Dấu chân và cái chuôi dao
Liên quan sự việc trên, PV báo Người đưa tin tìm gặp LS Nguyễn Đức Biền, người từng tham gia bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Chấn tại 2 phiên toà xét xử vụ án giết người. Không giấu nổi niềm vui và nỗi xúc động, LS Biền cho biết, đó là một vụ án khiến ông băn khoăn và trăn trở rất nhiều. Nếu như không có bố là liệt sỹ để hưởng tình tiết giảm nhẹ thì rất có thể ông Chấn đã chẳng còn cơ hội để được minh oan bởi khung hình phạt cao nhất của ông Chấn là tử hình.
Trở lại vụ án của hơn 10 năm trước, ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên - Bắc Giang chấn động bởi một vụ án giết người. Chị Nguyễn Thị H. bị sát hại với nhiều thương tích ở đầu, mặt, bụng... Sau khi thu thập chứng cứ tại hiện trường và qua quá trình điều tra, cơ quan CSĐT công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định bắt giữ Nguyễn Thanh Chấn trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung và sau đó không lâu TAND tỉnh Bắc Giang tuyên bố ông Chấn phạm tội giết người và tuyên phạt án chung thân.
Ông Nguyễn Thanh Chấn được tạm tha sau 10 năm ngồi tù.
LS Biền cho biết, ông Chấn có bố là liệt sỹ, thuộc diện đối tượng chính sách được trợ giúp pháp lý, nhưng gia đình vốn ít hiểu biết, nên không mời luật sư. Ông Biền là người được Tòa án chỉ định để bào chữa cho bị cáo Chấn. Trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, các cơ quan tiến hành tố tụng đều kết luận Nguyễn Thanh Chấn phạm tội giết người, sau khi xem xét tình tiết giảm nhẹ nên đã áp dụng hình phạt chung thân.
LS Biền chia sẻ, ngay khi vừa tiếp cận nghiên cứu hồ sơ vụ án, ông đã thấy rằng tất cả các chứng cứ cơ quan tố tụng đưa ra buộc tội ông Chấn đều rất lỏng lẻo, chưa đủ sức thuyết phục. Tình tiết mà cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra là ngày 15/8/2003, tại thôn Me có một cuộc giao lưu bóng đá, vợ chồng ông Chấn bán quán nước tại sân vận động. Khi vợ bảo về nhà lấy nước, trên đường về, lúc ngang qua nhà chị H., Chấn nảy sinh ý định cưỡng hiếp chị này nên đã lao vào nhà để sàm sỡ. Không thực hiện được hành vi, Chấn đã giết chị H.?
Còn theo cơ quan công tố, Chấn về đi lấy nước lúc 19h, khoảng 30 phút sau thì trở lại. Nhưng theo thực nghiệm điều tra thì thời gian đi múc nước chỉ mất 15 phút (nhiều nhân chứng khai rằng "có thể" mất 30 phút) thời gian đó chỉ mang tính ước lượng. Vậy 15 phút còn lại, Chấn đi đâu, làm gì? Chỉ trong 15 phút để giết một mạng người, đó là chuyện rất vô lý.
Ngoài ra, ông Biền cho rằng, việc Chấn mô tả đồ vật trong nhà chị H. trong hồ sơ một cách thuần thục từng chiếc giường, tủ ở đâu cũng là điều dễ hiểu. Bởi giữa nhà Chấn và nhà chị H. rất gần nhau, chị H. bán hàng, nên Chấn cũng thường xuyên qua lại đó. Lập luận tình tiết này, LS Biền cho rằng đây là lời khai theo sự "chỉ dẫn" của điều tra viên.
"Riêng dấu chân của Chấn ở hiện trường mà cơ quan điều tra thu được khi ướm dấu bàn chân của Chấn lên đó thì gần vừa. Nếu là vân chân, vân tay thì kết luận này còn có cơ sở, nhưng vết bàn chân tương tự nhau khi úp vào sẽ có kích thước khá giống nhau" - LS Biền nhận xét. Theo LS Biền, đây là tình tiết chứng minh cơ quan tố tụng đã kết án Nguyễn Thanh Chấn theo cảm tính?
Thêm một tình tiết nữa là hung thủ gây án đã để lại hiện trường 1 lưỡi dao. Theo hồ sơ, sau khi gây án xong, Chấn đã cầm theo chuôi con dao về vứt tại bãi sắt vụn của nhà Thúy Phượng gần đó. Nhưng khi LS Biền trực tiếp đến nơi thì gia đình này xác nhận rằng không phát hiện ra chuôi dao ở đây (?).
LS Biền lập luận, nếu cơ quan điều tra thu được chuôi con dao mà lắp khít vào lưỡi dao thu tại hiện trường, thì không cần thêm một chứng cứ nào nữa, hoàn toàn khẳng định được Chấn là người gây án. Cũng trong thời điểm xảy ra vụ án mạng, có nhân chứng xác nhận rằng đã thấy Chấn cho người gọi nhờ một cuộc điện thoại. Bảng thu cước điện thoại của Bưu điện cũng ghi rõ cuộc gọi được thực hiện lúc hơn 19h. Đây là bằng chứng ngoại phạm khẳng định Chấn không hề phạm tội.
