Phẩm chất của một tài năng lớn
Đối với tôi, Nguyễn Văn Thông là người anh, người thầy trên bước đường sự nghiệp điện ảnh của mình. Tôi đã lĩnh hội được từ những bộ phim chất thơ của ông trong điện ảnh, học được từ những áng văn của ông sự sâu sắc đằm thắm và học ở cuộc đời của ông đức khiêm nhường, niềm say mê với điện ảnh và văn chương. Trong cả hai lĩnh vực trên, Nguyễn Văn Thông đều bộc lộ những phẩm chất của một tài năng lớn. Nhưng ông không hề ý thức điều đó.
Từ phim Con chim vành khuyên đến tiểu thuyết Hồn trúc ông đã để lại sau mình những dấu ấn không phai mờ trong cả hai lĩnh vực mà ông cống hiến cho đến trọn đời. Khó có thể phân định rạch ròi giữa Nguyên Văn Thông - đạo diễn, người viết kịch bản hay Nguyễn Văn Thông - người viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Ông là một ví dụ sinh động cho sự giao thoa giữa Điện ảnh và Văn học. Cái chất thơ trong phim Con chim vành khuyên chính là thừa hưởng từ truyện ngắn Câu chuyện một bài ca mà ông đã viết từ trong kháng chiến chống Pháp. Nhiều truyện ngắn tiểu thuyết của ông đều có thể chuyển thành phim và ông đã làm như vậy trong nhiều tác phẩm điện ảnh của mình.
Tôi may mắn được quen biết ông từ sớm, khi làm phiên dịch cho khoá I của trường điện ảnh Việt Nam, mà ông là một trong những học viên đầu tiên của khoa đạo diễn dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô - đạo diễn Ajda Ibraghimov. Ngày ấy, khi kết thúc khóa học, các học viên chia làm 3 nhóm để làm phim tốt nghiệp. Nguyễn Văn Thông rủ Trần Vũ cùng vào một nhóm và lấy truyện ngắn Câu chuyện một bài ca của Nguyễn Văn Thông đã đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội trước đó không lâu để chuyển thể thành phim. Anh Thông miệt mài làm phân cảnh rồi chuyển cho tôi dịch ra tiếng Nga để chuyên gia xem, góp ý. Rồi các anh kéo đoàn phim vào Thanh Hóa để thực hiện giai đoạn quay. Chuyên gia Liên Xô Ajda Ibraghimov đã dành trọn thời gian để chỉ đạo nghệ thuật cho bộ phim truyện dài Một ngày đầu thu mà ông đặt nhiều hy vọng hơn cả, nên tôi phải đi theo ông suốt thời gian đó.
Đoàn của anh Thông, anh Vũ và đoàn của đạo diễn Vũ Sơn (phim Hai người lính) làm gì, quay như thế nào không ai biết. Chỉ đến khi dựng xong hình ảnh, rồi lồng tiếng, lồng nhạc xong mọi người mới sững sờ trước một kiệt tác điện ảnh có tên Con chim vành khuyên. Sự xuất hiện của bộ phim làm chấn động giới điện ảnh ngày ấy. Nguyễn Văn Thông cùng các đồng nghiệp của mình trong đoàn làm phim đã lặng lẽ cho ra đời đứa con tinh thần đầu tiên của mình như vậy. Và chỉ một tháng sau, tháng 7/1962, phim nhận được Giải đặc biệt của Ban giám khảo phim ngắn của Liên hoan phim quốc tế Các-lô-vy Va-ry (Tiệp Khắc). Đây là Giải thưởng quốc tế đầu tiên trong lĩnh vực phim truyện của điện ảnh Việt Nam.
Cố đạo diễn Nguyễn Văn Thông chụp hình cùng hai diễn viên nước ngoài trong phim "Nữ thần Laksmi".
Vinh dự này thật lớn lao, vinh quang này thật sáng chói, ấy vậy mà Nguyễn Văn Thông vẫn lặng lẽ khiêm nhường. Ông luôn đặt mình ở ngoài vòng danh vọng vật chất lẫn bon chen đời thường. Có một dạo, người ta còn không biết ông cũng chính là tác giả kịch bản của bộ phim này. Con chim vành khuyên trở thành một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam, là niềm kiêu hãnh của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Bộ phim đã mở đầu cho một khuynh hướng thơ trong điện ảnh nước nhà, khiến nhiều bạn bè trên thế giới nể trọng. Các phim tiếp theo của ông như Bài ca không quên, Nữ thần Laksmi tiếp tục khẳng định cho khuynh hướng sáng tác này. Điện ảnh Việt Nam đã từng có những bước khởi đầu đầy hứa hẹn như vậy, nhưng tiếc rằng nó không được nghiên cứu thấu đáo để các thế hệ sau kế tiếp, phát huy và nâng cao.
