Liên quan đến bài viết “Xót xa chợ tiền tỷ thành nơi nuôi gà, nuôi ong, bỏ rơm...” mà Người Đưa Tin đã đăng tải, sáng 27/12, ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông ký văn bản trả lời các nội dung báo chí phản ánh về chợ nông thôn Đắk N’Drót (xã Đắk N’Drót, huyện Đắk Mil).
Về nội dung phản ánh chợ Đắk N’Drót được xây dựng hơn 1 tỷ đồng rồi bỏ hoang, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết, sau khi chợ Đắk N’Drót đi vào hoạt động thì UBND xã Đắk N’Drót đã chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, cơ quan, đơn vị có liên quan của huyện đã tổ chức và vận động được khoảng 60-70 hộ kinh doanh, buôn bán tại nhà vào hoạt động kinh doanh ổn định tại chợ.
Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, buôn bán tại chợ không được thuận lợi, hiệu quả như buôn bán tại nhà. Đồng thời, một phần do tâm lý của người tiêu dùng không muốn vào chợ để mua hàng hoá, do đó các hộ tiểu thương chuyển về kinh doanh tại nhà.
Đối với tình trạng người dân, các hộ tiểu thương lấn chiếm lòng lề đường hành lang an toàn giao thông buôn bán gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, lãnh đạo UBND huyện Đắk Mil thông tin, UBND xã Đắk N’Drót đã nhiều lần kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan, phối hợp với UBND xã Đắk N’Drót tổ chức kiểm tra làm rõ xử lý nghiêm để khắc phục các tồn tại như phản ánh của báo chí.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho rằng, để tồn tại các nội dung trên, trách nhiệm trước tiên thuộc về UBND xã Đắk N’Drót (về quản lý nhà nước tại địa phương). Thời gian tới, UBND huyện Đắk Mil sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Việc người dân, tiểu thương lấy lý do buôn bán trên vỉa hè tại nhà thì không phải đóng thuế để không vào chợ buôn bán, ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil khẳng định: “Tất cả các hộ kinh doanh, buôn bán tại nhà nêu trên đều thực hiện việc nộp thuế theo quy định.
Cụ thể, trên địa bàn xã Đắk N’Drót có 61 hộ buôn bán, kinh doanh tại nhà, trong đó có 58 hộ nộp thuế khoán và 3 hộ thu nhập thấp. Chi cục Thuế khu vực Đắk Mil – Đắk Song đã quản lý 100% các hộ kinh doanh nêu trên đúng theo quy định của Luật quản lý thuế và quy trình hướng dẫn của ngành thuế”.
Cũng tại văn bản phản hồi, ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, UBND huyện Đắk Mil sẽ chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan phối hợp với chính quyền xã Đắk N’Drót, tổ chức kiểm tra, giải toả và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với việc người dân và các hộ tiểu thương lấn chiếm hành lang lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra và làm việc với nhà đầu tư chợ Đắk N’Drót, bố trí, sắp xếp các vị trí, quầy hàng phù hợp để vận động và đưa các hộ tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán tại nhà vào kinh doanh tại chợ theo quy định (nếu chợ đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Nếu chợ chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật thì hướng dẫn cho nhà đầu tư thực hiện đầy đủ các quy định để sớm ổn định và đưa chợ vào hoạt động”.
Như Người Đưa Tin đã phản ánh, để tạo điều kiện cho các hộ dân có chỗ kinh doanh, buôn bán, trao đổi hàng hóa, ngày 7/6/2018, UBND xã Đắk N’Drót, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã văn bản gửi UBND huyện Đắk Mil và Phòng Kinh tế - Hạ tầng đề nghị cho phép đầu tư xây dựng chợ nông thông trên địa bàn xã Đắk N’Drót.
Trên cơ sở đề nghị của chính quyền cơ sở, tháng 11/2018, UBND huyện Đắk Mil đã có văn bản đồng ý cấp giấy phép xây dựng chợ nông thôn xã Đắk N’Drót gồm: 233m2 khối nhà phụ trợ; 273,6m2 khu kinh doanh dịch vụ; hơn 500m2 khu kinh doanh hàng hoá; 600m2 nhà chợ lồng; 24m2 nhà xệ sinh và sân, cổng, hàng rào...
Thấu hiểu nhu cầu cấp thiết của việc xây dựng chợ, gia đình ông Lê Văn Thuyên, SN 1960, trú tại thôn 4, xã Đắk N’Drót đã sử dụng gần 4 sào đất của gia đình mình tại thôn 4, cách trụ sở UBND xã chưa đầy 1km để phục vụ xây dựng chợ.
Đồng thời, gia đình ông Thuyên cũng bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để xây dựng chợ và làm đường bê tông vào chợ với mong muốn phục vụ phát triển kinh tế cho người dân và địa phương. Đặc biệt, nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Theo thông tin từ ông Thuyên, sau khi hoàn thành, chợ nông thôn xã Đắk N’Drót có 60 tiểu thương đăng ký vào buôn bán. Thế nhưng, chỉ sau 2 tháng đi vào hoạt động, các tiểu thương rời khỏi chợ nông thôn Đắk N’Drót, di chuyển lên trục đường chính của xã (cách chợ chưa đầy 100m) để tiếp tục buôn bán như trước đây.
Dẫn đến tình trạng này, ông Thuyên cho hay: “Sau thời gian đi vào hoạt động, cơ quan thuế của huyện Đắk Mil xuống yêu cầu các tiểu thương đóng thuế kinh doanh, thuế môn bài theo quy định. Lúc này, các tiểu thương đã di chuyển về trước nhà mình hoặc thuê mặt bằng trên trục đường chính của xã buôn bán để không mất tiền thuế”.
Trước tình hình trên, vào ngày 15/5/2021, UBND xã Đắk N’Drót đã có văn bản gửi chi bộ, ban tự quản thôn, buôn trên địa bàn thực hiện kế hoạch tổ chức họp chợ.
Theo đó, UBND xã Đắk N’DRót giao cho Ban quản lý chợ tổ chức quản lý chợ, dọn vệ sinh môi trường đúng theo quy định, không để làm mất cảnh quan gây ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, phòng chống cháy nổ theo quy định. Đồng thời, đề nghị các tiểu thương, hộ gia đình có nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa thì ban quản lý sắp xếp ki ốt tạo điều kiện.
Ngoài ra, UBND xã giao Ban An toàn giao thông xã, ban tự quản thôn 4 hướng dẫn bà con nhân dân tập trung vào chợ mua bán, trao đổi hàng hóa theo quy định...
Thế nhưng, đến nay, các tiểu thương vẫn không quay lại chợ Đắk N’Drót để buôn bán khiến khu chợ tiền tỷ bị bỏ hoang, trở thành nơi để rơm, nuôi ong mật, nuôi gà, phơi bắp...
Trong khi đó, việc người dân buôn bán hai bên trục đường chính của xã đã tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Theo đó, nhiều tiểu thương buôn bán trên lề đường. Bên cạnh đó, không ít người dân đậu, đỗ xe ngay giữa lòng, lề đường để vào mua hàng khiến cho việc lưu thông của các phương tiện khi qua đoạn đường này bị cản trở, gây nguy cơ mất an toàn giao thông.
Không chỉ vậy, trong quá trình buôn bán, nhiều người vô tư xúc rửa, đổ nước thải tràn lan ra đường mỗi ngày, dẫn đến bốc mùi hôi khó chịu.
Khánh Ngọc