy hoạch 2017.
Theo đại biểu, qua khảo sát thực tế và phản ánh từ cơ sở thì các dự án, đặc biệt là các dự án đô thị được điều chỉnh quy hoạch phát sinh rất nhiều bất cập.
Thông thường chỉ nhận thấy ngay lập tức các áp lực của sự gia tăng về giao thông đô thị cho khu vực, nhưng áp lực lớn nhất được đặt lên chính quyền địa phương tại khu vực đó là về an ninh, y tế, giáo dục hay thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội.
“Có những dự án sau điều chỉnh dân số tăng thêm gần 1 phường. Qua đại dịch Covid-19 càng bộc lộ rõ, chúng ta không thể tăng thêm một đồn công an hay một trạm y tế được, trường học và các thiết chế sẽ từ từ bộc lộ, gánh nặng sẽ được đặt lên chính quyền địa phương và ngân sách nhà nước sẽ phải đầu tư nhiều năm để khắc phục và đảm bảo quyền lợi cho người dân, trong khi nhà đầu tư được hưởng ngay hạ tầng sẵn có của khu vực”, đại biểu nhấn mạnh.
Từ đó, đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị cần có khảo sát, đánh giá tác động đối với các dự án đô thị của các khu vực quy hoạch ổn định được điều chỉnh những năm gần đây, để có góc nhìn chính xác về việc điều chỉnh quy hoạch.
Xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở các thành phố
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng trong Luật Quy hoạch có đề cập đến quy hoạch tổng thể quốc gia bao gồm các nội dung định hướng, như: Định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội; định hướng phát triển không gian biển; dịnh hướng sử dụng đất quốc gia; định hướng khai thác và sử dụng vùng trời; định hướng phân vùng và liên kết vùng…
“Tôi rất đồng ý với những định hướng này và theo tôi ở Luật Quy hoạch quốc gia cũng chỉ nên định hướng. Như vậy là hợp lý vì thông thường quy hoạch quốc gia mà quá cụ thể thì khó làm và cũng chóng bị lạc hậu”, đại biểu Anh Trí nêu.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, Luật đã có rồi nhưng ông rất mong Quốc hội cho ý kiến lồng ghép vào đâu đó để bổ sung định hướng phát triển không gian ngầm ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Trong thời kỳ sau 30-50 năm nữa, việc mở rộng thành phố theo hướng lấy thêm diện tích đất ở trên rất tốn kém, bất khả thi; trong khi mở rộng thành phố theo hướng ngầm dưới lòng thành phố sẽ hữu hiệu hơn.
“Nếu chúng ta có quy hoạch để xác định được đâu là bến tàu điện ngầm, đâu là siêu thị… ngay bây giờ thì khi đó sẽ thuận lợi hơn và hữu hiệu hơn rất nhiều”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Anh Trí nêu thêm, trên thực tế hiện nay mới phát triển một số công trình ngầm nhỏ lẻ mà đã bắt đầu gặp những bất cập khó điều chỉnh hoặc điều chỉnh được thì đã rất tốn kém. Bởi vậy, cần tập trung một đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước giỏi và nên có một nguồn kinh phí đủ lớn để làm cho được việc quy hoạch phát triển không gian ngầm ở các thành phố của Việt Nam.
“Cần có quy hoạch và quyết tâm xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở các thành phố, nhất là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Chỉ với một hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, đồng bộ, hợp lý thì mới có thể giải quyết căn cơ tình hình giao thông quá tải, lộn xộn hiện nay về sau”, đại biểu bày tỏ quan điểm.