Lung linh một cõi liêu trai
Chúng ta hãy nghe Nguyễn Văn Thông từng nói về điện ảnh thơ của mình: "Sức mạnh của điện ảnh thơ nằm ngay trong tứ phim của nó. Một câu chuyện giản dị, có cái tứ sâu sắc là đủ để các đạo diễn tài ba của chúng ta làm nên chuyện...”. Trong phim thơ cảm xúc là điều quan trọng nhất. Khi có đề tài tôi nghiền ngẫm rất lâu, đến khi xuất hiện một tứ phim... Theo định nghĩa về thơ của nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Roman Jacobson thì thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng. Phải chăng trong điện ảnh, đối tượng ấy chính là hệ thống hình ảnh để diễn đạt cái tứ phim mà Nguyễn Văn Thông đã nói ở trên. Ngoài chất thơ, trong sáng tác của Nguyễn Văn Thông (phim cũng như tiểu thuyết) ta còn nhận thấy chất huyền ảo, lung linh của một cõi liêu trai pha quyện những hồi niệm của chính tác giả. Tôi gọi đó là Thế giới tâm hồn của Nguyễn Văn Thông. Tập sách này là một minh chứng cho cái thế giới tâm hồn đó.
Những năm cuối đời Nguyễn Văn Thông chuyển về sinh hoạt Đảng trong cùng một chi bộ với tôi ở văn phòng Hội Điện ảnh. Người đảng viên hơn 60 năm tuổi đảng ấy vẫn chấp hành mọi quy định của tổ chức Đảng ở cơ sở một cách nghiêm túc nhất, mặc dù tôi biết ông có không ít ưu tư trăn trở về tình hình chung của đất nước cũng như của riêng ngành điện ảnh. Một lần ông tâm sự: "Đảng và Nhà nước quá ưu tiên cho điện ảnh. Nhưng đáng buồn là đồng tiền đổ ra không đúng chỗ, vì nhiều người nhận đồng tiền đó không có tấm lòng... Vài ba tỷ đối với nước ngoài không lớn, nhưng đối với ta, một đất nước còn lụt lội mất mùa, còn biết bao người không có nhà cửa, bao em bé không được đến trường, thì đồng tiền ấy chính là xương máu...".
Đối với Nguyễn Văn Thông phẩm chất quan trọng nhất của người nghệ sỹ là tấm lòng - tấm lòng với đất nước, với nhân dân, với cuộc đời. Không có tấm lòng ấy, lại không có tài năng nữa thì bao tiền của đổ ra đều vô ích. Đó là thông điệp Nguyễn Văn Thông để lại cho đời sau qua những trang viết trong ấn phẩm cuối cùng này. Cầm trên tay cuốn sách, chúng ta không khỏi cảm động khi nghĩ về tình nghĩa tào khang của chị Đàm Thanh dành cho người chồng rất mực thương yêu của mình. Thật vậy, không có công sức tâm huyết cũng như tình yêu của chị thì cuốn sách hẳn đã chẳng thể ra đời.
Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Văn Thông (sinh năm 1926, mất năm 2010) là đạo diễn duy nhất ở Việt Nam được cả giới sáng tác lẫn giới phê bình, báo chí thừa nhận, thậm chí đánh giá cao như một người khai phá và bồi đắp nên phong cách điện ảnh thơ. Trong sự nghiệp của mình ông đã dành được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước ở cả hai thể loại phim truyện và phim tài liệu. Những tác phẩm tiêu biểu ông vừa làm đạo diễn vừa viết kịch bản như: Con chim vành khuyên (1962) - Giải Bông sen vàng Liên hoan phim quốc gia lần thứ II, Giải Đặc biệt Ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Karlovy-Vary (Tiệp Khắc); Bài ca không quên (1982) - Giải Bông mai vàng Liên hoan phim TP. Hồ Chí Minh (1985); Bằng khen của Bộ Quốc phòng cho sáng tác văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang; Nữ thần Laksmi (1985); Người rừng (1990),... Ngoài ra, những thước phim tài liệu của ông đã phản ánh hết sức chân thực và sinh động cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Dòng sông quê hương (1964), Gặp các dũng sỹ diệt Mỹ (1965), Sóng hồ Tây (1967), Chúng con nhớ Bác (1969) - Giải Bông sen vàng Liên hoan phim quốc gia lần thứ I; Chiến thắng Đường Chín-Nam Lào (1972) - Giải Bông sen vàng Liên hoan phim quốc gia lần thứ II, Bồ câu vàng Liên hoan phim quốc tế Leipzig (CHDC Đức), Lá cờ thần kỳ (1973). Bên cạnh đó, ông còn thử sức trong lĩnh vực sáng tác văn học và rất thành công với phong cách trữ tình trong các tiểu thuyết: Lãng tử và Vũ nữ Chàm (NXB Hội nhà văn, 1969), Hồn trúc (NXB Hội Nhà văn, 1997). |
NSND Đặng Nhật Minh