"Theo tôi, việc dẫn dắt sự việc của cơ quan điều tra diễn ra theo quá trình triệu tập nghi can lên để lấy lời khai, rồi thu thập chứng cứ, sau đó đưa ra xét xử, buộc tội là chưa hợp lý. Nếu thực hiện theo đúng quy trình tố tụng, thu thập lời khai của Chấn rồi so sánh với hiện trường thì có lẽ kết quả đã khác" - vị luật sư từng bảo vệ ông Nguyễn Thanh Chấn chia sẻ.
LS Nguyễn Đức Biền, người từng bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ông Chấn sẽ được bồi thường về vật chất và tinh thần
Trao đổi với PV báo Người đưa tin về vấn đề trên, Luật sư La Văn Thái, giám đốc công ty Luật TNHH Tầm nhìn & Thịnh vượng (Đoàn LS TP. Hà Nội) cho biết: "Tôi đồng tình với kết quả của Hội đồng tái thẩm đã tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Tới đây, khi chính thức được minh oan, ông Chấn sẽ được hưởng bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định, Nghị định số 16/2010/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT".
LS Thái dẫn chứng, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định, người bị xử oan có quyền yêu cầu cơ quan tố tụng đã gây oan sai phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần cho mình. Cụ thể các khoản bồi thường gồm: Thiệt hại về tài sản (tài sản của ông Chấn bị mất mát, hư hỏng, thu giữ trong quá trình tố tụng nếu có), thiệt hại về thu nhập đáng lẽ ra ông Chấn có thể làm ra được nếu không bị ngồi tù, thiệt hại về sức khỏe và quan trọng nhất là thiệt hại về tinh thần.
Theo Điều 46 Luật TNBTCNN: Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất của ông Chấn. Ông Chấn có thu nhập mà xác định được thì được bồi thường theo thu nhập thực tế bị mất. Nếu ông Chấn có thu nhập thường xuyên nhưng không ổn định thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào thu nhập trung bình trong ba tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra. Nếu ông Chấn có thu nhập không ổn định và không có cơ sở xác định cụ thể hoặc thu nhập có tính chất thời vụ thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương. Trường hợp không xác định được thu nhập trung bình thì tiền bồi thường được xác định theo mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan Nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Đối với khoản bồi thường về tinh thần, việc bồi thường áp dụng theo quy định của điều 47 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn đã bị tạm giam ngày 28/9/2003, đến ngày 4/11/2013 được trả tự do, nhẩm tính ông Chấn đã bị giam oan khoảng 3686 ngày. Theo đó, thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tù giam được tính: Mỗi ngày tù giam oan được bồi thường 3 ngày lương tối thiểu (theo mức lương tối thiểu của Nhà nước quy định tại thời điểm bồi thường). Với mức lương tối thiểu hiện nay (tháng 7/2013 - PV) là 1.150.000 đồng/tháng, tức ông Chấn chỉ có thể được bồi thường thiệt hại về tinh thần khoảng 115.000 đồng/ngày bị giam oan. Còn những ngày ông bị khởi tố, truy tố, xét xử, nhưng không bị giam sẽ được bồi thường bằng một ngày lương tối thiểu.
Luật sư Thái nói thêm: "Quy định là như vậy, nhưng thực tế thực hiện như thế nào còn tùy thuộc vào ý chí nguyện vọng của cả hai bên. Pháp luật quy định rất rõ việc bồi thường thiệt hại được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại với người bị oan; nếu không thương lượng được thì người bị oan có quyền yêu cầu toà án giải quyết. Hiện tại chưa thể khẳng định mức bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn là bao nhiêu, khi hai bên chưa có quyết định cuối cùng đó là thương lượng hay bằng bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Vì thế chúng ta vẫn phải đợi kết quả điều tra lại của các cơ quan tố tụng tối cao".
Mức bồi thường có thể lên đến tiền tỷ LS Ngô Ngọc Thủy (Trưởng văn phòng Luật sư Ngô Ngọc Thủy) cho rằng, không khó để xác định thiệt hại và đưa ra mức bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn. LS Thủy lấy ví dụ, về vật chất, một giá trị có thể quy đổi được là thu nhập của ông Chấn. Chẳng hạn, mỗi tháng, thu nhập của ông Chấn khoảng 3 triệu đồng, mỗi năm là 36 triệu đồng, mười năm là 360 triệu đồng. Ngoài ra, ông Chấn còn bị thiệt thòi về những khoản vật chất khác, về sức khỏe, tinh thần... LS Thủy ước tính, số tiền bồi thường oan sai cho ông Chấn có thể lên đến cả tỷ đồng. |
Long Nguyễn - Cao Tuân