Vốn hóa doanh nghiệp còn gần 21.600 tỷ đồng - mất đi mốc 1 tỷ đô đã giữ một thời gian dài trước đó.
Đi tìm nguyên nhân khiến cố phiếu NVL giảm mạnh, có thể có nhiều dự đoán, chủ yếu là những thông tin không mấy tích cực về tình hình tài chính tác động đến nhà đầu tư.
Thứ nhất, và cũng là quan trọng nhất, là các tin đến từ việc bản thân Novaland và các công ty con liên tục chậm trả lãi các lô trái phiếu. Công ty bất động sản Gia Đức mới đây thông báo chưa thể trả được lãi của lô trái phiếu 1.300 tỷ đồng. Theo báo cáo, số lãi phải trả lên đến 35,7 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp mới chỉ xoay xở trả được đúng 1 tỷ đồng.
Không chỉ nợ lãi trái phiếu, bất động sản Gia Đức cũng đang rơi vào cảnh khó khăn khi nợ nần chồng chất, tổng nợ phải trả vượt 8.000 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu quanh mức 3.300 tỷ đồng. Bất động sản Gia Đức cũng đã thua lỗ ít nhất 3 năm liên tiếp, trong đó năm 2023 lỗ 134 tỷ đồng.
Tiến độ pháp lý các dự án cũng là nguyên nhân lớn khiến cổ phiếu NVL sụt giảm
Bản thân Novaland cũng vừa thông báo tiếp tục gia hạn thanh toán lãi các lô trái phiếu, với tổng lãi muốn “khất” khoảng 75 tỷ đồng. Ngoài ra, ngày 24/7, Novaland công bố thông tin, một lô trái phiếu khác cũng bị chậm thanh toán 116,6 tỷ đồng tiền gốc và 2,5 tỷ đồng tiền lãi.
BCTC quý I/2024 ghi nhận, tính đến 31/3/2024, Novaland còn vay tài chính ngắn hạn hơn 35.018 tỷ đồng, tăng 4.081 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó riêng vay trái phiếu ngắn hạn 22.472 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng vay tài chính dài hạn 23.1214 tỷ đồng, trong đó vay trái phiếu dài hạn 16.075 tỷ đồng.
Tiến độ pháp lý các dự án cũng là nguyên nhân lớn tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Thông tin tích cực là gần đây Novaland đã gửi giấy mời đến các nhà đầu tư, sẽ tổ chức buổi họp vào 30/7 để cập nhật tình hình tái cấu trúc và tiến độ phát triển dự án của Tập đoàn.
Từng lọt TOP trên của những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu NVL giảm khiến khối tài sản của ông Bùi Thành Nhơn bốc hơi đáng kể. Một phần lớn trong số đó là do làn sóng bị bán giải chấp cổ phiếu những năm trước. Ngoài ra, số cổ phiếu ông Nhơn giảm một phần từ việc ông tái cơ cấu, "chuyển" sang công ty riêng.
Hiện tại, ông Bùi Thành Nhơn đang sở hữu hơn 96,7 triệu cổ phiếu NVL. Tạm tính theo thị giá hiện tại, giá trị khối cổ phiếu này khoảng 1.070 tỷ đồng.
Nếu tính khối tài sản bằng cổ phiếu NVL sở hữu trực tiếp, ông Nhơn vẫn là tỷ phú nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, dù không tính các tài sản ngoài, sở hữu tại các công ty không thuộc hệ thống Novaland, thì vẫn có 2 pháp nhân "dính" đến Novaland và ông Nhơn cần phải nói tới, là Diamond Properties và Nova Group.
Tính chung, 2 pháp nhân này đang sở hữu hơn 517,5 triệu cổ phiếu NVL, có giá trị khoảng 5.700 tỷ đồng. Ông Bùi Thành Nhơn nắm 70% vốn điều lệ tại mỗi công ty, tương ứng gián tiếp sở hữu khối cổ phiếu NVL trị giá khoảng 4.000 tỷ đồng.
Trước diễn biến thị trường có diễn biến hồi phục và trở lại vùng 1.242 điểm sau khi được nâng đỡ tại vùng MA(150), 1.230 điểm. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp, các công ty chứng khoán nhận định, phiên giao dịch đầu tuần (29/7), thị trường có thể tiếp tục quán tính tăng điểm về vùng 1.250 – 1.255.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, thị trường có diễn biến hồi phục và trở lại vùng 1.242 điểm sau khi được nâng đỡ tại vùng MA(150), 1.230 điểm. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp, cho thấy nguồn cung tạm thời chưa gây áp lực lên thị trường. Tuy nhiên, nhìn chung dòng tiền cũng chưa có khởi sắc mặc dù thị trường tăng điểm khá tốt.
Do vậy, theo VDSC, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trước trạng thái bất ổn của thị trường và giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn. Đồng thời vẫn cần cân nhắc những đợt hồi phục của thị trường để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Chứng khoán BIDV (BSC) thì cho rằng, trong những phiên giao dịch tới, thị trường có thể tiếp tục quán tính tăng điểm về vùng 1.250 – 1.255. Tại đây, VN-Index cần một cây nến chỉ hướng với thanh khoản ủng hộ để xác nhận đà hồi phục.
Tuấn Kiệt