Nguyễn Quang Đạt (21 tuổi, quê Hà Nội) hiện đang làm phi công cho hãng hàng không Jetstar Pacific với vị trí cơ phó. Đạt bắt đầu công việc này từ năm 2011, sau khi hoàn tất chương trình học 2 năm của hãng Jetstar Pacific.
Vì cơ hội chỉ đến một lần
Vẻ bề ngoài điển trai, nụ cười tươi tắn, Nguyễn Quang Đạt còn là một bí thư năng nổ của trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Đơt thi đại học năm 2009, Đạt chọn thi vào khoa kinh tế đối ngoại, ĐH Ngoại Thương Hà Nội, vì đó là ngành khó vào và tốt nhất của trường. Mục đích là thử sức và anh chàng bí thư đã đậu.
Tuy nhiên, ngay trước kỳ thi đại học, Đạt tình cờ biết được Jetstar Pacific đang tuyển học viên để tham gia vào khóa học phi công. Thi tuyển để tham gia học hay không? Câu hỏi khiến Đạt phải suy nghĩ rất nhiều. Chàng trai đất Hà thành nhớ lại: “Thời điểm đó mình thực sự rất đắn đo vì mình đã bỏ rất nhiều công sức để ôn luyện cho kỳ thi đại học. Trước đó mình cũng đã nghĩ đến việc sẽ theo đuổi ngành phi công nhưng là sau khi đã tốt nghiệp đại học”.
Cuối cùng, với suy nghĩ dù sao cũng tốt hơn nếu bản thân có nhiều lựa chọn cho tương lai Đạt quyết định tham gia thi tuyển. Sau khi Đạt nhận giấy báo đỗ đại học một thời gian thì cũng là lúc có thông báo trúng tuyển từ Jetstar Pacific. Cậu lắng nghe nhiều lời khuyên, đặc biệt từ gia đình. Bố mẹ Đạt cho rằng cơ hội chỉ đến một lần, nếu không chớp lấy thì không bao giờ có được nữa. Còn việc học và kiến thức thì có thể còn tiếp tục học cả đời. “Chính vì lẽ đó mình quyết định không tiếp tục học Ngoại thương và chuẩn bị lên đường đi New Zealand học lái máy bay”, Quang Đạt cho biết.
Lý giải lý do sẵn sàng từ bỏ kinh tế chuyển sang phi công, Đạt nói: “Có lẽ là với đa phần con trai, được bay lượn tự do trên bầu trời, được điều khiển một cỗ máy hiện đại với trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hàng trăm hành khách là một điều gì đó cực kỳ hấp dẫn và mình cũng vậy”. Và rồi Đạt “mang chuông đi đánh xứ người” để được thỏa ước mơ bay lượn trên bầu trời và vì cơ hội chỉ đến một lần.
Bốn tháng khó khăn nhưng khó quên
Địa điểm đầu tiên trong khóa học là thành phố Hamilton của New Zealand. Đây là nơi Đạt được học những kiến thức cơ bản về máy bay và bay thật. Loại máy bay đầu tiên của Đạt tập lái là Diamond 20 và sau đó là Diamond 42. Những kỹ năng cất cánh, hạ cánh, xử lý tình huống khẩn cấp, những lý thuyết về khí động học, khí tượng, luật hàng không… đều được giảng dạy trong 1 năm 3 tháng ở Hamilton.
Sau đó, Đạt chuyển sang cơ sở chính của trường tại Southampton (Anh). Trong 2 tháng ở đây Đạt được học lái chiếc máy bay Airbus 320, dân dụng phổ biến trên thế giới. Kể về quá trình học ở xứ người, Đạt chia sẻ: “Mình có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, vui nhất là những chuyến bay lấy giờ kinh nghiệm. Những lần đó mấy anh em cùng khóa thường rủ nhau bay đến một thành phố khác để ăn trưa, chụp hình rồi lại lên máy bay bay về nhà. Cảm giác rất là tự do”.
Sau đó, Đạt quay về lại TP.HCM để học khóa cuối cùng trong 4 tháng. Với Đạt, quãng thời gian này thực sự quan trọng, quyết định thành bại của cả một khóa học. Trong 4 tháng, cậu sẽ ứng dụng tất cả những gì mình đã học, nhất là ở Southampton vào việc điều khiển một chuyến bay thật với các hành khách và các thành viên phi hành đoàn khác.
“Thực sự khoảng thời gian này rất khó khăn vì lượng kiến thức thực tế rất lớn và cũng khá áp lực”, Đạt nói. Và nhờ kinh nghiệm, sự chỉ dẫn của các thầy- những người giờ còn là đồng nghiệp, mà chàng phi công 9X cũng hoàn thành một cách suôn sẻ.
Chia sẻ về điều đáng nhớ nhất trong thời gian học, Đạt nói sẽ không bao giờ quên ngày 11/9/2011- ngày mà Đạt có chuyến bay đầu tiên trên Airbus 320. Chàng phi công bồi hồi kể lại cảm giác khó quên ấy: “Đó là chuyến bay từ TP.HCM đi Hà Nội. Khi lần đầu điều khiển A320, thực sự mình hơi ngợp vì nó quá lớn so với những chiếc máy bay mình từng bay. Mình cảm thấy có trọng trách với những người ngồi phía sau mình. Và lần hạ cánh đầu tiên chính là ở sân bay Nội Bài, Hà Nội. Đó cũng là nơi mình sinh ra và lớn lên nên càng có ý nghĩa”.
Quay lại Ngoại thương học tiếp
Hiện tại, Đạt đang làm cơ phó trên tất cả các đường bay của Jetstar Pacific, ở những sân bay nội địa như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng … và tương lai là các sân bay quốc tế lân cận.
Chia sẻ về những trải nghiệm đầu đời trong nghề, Đạt cho rằng: “Trong nghề này dường như mỗi ngày, mỗi chuyến bay đều mới mẻ, có những sự cố để mình học hỏi. Nhiều nhất có lẽ là thời tiết tại các sân bay Việt Nam. Ví dụ như mùa mưa với mưa giông, gió giật hay mùa đông tại miền Bắc với sương mù rất khó để nhìn thấy đường băng để hạ cánh. Khi ấy rất cần sự bình tĩnh, khéo léo và kiến thức của các phi công”.
Song song với việc làm, Đạt cũng đã quay trở lại ĐH Ngoại Thương để tiếp tục chương trình học. Cùng lúc cả hai việc khiến Đạt khó sắp xếp thời gian, nhưng sẽ cố gắng có được bằng đại học vào năm 2015.
“Dự định sắp tới của mình là tiếp tục học hỏi để khi tích lũy đủ giờ bay và nếu công ty có đợt tuyển thì mình sẽ thi lên vị trí cơ trưởng – người chịu trách nhiệm cao nhất của mỗi chuyến bay”, chàng phi công 9X chia sẻ.
Theo Tri Thức