Cô bé được nói tới tên là Lê Kiều Khánh Linh (SN 1994) tại Hà Nội trong một gia đình bố mẹ là công chức. Từ nhỏ, Linh được thừa hưởng nét đẹp của mẹ cùng trí thông minh của cha mình. Linh không chỉ năng nổ trong các hoạt động đoàn đội mà Linh còn là cô bé xuất sắc khi dành không ít thành tích học tập đáng nể.
Từ cô sinh viên Đại học Ngoại thương xuất sắc...
Năm 2016 Khánh Linh hoàn thành khóa luận tốt nghiệp đạt loại A chuyên ngành Kinh tế quốc tế. Không chỉ thế, Linh còn đạt danh hiệu sinh viên giỏi toàn khóa với số điểm trung bình 3. 37 tại Đại học Ngoại thương Hà Nội, số điểm không ít người mơ ước.
Không chỉ là một sinh viên xuất sắc mà Linh còn là một đối thủ đáng gờm khi đạt không ít thành tích khủng trong việc chơi cờ vây. Từ khi đến với bộ môn này, Linh từng liên tiếp tham gia 3 giải quốc gia và một giải quốc tế môn cờ vây.
Vào năm 2013, Linh tham gia giải cờ vây Quốc tế và dành vị trí thứ 9. Mặc dù, chưa phải là thứ hạng cao, nhưng đó là một mốc son vô cùng quan trọng trên con đường thực hiện đam mê của Linh.
Nói về cơ duyên đến với vờ vây Linh chia sẻ: “Hồi nhỏ sau khi đọc bộ truyện Hikaru no go thì em bắt đầu có hứng thú và thử học cờ. Nhưng sau đó đến năm lớp 11 thì mới quay lại học ạ, lúc này thì có 1 thầy chuyên nghiệp tư Hàn Quốc được cử sang Việt Nam để dạy cờ cho mọi người, em may mắn cũng được gặp và học thầy ạ”.
Chia sẻ vì sao lại chọn Hàn Quốc là nơi học tập, theo đuổi đam mê Linh cho hay Hàn Quốc là quốc gia khá phát triển về ngành học này. Với lại, cô từng nhận được sự quan tâm hướng dẫn từ người thầy Hàn Quốc của mình. Ngoài ra, cô gái xinh xắn cũng chia sẻ Myongji là trường địa học duy nhất hiện nay có đào tạo cao học chuyên ngành cờ vây.
Linh kể: “Thực ra khó khăn của việc chơi cờ vây chính là ít tài liệu, ít sách hướng dẫn, báo đài cũng ít đưa tin tới những sự kiện có liên quan. Nhiều lúc mình nản quá, tưởng chừng như bỏ dở nhưng rồi hi vọng lại được nhen nhóm trở lại”.
Nói được làm được, Linh đã xuất sắc trở thành cô sinh viên 9X có thành tích học đáng nể. Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương với khóa luận đạt loại A cùng với sinh viên giỏi toàn khóa. Dù thế, Linh vẫn luôn tỏ ra khiêm tốn khi cho rằng, có được thành công đó là nhờ một phần may mắn của cô trong cuộc sống.
Về phía bố mẹ Linh, khi con gái chuẩn bị tốt nghiệp đã có không ít định hướng. Dù thế, Linh vẫn xin phép bố mẹ để lựa chọn con đường đi riêng cho mình. Với Linh, việc quyết định lựa chọn một công việc phù hợp và theo đuổi niềm đam mê là việc vô cùng cần thiết.
Linh chia sẻ: “Khi em đang phân vân giữa lựa chọn xin việc và theo đuổi đam mê thì đầu năm 2016, một người bạn có giới thiệu cho em có một học bổng đào tạo thạc sĩ về chuyên ngành cờ vây học tại Hàn Quốc. Khi đó em vui lắm, em tìm mọi cách để liên lạc với trường xin học bổng”.
Đến thiếu nữ cờ vây đạt học bổng giá trị nửa tỷ đồng
Khi được bạn bè giới thiệu, Linh vui mừng khôn xiết. Cô lên mạng tìm hiểu thông tin rồi gửi thư sang trường với niềm hi vọng rất lớn. Tuy nhiên, những ngày chờ hồi âm đằng đẵng có lúc khiến Linh tuyệt vọng.
10 ngày trôi qua là 10 ngày cô sinh viên Đại học ngoại thương đứng ngồi không yên, hết ngày thứ 9 chưa nhận được thư phản hồi Linh cứ nghĩ rằng mọi cơ hội dường như tan biến.Và chính trong giây phút tuyệt vọng ấy niềm vui như vỡ òa.
“Khi nhận được hồi âm của trường đề nghị gửi CV cùng với bản kế hoạch học tập nghiêm túc em vô cùng hạnh phúc. Em đã rất hào hứng nhưng cũng rất lo lắng khi tự mình vạch ra định hướng cũng như chiến lược học tập của mình. Phải mất hơn 4 tháng để chuẩn bị hồ sơ cũng như các thủ tục nhập học”- Khánh Linh chia sẻ.
Sau hơn 1 năm học tiếng Hàn Quốc cùng với sự nhiệt tình khi tham gia các hoạt động do CLB cờ vây Việt Hàn tổ chức, Linh đã nhận được học bổng tại trường Đại học Myongji (Hàn Quốc) chuyên ngành Cờ vây học, đào tạo trình độ Thạc sĩ, học bổng trị giá hơn nửa tỷ đồng (30.000 USD) cho bốn kỳ học.
Trong lịch sử của trường này, Linh là nữ sinh người Việt Nam đầu tiên vinh dự nhận học bổng này. Linh cũng ý thức được rằng việc tiếp cận với quốc gia phát triển nhất nhì về cờ vây sẽ tạo cho cô cơ hội học hỏi, cũng như hiểu bài bản hơn về bộ môn này.
Chia sẻ về kinh nghiệm về việc đạt học bổng, Linh cho biết: “Em cũng không biết cách học của em có phù hợp với các bạn khác không, nhưng đối với em em thì việc học cũng tùy cảm hứng. Dường như thời gian ở lớp em luôn lắng nghe, ghi chép đầy đủ lời của thầy cô giáo. Vì thế, về nhà em dành hết thời gian cho đam mê của bản thân”.
Hiện tại Linh đang nỗ lực hoàn thành tốt nhất việc học tập cũng như theo đuổi đam mê của mình. Linh cũng chưa thể chắc chắn sau khi tốt nghiệp em sẽ làm gì, nhưng mong muốn của em đó là có thể góp 1 phần nào vào sự phát triển của cờ vây Việt Nam.
Thanh Bình