Cụ thể, tại phiên giao dịch hôm qua 23/2, thị giá SJG đang được ghi nhận ở mức 9.300 đồng/cổ phiếu. Tuy đã nhích lên một điểm so với giá tham chiếu phiên trước đó song vẫn là mức “thảm” so với mức 11.100 hôm chào sàn, thậm chí còn thấp hơn mệnh giá.
Trước đó, ngày 12/2/2018, 669.300 cổ phiếu SJG của Tổng công ty Sông Đà với giá trị giao dịch gần 6,7 tỷ đồng chính thức được giao dịch trên thị trường UPCoM.
Trong vòng 10 ngày qua, thị trường chứng khoán ghi nhận thanh khoản giao dịch cổ phiếu SJG khá ít so với lượng cổ phiếu giao dịch. Hai phiên sau đó, chỉ 16.000 cp SJG được giao dịch, chiếm 2% lượng cổ phiếu trên thị trường của doanh nghiệp này.
Trước đó, tổng công ty Sông Đà cũng đã tổ chức chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng hơn 219,6 triệu cổ phần, tương đương 48,82% vốn điều lệ sau cổ phần hóa qua Sở GDCK Hà Nội vào ngày 25/12/2017. Tuy nhiên phiên chào bán đã không đạt được thành công như mong đợi.
Cụ thể, trong tổng số gần 220 triệu cổ phần rao bán, chỉ có 790.900 cổ phần được bán thành công, tương đương 0,35% lượng chào bán với giá trúng bình quân là 11.159 đồng/cp.
Tổng công ty Sông Đà là một doanh nghiệp lớn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng các công trình thủy điện, thi công công trình ngầm, các dự án công nghiệp...
Một số công trình lớn do DN này thực hiện có thể kể đến như Thủy điện Sơn La (2.400MW), thủy điện Hòa Bình (1920MW), thủy điện Lai Châu, nhà máy Xi măng Hạ Long, Xi măng Bút Sơn, nhà máy Giấy Bãi Bằng, các dự án giao thông như đường cao tốc Láng Hòa Lạc, đường Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, hầm đường bộ Hải Vân, hầm đường bộ Đèo Ngang,…
Về tình hình kinh doanh, căn cứ kết quả báo cáo hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 (năm tài chính của tổng công ty Sông Đà kết thúc ngày 30/6/2017), doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của tổng công ty là 811 tỷ đồng, giảm khoảng 40% so cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, sau khi trừ đi giá vốn hàng bán và các khoản chi phí, lợi nhuận DN chỉ còn khoảng 18 tỷ đồng.