Sau 10 phiên tăng điểm liên tiếp, trong đó có 4 phiên tăng trần thì cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai đã quay xe giảm kịch sàn xuống 10.300 đồng/cổ phiếu vào phiên sáng 23/10.
Gần 6 triệu cổ phiếu QCG được sang tay trong phiên sáng, hiện mã này đang dư bán gần 170.000 đơn vị.
Đà tăng gần đây của mã này diễn ra từ phiên 9/10 ở vùng giá 6.900 đồng/cổ phiếu lên 11.050 đồng/cổ phiếu vào phiên 22/10, tương ứng tăng 4.150 đồng/cổ phiếu (60%) sau 10 phiên.
Đáng nói, đà tăng mạnh của cổ phiếu QCG diễn ra trong thời gian VN-Index liên tục điều chỉnh khi gặp áp lực trước mốc 1.300 điểm.
Điều này khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ hơn khi phía Quốc Cường Gia Lai không có tin tức hay công bố nào đáng chú ý liên quan đến doanh nghiệp nghiệp hay hoạt động kinh doanh.
Thậm chí, vào cuối tháng 8/2024, HoSE đã đưa cổ phiếu QCG vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024 là số âm.
Trước đó, cổ phiếu QCG từng có giai đoạn tăng nóng từ vùng đáy tháng 2/2024 tại vùng 8.250 đồng/cổ phiếu lên đỉnh tháng 4/2024 tại 18.800 đồng/cổ phiếu (tăng 128%) sau đó liên tục sụt giảm đến hiện tại.
Giá cổ phiếu giảm sâu cũng khiến vốn hóa của doanh nghiệp bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng so với vùng đỉnh, giảm xuống còn gần 2.350 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 19 - 26/7, cổ phiếu QCG đã chứng kiến 6 phiên giảm sàn liên tiếp khi bà Nguyễn Thị Như Loan bị khởi tố và tạm giam ngày 18/7 về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bà Loan có dấu hiệu thông đồng với Lê Y Linh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Retro Harvest Finance và Đặng Phước Dừa - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư thương mại Việt Tín và các cá nhân thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa ký kết các văn bản thỏa thuận, hợp tác đầu tư.
Sau đó, bà Loan chuyển nhượng vốn góp để thâu tóm 100%, vốn góp tại khu đất từ Tập đoàn Cao su Việt Nam không qua đấu giá, trái quy định của pháp luật để bán cho Công ty Cổ phần Bất động sản Thịnh Vượng gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 diễn ra vào chiều 5/8, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Người phát ngôn Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Sau khi vướng vào lao lý, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Quốc Cường Gia Lai đã thông qua miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT đối với bà Nguyễn Thị Như Loan.
Đồng thời, bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Cường (con trai bà Loan) giữ vị trí Thành viên HĐQT công ty nhiệm kỳ 2022-2027 thay thế. Ông Cường sinh năm 1982 là con trai ruột của bà Nguyễn Thị Như Loan. Ông có trình độ Cử nhân Quản trị Kinh doanh, còn được biết đến với biệt danh Cường Đô La.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Cường cũng được làm người đại diện theo pháp luật của công ty và bổ nhiệm kiêm chức danh Tổng Giám đốc tại Quốc Cường Gia Lai.
Bà Loan chính là cổ đông lớn nhất tại Quốc Cường Gia Lai với tỉ lệ sở hữu hơn 37% vốn điều lệ, tương ứng gần 102 triệu cổ phiếu QCG. Tạm tính theo thị giá hiện tại, tài sản cá nhân bà Loan khoảng hơn 870 tỷ đồng.
Không chỉ bà Loan, người thân của vị lãnh đạo này cũng trực tiếp sở hữu rất nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp.
Trong đó, con trai bà Nguyễn Thị Như Loan là ông Nguyễn Quốc Cường sở hữu 537.500 cổ phiếu QCG và con gái Nguyễn Thị Ngọc My sở hữu 39,384 triệu cổ phiếu QCG. Ông Lầu Đức Duy – con rể của bà Loan cũng đang sở hữu hơn 10,5 triệu cổ phiếu QCG.
Bên cạnh đó, 2 người em gái và 3 người em rể của bà Loan là các cá nhân bao gồm bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Thị Bích Thuỷ và các ông Lưu Đình Phát, Hồ Viết Mạnh, Nguyễn Văn Huệ cũng đang nắm giữ tới hơn 13,3 triệu cổ phiếu QCG.
Như vậy, tổng sở hữu của bà Nguyễn Thị Như Loan và những người có liên quan tại Quốc Cường Gia Lai chiếm tới hơn 60% vốn điều lệ doanh nghiệp, tương ứng 165,68 triệu cổ phiếu QCG.