Có phạt được 'thần giữ của' trong nhà?

Có phạt được 'thần giữ của' trong nhà?

Thứ 3, 16/07/2013 10:45

Sau hôn nhân, nhiều bà vợ xấu đi trong mắt chồng khi biến thành “ngân hàng di động dễ vào khó ra”. Để ngăn ngừa chồng "bao gái", họ phong tỏa kinh tế của chồng với mọi kiểu cách mà không biết rằng, hành vi đó từ lâu đã “lọt tầm ngắm” của pháp luật.

Đủ kiểu “thần giữ của”

Đang đi, chiếc xe máy của anh Nguyễn Trung Văn ở tập thể Bách Khoa, HN bỗng dừng khựng giữa ngã tư, buộc chủ nhân phải dắt bộ một lúc mới đến được trạm xăng.

Nhìn đồng hồ báo tiền nhảy đến con số 100 nghìn, anh Văn đưa tay lấy ví và tái xám mặt mày. Trong ví rõ ràng hôm qua có gần 1 triệu đồng nay chỉ còn đúng một tờ 50 nghìn đồng.

Đặt tạm chiếc đồng hồ đeo tay cho nhân viên trạm xăng, anh Văn điện báo cơ quan đến muộn, rồi bực tức quay xe về nhà tìm vợ nói chuyện…

Là bác sĩ răng hàm mặt khá mát tay, anh Văn chưa bao giờ để gia đình túng thiếu. Nhưng chị Mai vợ anh không tin rằng chồng tròn tâm tròn ý với mình trong chuyện lương lậu. Chị thường xuyên kiểm tra ví anh để lấy bớt tiền, hoặc lục xem anh có thẻ ATM nào khác không.

Bố mẹ chồng ở quê tần tảo nuôi con ăn học thành người, giờ tuổi già sức yếu không có lương hưu. Khi anh đề nghị mỗi tháng biếu bố mẹ 2 triệu đồng chi tiêu, chị sa sầm mặt mũi, làm mình làm mẩy mất cả tuần mới đồng ý.

Luật sư - Có phạt được 'thần giữ của' trong nhà?

Ảnh minh họa

Từ đó, đi đâu chị cũng kể chuyện rằng mình phải vất vả nuôi bố mẹ chồng, rằng mình làm thế là ban ơn cho họ chứ xét cho cùng không có trách nhiệm gì.

Chuyện đến tai anh Văn, hai vợ chồng cãi nhau một trận, để rồi sau đó chị Mai tiếp tục tăng “hình phạt” với chồng bằng cách mỗi ngày chỉ cho phép anh chi tiêu trong khoản 50 nghìn đồng, mà câu chuyện ở trạm xăng lúc sáng là kết quả.  

Trong cuộc sống gia đình, chuyện một hay nhiều thành viên gia đình bị thành viên khác “phong tỏa kinh tế” như trên diễn ra khá nhiều. Thủ phạm thường nhiều là các bà vợ, nhưng cũng không hiếm những quý ông “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành” quản lý chặt chẽ chi tiêu của vợ, để buộc vợ phụ thuộc vào mình.

Và thậm chí, thủ phạm đôi khi còn là các bà mẹ chồng, mạnh tay thu hết tiền lương của con trai, con dâu, rồi cứ lâu lâu lấy cớ đắt đỏ để tăng mức đóng, dù biết rằng lương của con mình không đáp ứng nổi…

Cần quy trình thay vì quy định

Nghe rất đời thường, nhưng từ ngày 27/1/2010, hành vi này đã lọt vào “tầm ngắm” của pháp luật khi Nghị định 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 của Chính phủ về  quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực.

Theo đó, Điều 16 của Nghị định quy định những hành vi bạo lực về kinh tế như: kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của thành viên gia đình hoặc nguồn tài chính chung của gia đình nhằm tạo cho thành viên gia đình sự phụ thuộc về tài chính; buộc thành viên gia đình đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ… bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Tuy nhiên, sau một chặng đường khá dài đi vào cuộc sống, những quy định trong Nghị định 110 vẫn chưa được  người dân ngấm và bản thân những người có trách nhiệm thực thi luật pháp cũng chưa thuộc bài, ảnh hưởng rất nhiều đến tính khả thi của pháp luật.

Ví dụ trong năm 2011, số vụ bạo lực gia đình tỉnh Long An được phát hiện có chiều hướng giảm từ 10 – 15%/năm,  nhưng số vụ bạo lực gia đình có tính chất nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng. Mặt tồn tại này có nguyên nhân từ việc nhiều vụ bạo lực gia đình chưa được xử phạt theo Nghị định 110.

Bộ Công an vừa đưa ra bản dự thảo mới nhất của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong đó, về lĩnh vực hôn nhân gia đình có hơn chục điều luật với các hành vi như: hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình; hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình; hành vi bạo lực về kinh tế… Vốn đang nằm trong tâm điểm dư luận từ bản dự thảo lần trước với những quy định không khả thi và hài hước như: phạt mua dâm khác mua dâm đồi trụy (!), không mặc quần áo ra đường…,  nên bản dự thảo lần này cũng không thoát khỏi búa rìu dư luận.

“Chì chiết vợ sẽ bị phạt tiền”, “giữ lương chồng là hành vi phạm pháp” là những cái tít được nhiều người đọc trên phương tiện truyền thông.

Thực ra, như đã nói trên, nội dung của dự thảo nghị định riêng về phần hôn nhân gia đình không có gì mới vì nó đã được lặp lại y nguyên Chương II của Nghị định 110 theo ông Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch).

Vấn đề ở đây là để điều luật khả thi thì cần phải làm gì? Bởi, tiền không thay đổi hành vi của người gây bạo lực. Nên chăng thay vì lặp lại những quy định đã có, cần chú trọng việc xây dựng quy trình phát hiện, xử phạt, xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Vì cho đến nay, phần lớn nạn nhân BLGĐ vẫn chủ yếu nhận được từ chính quyền lời yêu cầu “cố gắng tự giải quyết vụ việc trong nội bộ gia đình” là chính.

Theo Hồng Minh (Pháp luật Việt Nam)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.