Cổ phần hoá hãng Phim truyện VN: 32,5 tỷ chi phối 14.000m2 đất vàng

Cổ phần hoá hãng Phim truyện VN: 32,5 tỷ chi phối 14.000m2 đất vàng

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 6, 22/09/2017 13:00

Chỉ sau 11 ngày đăng thông báo tìm nhà đầu tư chiến lược, Vivaso là đơn vị duy nhất "ngỏ lời", đáp ứng các cam kết mà bộ VH,TT&DL đặt ra. Nghiễm nhiên, Vivaso "một mình một chợ", thong dong trở thành ông chủ mới của hãng Phim truyện Việt Nam.

Hãng Phim truyện Việt Nam là hãng phim đầu tiên sản xuất phim ở Việt Nam được thành lập năm 1953. Năm 1959, bộ phim "Chung một dòng sông" ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng kinh điển.

Sau gần 60 năm tồn tại, hãng đã sản xuất hơn 300 bộ phim trong đó nhiều bộ phim được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Con chim Vành Khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Dậu,...

Bất động sản - Cổ phần hoá hãng Phim truyện VN: 32,5 tỷ chi phối 14.000m2 đất vàng

Phim Con chim Vành Khuyên được trao giải đặc biệt dành cho phim ngắn của LHP Quốc tế Tiệp Khắc năm 1962. Đó cũng là giải thưởng lớn Quốc tế đầu tiên mà một phim Việt Nam giành được. 

Tuy vậy, những năm gần đây, nhiều dự án phim của hãng liên tục thua lỗ, tính đến trước thời điểm cổ phần hoá (tháng 4/2016), VFS lỗ lũy kế 39,6 tỷ đồng, trong đó phần lớn lỗ do các bộ phim làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước trong giai đoạn 2004-2014 (lỗ 34,3 tỷ đồng).

Chủ trương cổ phần hoá VFS đã có từ rất lâu trước đó. VFS là một trong bốn đơn vị điện ảnh của bộ VH,TT&DL cần được cổ phần hoá bao gồm: Hãng Phim truyện I, hãng Phim Giải phóng, hãng Phim hoạt hình Việt Nam và hãng Phim truyện Việt Nam, ngoài ra hãng Phim Tài liệu và Khoa học tài liệu Trung ương đã được Chính phủ đồng ý không cổ phần hóa vì đặc thù, chuyển thành công ty.

Quá trình cổ phần hoá của VFS cũng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi do doanh nghiệp sở hữu 4 khu đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội và TP.HCM, tổng diện tích gần 14.000m2 nhưng rất ít nhà đầu tư quan tâm.

Bất động sản - Cổ phần hoá hãng Phim truyện VN: 32,5 tỷ chi phối 14.000m2 đất vàng (Hình 2).

Khu "đất vàng" số 4 Thuỵ Khuê không được tính trong giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hoá. 

Cụ thể, theo phương án cổ phần hoá VFS sẽ có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, Nhà nước sở hữu 20% vốn điều lệ - tương ứng 10 tỷ đồng, cán bộ công nhân viên nắm giữ 4,5% vốn, 10,5% vốn công ty được mang ra đấu giá công khai, còn lại 65% vốn cổ phần - tương đương 32,5 tỷ đồng sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Điều đáng nói, giá trị doanh nghiệp được phê duyệt để tiến hành cổ phần hoá của VFS chỉ là 91,7 tỷ đồng, không bao gồm: Giá trị thương hiệu 60 năm, giá trị các lô đất được quyền sử dụng và một số tài sản không định giá được.

Nhiều câu hỏi lớn

Thứ nhất, về việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Chỉ sau 11 ngày đăng thông báo tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược (đăng tải trên ba số báo liên tiếp của báo Kinh tế và Đô thị từ ngày 16 đến 19/1/2016, thông báo trên bản tin của công ty và website của đơn vị tư vấn là CTCP Chứng khoán châu Á Thái Bình Dương, Tổng công ty Vận tải Thủy (Vivaso) là đơn vị duy nhất “ngỏ lời” trở thành nhà đầu tư chiến lược của VFS, đáp ứng các cam kết mà bộ VH,TT&DL đặt ra.

Với vị thế  "một mình một chợ", vị trí nhà đầu tư chiến lược mua lại số cổ phần chi phối 65% vốn của VFS nghiễm nhiên nằm trong tay Vivaso. Như vậy, Vivaso chỉ cần bỏ ra 32,5 tỷ đồng để mua số vốn trên, không cần đấu giá.

Thứ hai, tại sao Vivaso lại lựa chọn VFS để đầu tư?

Vị đại gia “tay ngang” kinh doanh ở một lĩnh vực hoàn toàn không liên quan là lĩnh vực vận tải sông, mặt khác cũng vừa được "thâu tóm" bởi Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường do ông Nguyễn Thuỷ Nguyên làm chủ.

Lý do đại diện Vivaso đưa ra là: "Ngoài tình yêu với điện ảnh thì đó là hy vọng qua điện ảnh cũng là một kênh truyền thông sẽ quảng bá hình ảnh công ty chúng tôi chuẩn bị tiến tới là một công ty đa ngành nghề”.

Thứ ba, giá 32,5 tỷ là rẻ hay đắt?

Trong mọi cuộc đối thoại, ông Nguyễn Thuỷ Nguyên - Chủ tịch Vivaso đều cho rằng VFS làm ăn thua lỗ liên tục, nợ tiền thuế, tiền thuê đất,... nhà đầu tư khi quyết định rót vốn vào đây còn phải xử lý hàng loạt vấn đề liên quan từ lao động, lương thưởng, tạo việc làm... Con số 32,5 tỷ chỉ là số tiền ban đầu để nắm quyền chi phối.

Tuy vậy, "đặc quyền" sử dụng 4 khu đất rộng 14.000m2 của VFS lại không được tính đến khi xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa vì chỉ là đất thuê. Theo giá thị trường, tổng giá trị lô đất cũng trên dưới 2.000 tỷ đồng. Số phận các khu đất sẽ ra sao khi những cam kết của chủ đầu tư chỉ có "hạn sử dụng" trong vòng 5 năm?

Chiều 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về cổ phần hóa hãng Phim truyện Việt Nam (VFS).

Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Nhiều năm qua, hãng Phim truyện Việt Nam hoạt động rất yếu kém. Tuy nhiên, sau khi cổ phần hoá, các văn nghệ sĩ còn không ít băn khoăn, lo lắng, cụ thể như các khu đất của hãng sẽ không phục vụ làm phim ảnh mà trở thành nhà hàng, khách sạn; có bề dày lịch sử, truyền thống nhưng thương hiệu của đơn vị tính bằng không; quá trình cổ phần hoá chưa công khai, minh bạch và một số bức xúc giữa chủ đầu tư với các văn nghệ sĩ”.

Sau khi nghe ý kiến các bên gồm bộ VH,TT&DL, đại diện hội Điện ảnh Việt Nam, một số văn nghệ sĩ, đại diện chủ đầu tư Vivaso, Phó Thủ tướng kết luận: “Tôi đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá VFS. Bộ VH,TT&DL, bộ Tài chính, bộ Khoa học và Công nghệ phải bắt tay thực sự vào việc xác định giá trị thương hiệu của VFS”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.