Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay (3/7) lại có một phiên giao dịch khiến nhà đầu tư nản lòng. Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sàn, như VIC (Vingroup), CTG (Vietinbank), BID (BIDV)... đã đẩy các chỉ số thị trường lao dốc.
Đáng lưu ý có cổ phiếu PNJ của công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giảm sâu xuống mức 76.000 đồng/cổ phiếu vào cuối phiên buổi chiều.
Bên ngoài các lý do thuộc về yếu tố thị trường, nhiều chuyên gia nhận định, việc cổ phiếu PNJ rơi tự do từ mức 180.000 đồng (thời điểm đầu tháng 6/2018) xuống mức 76.000 đồng hôm nay đã lộ rõ phản ứng của thị trường trước những thông tin bất lợi về PNJ gần đây.
Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch hôm 6/6, cổ phiếu PNJ niêm yết ở mức giá 184,900 đồng/cổ phiếu. Những ngày sau đó cho đến 11/6 cổ phiếu PNJ vẫn còn neo ở mức thị giá 172.000 – 173.000 đồng/cổ phiếu.
Vào ngày 11/6, PNJ thông báo bà Nguyễn Thị Cúc – Ủy viên HĐQT từ nhiệm vì lý do cá nhân. Và ngay hôm sau (12/6), bà Nguyễn Thị Cúc đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an (C46) ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 bộ luật Hình sự năm 2015.
Được biết, đây là quyết định điều tra mở rộng vụ án Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank). Trong vụ án này, bà Cúc được nhắc đến với vai trò nguyên Trưởng ban kiểm soát của DongABank.
Ngay sau đó, PNJ đã phát đi bản công bố thông tin trấn an cổ đông. Chủ tịch PNJ, bà Cao Thị Ngọc Dung, cho biết bà Cúc đã không còn tham gia điều hành PNJ. Cụ thể, bà Cúc đã không còn giữ vị trí Phó Tổng giám đốc công ty từ 31/5/2017 và sau đó với vai trò là thành viên HĐQT, việc bà Cúc từ nhiệm không làm ảnh hưởng đến công ty cũng như HĐQT PNJ.
Tuy vậy, sau thông tin trấn an nói trên, cổ phiếu PNJ trên thị trường chứng khoán tiếp tục giảm, bất chấp tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang trên đà khởi sắc.
Chốt phiên chiều 13/6, giá cổ phiếu PNJ đã điều chỉnh giảm 7% về mức 174.500 đồng/cổ phiếu. Những ngày sau đó tình hình càng tệ hơn khi giá cổ phiếu rơi tự do xuống mức 119.000 đồng (hôm 14/6), 113,000 đồng (hôm 18/6), 103.000 đồng (hôm 21/6), và mất mốc rớt xuống hàng chục nghìn kể từ hôm 27/6 còn 97.000 đồng/cổ phiếu và đến hôm nay (3/7) còn 76.000 đồng/cổ phiếu.
Căn cứ số cổ phiếu bà Cao Thị Ngọc Dung đang nắm giữ (đến thời điểm 31/12/2017) là 9.966.714 cổ phiếu (tỷ lệ hơn 9,2% vốn điều lệ PNJ) thì nữ tướng PNJ đã bị “bốc hơi” tài sản hơn 1.000 tỷ đồng, hiện còn khoảng 757 tỷ đồng (so với con số hơn 1.844 tỷ đồng hồi đầu tháng)
Ông Trần Phương Bình, cựu Tổng Giám đốc ngân hàng Đông Á, đồng thời là chồng bà Cao Thị Ngọc Dung không sở hữu cổ phần nào tại PNJ. Tuy nhiên hai con gái của ông Bình bà Dung là Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Thảo hiện đang nắm giữ hơn 6 triệu cổ phiếu PNJ (khoảng hơn 5,5%) do đó cũng bị thiệt hại khoảng 600 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2017, bà Ngô Thị Cúc vẫn còn nắm giữ hơn 942.000 cổ phiếu PNN (tỷ lệ 0,8%), như vậy bà Cúc cũng bị “bốc hơi” khoảng gần 100 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu của PNJ đang khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang bởi thực chất, tình hình kinh doanh của PNJ được ghi nhận là đang trên đà tăng trưởng rất mạnh.
Năm 2017, doanh thu của PNJ đạt 11.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 724 tỷ đồng, tương ứng mức tăng lần lượt là 28% và 61%.
Trong đó, doanh thu mảng bán lẻ trang sức tăng gần 39%, chiếm hơn một nửa cơ cấu doanh thu, là động lực tăng trưởng chính.
Tính đến cuối năm 2017, PNJ sở hữu 269 cửa hàng, trở thành công ty có hệ thống cửa hàng nữ trang quy mô lớn nhất Việt Nam và nằm trong tốp 3 nhà bán lẻ châu Á do tạp chí chuyên ngành nữ trang thế giới Jewelry News Asia bình chọn.
5 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu công ty đạt khoảng 6.489 tỷ đồng, tăng 34% cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ chiếm 73%, tăng 36% cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 580 tỷ đồng, hoàn thành 53% kế hoạch năm.
Trong một diễn biến khác, tại đại hội cổ đông hôm 21/4/2018 đã xảy ra một cuộc chuyển giao quyền lực đáng chú ý trong nội bộ PNJ. Bà Cao Thị Ngọc Dung, sau 14 năm điều hành trực tiếp PNJ đã quyết định nhường ghế tổng giám đốc cho một người mà bà nghĩ có thể tạo ra “cú nổ lớn” (big bang) cho PNJ sau năm 2020.
Đó là ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch hội đồng quản trị PNJ. Đáng lưu ý, ông Thông từng là Phó Tổng giám đốc thường trực ngân hàng Đông Á từ năm 2008 đến năm 2013, trong thời kỳ ông Trần Phương Bình – chồng bà Cao Thị Ngọc Dung - là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Tuy nhiên hiện tại ông Thông không nắm giữ cổ phần nào tại PNJ.