Biểu hiện của thói cửa quyền
Dư luận đang kịch liệt lên án hành động dùng gậy golf đập vào đầu nhân viên phục vụ của vị Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Là một cán bộ lão thành, luật sư nhìn nhận thế nào về sự việc này?
Đây rõ ràng là hành động coi thường pháp luật, xúc phạm thể xác, danh dự của người lao động. Không những phải xử lý vị này về mặt Đảng, tổ chức mà còn phải truy tố trước pháp luật. Càng là cán bộ càng phải xử lý thật nghiêm để làm trong sạch đội ngũ. Dù gì đây cũng là một sự việc đáng tiếc, một cách hành xử không đáng có của một vị Tổng giám đốc doanh nghiệp Nhà nước. Xét ở góc độ nào thì hành động của vị Tổng giám đốc này cũng trái với đạo đức, ứng xử giữa con người với con người.
Luật sư Trần Quốc Thuận.
Là lãnh đạo một doanh nghiệp Nhà nước, hẳn ông ta biết rõ hành động đánh người của mình là vi phạm pháp luật. Vậy, tại sao ông ta vẫn chọn cách hành xử như vậy, thưa luật sư?
Dù là lãnh đạo đang đương chức đương quyền hay bất cứ cán bộ nào cũng vậy, văn hóa ứng xử bắt nguồn từ nền tảng hệ tư tưởng được giáo dục từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đến lúc bước vào cơ quan. Dù ở cương vị nào cũng phải giữ văn hóa ứng xử đúng mực. Càng những người lãnh đạo càng phải làm gương bởi luôn có hàng trăm, hàng nghìn con mắt nhìn vào học tập. Người ta thường nói rằng, hoạt động quản lý của người lãnh đạo là một nghệ thuật - nghệ thuật thu phục lòng người, nghệ thuật ứng xử giữa con người với con người. Và ứng xử với những người dưới quyền, trong đó có người lao động là một trong những yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu. Lý thuyết là thế nhưng trên thực tế vẫn còn những cán bộ không làm được điều đó. Nhiều khi vì cậy ta đây có quyền lực, chức vị, tiền bạc rủng rỉnh nên có thể đối xử thiếu văn hóa với cấp dưới.
Biểu hiện của thói cửa quyền, thiếu văn hóa dường như không còn là cá biệt trong đội ngũ cán bộ hiện nay, thưa luật sư?
Báo chí từng đăng tải những vụ sếp đánh nhân viên, cán bộ hành hung người dân, thầy giáo đánh nhau... Đó là những sự việc báo động. Đừng nghĩ rằng mình có quyền lực, tiền bạc mà coi thường người lao động. Cũng đừng nghĩ rằng, những người lao động, người làm thuê phải sẵn sàng phục tùng mình. Đó là cái nhìn sai trái, thiển cận.
Phải biết nhận lỗi trước nhân dân
Những cán bộ này thiếu phông văn hóa ứng xử phải chăng do họ quá cậy vào đồng tiền, thưa luật sư?
Đó cũng là một nguyên nhân. Cần phải xem xét khoản tiền mà họ kiếm được từ đâu, địa vị họ có hôm nay là do đâu. Dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi, những cán bộ trên có được vị trí này là nhờ tài năng hay bằng con đường chạy chọt? Với một cán bộ được đào tạo, giáo dục đầy đủ về văn hóa ứng xử, tôi nghĩ họ sẽ không hành động như vậy. Được biết, cũng trong khoảng thời gian vừa rồi, dư luận xôn xao trước việc cảnh sát giao thông bắn nhau khiến một chiến sỹ tử vong. Rồi hàng loạt những sự việc liên quan đến đạo đức cán bộ, công chức. Rõ ràng, một bộ phận cán bộ công chức đang có biểu hiện thoái hóa biến chất, bị thói cửa quyền, hách dịch chi phối. Nhiều khi quá cậy đồng tiền mà quên đi truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Nhiều ý kiến cho rằng, làm lãnh đạo đã khó, để trở thành một cán bộ tốt trong mắt nhân viên và nhân dân càng khó hơn. Theo luật sư, cán bộ công chức cần làm gì để đạt được điều đó?
Quan chức cũng từ công chức mà lên. Và công chức từ công dân mà lên. Dù ở địa vị nào cũng phải biết rằng, họ luôn luôn là công dân. Do đó, đạo đức quan chức trước hết và xuyên suốt là đạo "làm người". Làm quan chức là làm người có trình độ và đạo đức cao nhưng vẫn trên cái nền "làm người". Mất tư cách làm người là mất tất cả. Quan chức, nhất là quan chức lãnh đạo chủ chốt mà tha hóa về đạo đức sẽ gây những hệ lụy khôn lường. Bên cạnh đó, một khía cạnh cực kỳ quan trọng trong văn hóa của cán bộ đó là phải biết chịu trách nhiệm trước nhân dân. Lời nói phải đi đôi với việc làm. Nếu nói mà không làm, nói hay làm dở, nói nhiều làm ít thì phải chịu trách nhiệm trước nhân dân bằng cách xin lỗi nhân dân, chịu các hình thức kỷ luật, thậm chí nếu còn chút liêm sỉ thì xin từ chức.
Trân trọng cảm ơn luật sư!
Đức - Khê