Cơ quan sử dụng người trốn truy nã phải xử lý ra sao?

Cơ quan sử dụng người trốn truy nã phải xử lý ra sao?

Nguyễn Thị Hường

Nguyễn Thị Hường

Thứ 4, 11/10/2017 08:16

“Nếu cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ không được tính, dù bao nhiêu năm sau bắt được đối tượng cũng sẽ bị xử lý”, luật sư phân tích.

Liên quan đến sự việc đối tượng bị truy nã 18 năm là Vũ Thái Quảng (SN 1974, trú tại xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) ra đầu thú sau một thời gian làm... phóng viên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích:

“Theo quy định, nếu cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ không được tính, dù bao nhiêu năm sau bắt được đối tượng cũng sẽ bị xử lý”.

Pháp luật - Cơ quan sử dụng người trốn truy nã phải xử lý ra sao?

Công an TP.HCM truy nã Vũ Thái Quảng

Luật sư Tiến chỉ rõ: “Đối với trường hợp bị truy nã thì bất kỳ ai nếu phát hiện đối tượng cũng có thể bắt giữ để bàn giao cho công an, viện kiểm sát hoặc ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản bắt người đang bị truy nã và đưa ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Còn đối với trường hợp người bị truy nã ra đầu thú tại các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội thì các đơn vị này phải báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất biết để cử người đến tiếp nhận và lập biên bản về việc người bị truy nã ra đầu thú.

Trường hợp người bị truy nã ra đầu thú tại cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc ủy ban nhân dân các cấp thì các cơ quan này phải lập biên bản về việc người bị truy nã ra đầu thú và giải ngay người đó đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Người phạm tội bị truy nã ra đầu thú thì được xem xét là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định.

Sau khi bắt giữ đối tượng truy nã hoặc đối tượng bị truy nã đã ra đầu thú thì cơ quan điều tra – nơi ra quyết định truy nã trước đây sẽ phải ra quyết định đình nã.

Xét tính chất, mức độ của vụ án và các tình tiết cụ thể liên quan đến người bị truy nã ra đầu thú, cơ quan điều tra có thể tạm giam hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn trong quá trình điều tra”.

Cũng theo luật sư Tiến: Đối với cơ quan sử dụng đối tượng bị truy nã, nếu họ không biết về việc đối tượng bị truy nã thì không ai phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi che giấu tội phạm.

Theo quy định chung của pháp luật khi đi xin việc, nếu không phải hồ sơ vào một số ngành như công an, quân đội… thì không phải xuất trình lý lịch tư pháp. Trong lý lịch tư pháp có ghi về tiền án, tiền sự thì mới biết anh có bị truy nã hay không.

Pháp luật - Cơ quan sử dụng người trốn truy nã phải xử lý ra sao? (Hình 2).

Quyết định truy nã

Còn với các sơ yếu lý lịch thông thường khi đi xin việc, địa phương chỉ xác nhận anh A có hộ khẩu ở địa phương và xác nhận chữ ký thôi”.

Như tin đã đưa, chiều ngày 10/10, PV báo Người Đưa Tin đã làm việc trực tiếp với Đại tá Trần Văn Minh, Trưởng phòng PC52, Công an tỉnh Nghệ An. Ông Minh khẳng định:

“Tối 9/10, PC52 Công an Nghệ An đã có biên bản bàn giao đối tượng Quảng cho 2 điều tra viên thuộc PC45 Công an TP.Hồ Chí Minh ngay tại Nghệ An”.

Hiện, việc giải quyết, xử lý (cho tại ngoại hay tạm giam - PV) như thế nào là thuộc thẩm quyền CQĐT Công an TP.Hồ Chí Minh, ông Minh cho biết như vậy.

Được biết, Quảng bị truy nã về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội. Lúc đó các đối tượng liên quan đã bị xử lý, riêng Quảng bị truy nã.

C.Công

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.