Trái ngược với diễn biến thị trường chung những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu TTL của Tổng Công ty Thăng Long – CTCP gây ấn tượng khi tăng trần 7 phiên liên tiếp.
Kết phiên 13/12, mã này cũng dừng ở mức trần 14.900 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên trần thứ 7 liên tiếp của cổ phiếu TTL, đưa thị giá tăng gấp đôi trong hơn 1 tuần. Vốn hóa Tổng Công ty Thăng Long qua đó tăng gấp đôi lên 624 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong phiên 13/12 có tới hơn 254.000 cổ phiếu được sang tay, trong khi thanh khoản trung bình những phiên gần đây chỉ khoảng 6.000 đơn vị mỗi phiên. Mã này cũng ghi nhận dư mua gần 160.000 đơn vị và trắng bên bán.
Tuy nhiên khi giải trình về đà tăng này, công ty lại dùng "văn mẫu" rằng: Việc cổ phiếu TTL tăng giá là diễn biến khách quan theo cung cầu thị trường. Các quyết định giao dịch cổ phiếu TTL của nhà đầu tư không nằm trong phạm vi kiểm soát của tổng công ty.

Diễn biến thị giá cổ phiếu TTL.
TCT Thăng Long khẳng định mọi hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có gì biến động. Công ty cũng không có có bất kỳ tác động nào gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Thực tế, đà tăng trần của cổ phiếu TTL diễn ra sau thông tin Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ tổ chức phiên đấu giá bán 10,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 25,05% vốn TTL vào ngày 26/12.
Giá khởi điểm cả lô là hơn 222,6 tỷ đồng, bình quân hơn 21.200 đồng/cổ phiếu, gấp gần 2,7 thị giá phiên ngày 4/12.
Theo quy định đấu giá được công bố, phương thức bán đấu giá công khai cả lô cổ phần. Bước giá là 1 triệu đồng/lô cổ phần. Tỉ lệ đặt cọc của nhà đầu tư tham gia dự đấu giá công khai cả lô là 10% giá trị lô cổ phần theo giá khởi điểm, tức hơn 22,2 tỷ đồng.
Thời gian, địa điểm đăng ký và nộp tiền đặt cọc đến chậm nhất 15h30 ngày 19/12/2024 tại các Đại lý đấu giá do HNX công bố. Thời gian, địa điểm nộp Phiếu tham dự đấu giá: Chậm nhất 16 giờ ngày 24/12/2024 tại các Đại lý đấu giá nơi nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký và nộp tiền đặt cọc. Phiên đấu giá được tổ chức ngày 26/12/2024 tại trụ sở HNX.

Dự án đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do Tổng Công ty Thăng Long xây dựng.
TCT Thăng Long tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng các công trình hạ tầng giao thông. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Việt Hà - Tổng Giám đốc công ty.
Vốn điều lệ TTL hiện hơn 419 tỷ đồng, có 2 cổ đông lớn gồm Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (UPCoM: BHI) nắm giữ 50,1% vốn và SCIC nắm 25,05%.
Công trình đầu tiên là xây dựng cầu Thăng Long (1973-1985) - cây cầu lớn nhất thời bấy giờ với quy mô 2 tầng, gồm tầng dưới là đường sắt và đường bộ, tầng trên là đường ô tô rộng 23m với tổng chiều dài toàn cầu trên 10km.
Kể từ ngày phê duyệt trên mạng đấu thầu quốc gia (25/8/2014) đến nay, Tổng công ty Thăng Long đã tham gia đấu và trúng tới 42 gói thầu, tổng giá trị trúng thầu hơn 21.085 tỷ đồng.
Trong đó, tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập hơn 1.264 tỷ đồng và tổng giá trị trúng thầu với vai trò liên danh hơn 19.821 tỷ đồng.
Một số công trình Tổng Công ty Thăng Long đã xây dựng gồm đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Quốc lộ 3, các nút giao cầu vượt thép tại Tp.Hà Nội và Tp.HCM, cầu Vĩnh Tuy, dự án BOT Cầu Yên Lệnh, dự án BOT Đường 188,…
Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2024, Tổng Công ty Thăng Long ghi nhận hơn 1.364 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu cùng với chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao khiến lãi sau thuế công ty giảm hơn 75% về gần 4 tỷ đồng.