Tâm lý lạc quan của nhà đầu tư được duy trì giúp các mã tăng điểm tích cực. Nổi bật là cổ phiếu CTR của CTCP Công trình Viettel (Viettel Construction) tăng kịch trần lên 133.300 đồng/cổ phiếu, dư mua gần 500.000 đơn vị và trắng bên bán.
Thanh khoản cũng ở mức cao với hơn 1 triệu đơn vị, gấp 4 lần so với khối lượng giao dịch trung bình trong 1 tháng trở lại đây.
Kể từ đầu năm, thị giá CTR đã tăng tới 48%, từ vùng giá 90.000 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hoá lên 15.247,6 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.
Thậm chí, hồi giữa tháng 6 năm nay, mã này đã bốc đầu tăng lên vùng đỉnh 160.000 đồng/cổ phiếu rồi hạ độ cao và lình xình quanh vùng 126.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu CTR có phiên tăng trần được hỗ trợ bởi thông tin Viettel Construction chốt danh sách cổ đông trả cổ tức cao kỷ lục vào ngày 30/9 sắp tới cùng với kết quả kinh doanh 8 tháng khởi sắc.
Cụ thể, Viettel Construction sẽ thực hiện trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỉ lệ 27,2% (1 cổ phiếu được nhận 2.720 đồng). Thời gian chi trả dự kiến vào ngày 18/10/2024.
Với hơn 114 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Viettel Construction sẽ chi hơn 310 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này.
Nhìn lại lịch sử chia cổ tức của Viettel Construction từ năm 2015 đến 2023, chỉ trừ năm 2016 không chia cổ tức, còn lại công ty đều trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông, tối thiểu ở mức 8% (năm 2021) và tối đa 29,19% (năm 2022).
Về cơ cấu cổ đông, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) là công ty mẹ nắm giữ 65,66% vốn của công ty sẽ thu về hơn 204 tỷ đồng từ đợt cổ tức lần này.
Ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới số (Digiworld – HoSE: DGW) và tổ chức liên quan hiện đang nắm 5,08% vốn tại CTR, nhờ đó có thể thu về khoảng 16 tỷ đồng từ đợt trả cổ tức.
Về tình hình kinh doanh, trong tháng 8/2024, Viettel Construction ghi nhận 1.157,5 tỷ đồng doanh thu thuần và 59,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 13% và 2% so với tháng 8 năm ngoái.
Luỹ kế 8 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần 7.935 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 422,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 4% so với cùng kỳ năm trước. Sau 8 tháng, công ty đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đề ra cả năm.
Dù vậy, kết quả này vẫn thấp hơn dự báo của Chứng khoán Vietcap (VCSC). Theo đó, VCSC dự báo doanh thu năm 2024 của Viettel Construction sẽ đạt 12.866 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2023. Lãi ròng cũng tăng 14% so năm trước với 590 tỷ đồng.
Như vậy, hết 8 tháng đầu năm, Viettel Construction mới hoàn thành 62% và 57% dự báo cả năm của công ty chứng khoán này.
VCSC nhận thấy rủi ro giảm nhẹ đối với dự báo năm 2024 do số lượng trạm viễn thông mới trong 8 tháng đầu năm 2024 thấp hơn dự kiến.
Theo đánh giá của Vietcap, việc chuyển đổi công nghệ viễn thông từ 2G và 3G sang 4G và 5G, cùng với nhu cầu tăng cường vùng phủ sóng 4G, sẽ đòi hỏi cơ sở hạ tầng viễn thông dày đặc hơn. Do đó, CTCK này dự báo số lượng trạm viễn thông của Viettel Construction sẽ tăng gấp 3 lần lên khoảng 20.000 trạm vào cuối năm 2026.
Viettel Construction được biết tới là đơn vị đảm nhiệm mảng hạ tầng viễn thông của Viettel. Do đó, công ty được kỳ vọng hưởng lợi trong bối cảnh chuyển đổi số tăng mạnh và việc bắt đầu triển khai mạng 5G tại Việt Nam.
Trong một báo cáo gần đây, Agriseco Research đánh giá mảng Xây dựng viễn thông và Hạ tầng cho thuê của Viettel Construction kỳ vọng hưởng lợi nhờ nhu cầu thuê hạ tầng viễn thông và sử dụng Internet tăng khi Chính phủ đẩy mạnh triển khai mạng 5G.
Tình hình triển khai 5G đang có các tín hiệu tích cực khi Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ cấp tần số thương mại 5G cuối năm 2023, dừng cấp sóng 2G từ tháng 12/2023 và các doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được triển khai thương mại chính thức trong năm 2024.
Nếu mạng 5G được triển khai vào cuối năm nay, Agriseco Research cho rằng đây sẽ là động lực đóng góp giúp cải thiện kết quả kinh doanh của Viettel Construction trong dài hạn.