Đà thăng hoa của thị trường tiếp tục được duy trì khi VN-Index tăng gần 10 điểm ngay từ sớm và lấy lại mốc 1.290 điểm. Dẫn dắt bởi đà tăng này phải kể đến cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần Tập đoàn FPT lập đỉnh và đã đóng góp gần 2 điểm cho chỉ số.
Kết phiên sáng 10/10, cổ phiếu FPT tăng 5,6% lên 141.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử 18 năm niêm yết của cổ phiếu này. Thanh khoản cũng sôi động khi ghi nhận hơn 7,4 đơn vị được sang tay trong phiên sáng, gấp đôi so với thanh khoản trung bình thời gian gần đây.
Hơn nữa, đây cũng là lần thứ 35 FPT vượt đỉnh kể từ đầu năm. So với thời điểm đầu năm, thị giá mã này đã tăng đến 70%, từ 83.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá thị trường theo đó cũng tăng lên mức 205.923 tỷ đồng (tương đương 8,4 tỷ USD). Kết quả này đã đưa FPT trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 4 trên sàn chứng khoán Việt Nam, sau ba ông lớn Vietcombank, BIDV và ACV.
Không chỉ riêng cổ đông hưởng lợi, tài sản dàn lãnh đạo FPT cũng gia tăng đáng kể sau cú bứt tốc này. Theo đó, với 102 triệu cổ phiếu FPT đang sở hữu, tài sản Chủ tịch Trương Gia Bình hiện ở mức 14.436 tỷ đồng. Phó Chủ tịch Bùi Quang Ngọc cũng tăng lên 3.379 tỷ đồng, Thành viên HĐQT Đỗ Cao Bảo đang nắm giữ 1.955 tỷ đồng.
Trong 10 năm trở lại đây, giá trị vốn hoá của ông lớn công nghệ này liên tục tăng trưởng, chỉ duy nhất năm 2018 ngược dòng đi lùi. Hiện vốn hoá của FPT đã tăng gấp 11 lần sau 10 năm, tương đương mức tăng trưởng kép gần 27%/năm.
Đà tăng của cổ phiếu được trợ lực bởi nền tảng kinh doanh cốt lõi khi liên tục tăng trưởng hai con số qua mỗi năm.
Nổi bật là năm 2023 vừa qua, FPT ghi nhận doanh thu 52.618 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 7.788 tỷ đồng, đều tăng 20% so với cùng kỳ năm trước và là con số kỷ lục từ khi hoạt động.
Năm 2023 mang ý nghĩa lịch sử với FPT khi doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài chính thức vượt mốc 1 tỷ USD, đạt 24.288 tỷ đồng, tăng hơn 28%, lợi nhuận trước thuế tăng 27% lên 3.782 tỷ đồng.
Sang 8 tháng đầu năm 2024, FPT ghi nhận doanh thu 39.664 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 7.077 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,8% và 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 5.007 tỷ đồng, tăng 22,5%, EPS tương ứng 3.428 đồng/cổ phiếu.
Năm 2024, FPT đặt mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đồng loạt tăng khoảng 18% so với kết quả năm 2023. Như vậy, với kết quả đạt được sau 8 tháng đầu năm, tập đoàn đã hoàn thành 64% kế hoạch doanh thu và 65% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Về cơ cấu doanh thu, khối công nghệ vẫn giữ vai trò chủ lực khi đóng góp 62% với 24.525 tỷ đồng doanh thu và 3.370 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng trưởng lần lượt 26% và 23% so với cùng kỳ.
Theo tập đoàn, mảng dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài trong 8 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng với mức doanh thu 19.934 tỷ đồng. Trong đó, thị trường Nhật Bản tăng trưởng 34,4% nhờ đồng yên tăng và APAC tăng 36,9%.
Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài ở mức 22.774 tỷ đồng, tương đương mức tăng 19%. Trong 8 tháng, FPT đã thắng thầu 29 dự án lớn với quy mô trên 5 triệu USD.
Mảng dịch vụ công nghệ thông tin trong nước ghi nhận doanh thu 4.591 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, thúc đẩy bởi nhu cầu đầu tư cho công nghệ từ khối ngân hàng và tài chính.
Đối với khối dịch vụ viễn thông, chiếm 28% doanh thu và 33% lãi trước thuế FPT, tương ứng 11.228 tỷ đồng và 2.378 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 16% so với cùng kỳ. Cuối cùng, mảng giáo dục ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 28%, đạt 3.911 tỷ đồng, lãi trước thuế cũng tăng 19% lên 1.330 tỷ đồng.
FPT đang giao dịch P/E 2024 ở mức 24,8x, cao hơn bình quân 5 năm trước. Giá cổ phiếu đã tăng hơn 60% từ đầu năm đến nay, tuy nhiên, Agriseco Research đánh giá FPT vẫn là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong dài hạn với định hướng phát triển AI – chất bán dẫn – phần mềm ô-tô.
Do đó, Agriseco khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu với giá mục tiêu hướng đến trong năm 2025 quanh vùng 150.000 - 160.000 đồng/cổ phiếu.