"Quây" khách và sẵn sàng tung những lời tục tĩu
Chỉ cần thoáng thấy bóng người chạy xe chầm chậm, hay đỗ xe định tiến vào nhà sách để mua đồ là gần chục người (gồm phụ nữ và thanh niên) môi giới sách giáo khoa trước cửa nhà sách và thiết bị trường học trên phố Lý Thường Kiệt xông tới, bủa vây bằng vô vàn các câu mời chào ngọt như mía lùi, rằng "em ơi, em muốn mua sách à, định mua sách gì, chị lấy cho?", "em cần sách gì, nhiều loại sách trong nhà sách hết rồi, chỉ có bọn chị mới có, em nói đi, chị chỉ xin vài nghìn tiền công thôi!"...
Cò sách giáo khoa đang chèo khéo khách giữa Thủ đô.
Tuy nhiên, nếu không mua, ngay lập tức bạn sẽ nhận được một trận mưa những ngôn từ tục tĩnhư: “Không mua còn đỗ lại làm đéo gì”, “Mất thời gian của bà", "biến con mẹ mày đi!", "ăn mặc đẹp mà có mấy đồng tiền công cũng keo!"…
Cò sách không đem sách theo bên mình, nếu thỏa thuận thành công các "cò" sẽ chạy về “căn cứ địa” và chỉ vài phút sau mang về các loại sách theo yêu cầu. Giá các “cò” đưa ra thường đắt gấp 2-3, thậm trí là 4 lần so với giá niêm yết.
Đếm sơ sơ bên ngoài cửa hàng sách này, đã có tới hơn 10 “cò” cả nam lẫn nữ làm cho việc mua bán hết sức lộn xộn. Khi các xe ôtô, xe máy dừng lại bên ngoài cửa hàng sách là lập tức 5-6 "cò" cùng lao tới, chẳng khác gì cảnh các xe ôm săn khách tại bến xe.
Nâng giá gấp 10 lần
Anh Nguyễn Xuân Hường (Thanh Xuân - Hà Nội), cho biết: "Tôi đến phố Lý Thường Kiệt mua cho con trai bộ sách học tiếng Anh và sách bài tập lớp 6. Đang loay hoay thì có khoảng 5 - 6 người phụ nữ và một vài thanh niên nhao từ trong ra hỏi han, làm tôi rối tinh cả lên. Ban đầu, tôi không định nói nhu cầu của mình cho nhóm người này. Nhưng khi nghe họ nói với người khách bên cạnh "bây giờ mới đi mua sách thì làm gì còn đủ bộ". Lo lắng, tôi đã yêu cầu họ cho bộ sách tiếng Anh. Chỉ trong 10 phút, các "cò" đã tìm cho tôi đủ bộ. Thật bất ngờ là giá qúa cao, so với một bộ sách trong hiệu sách đắt gấp 4 lần".
Tương tự, chị Hương (phố Lò Đúc) cho biết: "Cách đây không lâu, tôi vào cửa hàng Sách và thiết bị trường học trên đường Lý Thường Kiệt tìm cuốn Bài tập nâng cao cho cô con gái đang học lớp 6, nhưng không có. Vừa ra chỗ gửi xe thì 2 phụ nữ trung niên đon đả hỏi "Em cần sách gì? chị sẽ tìm giúp". Tôi vừa nói tên sách, 2 người bảo "Đứng đó chờ, vài phút sau sẽ có sách cho em". Điều làm tôi bất ngờ là giá sách đã được sửa từ 15.000đ lên 75.000 đồng. Tôi định không mua, nhưng họ bảo "Chị đã mua hộ cho em rồi, không thể đổi được nữa. Chị sẽ bớt cho em 5.000đ. Vì không muốn rắc rối nên tôi đành bấm bụng mua cho xong".
Ngoài việc lừa đảo, sửa giá, bán sách lậu... những "cò" sách luôn cố gắng níu kéo, mời gọi, thậm chí đe doạ người mua, nhất là những người mua từ ngoại tỉnh lên
Ngoài việc lừa đảo, sửa giá, bán sách lậu... những "cò" sách luôn cố gắng níu kéo, mời gọi, thậm chí đe doạ người mua, nhất là những người mua từ ngoại tỉnh lên.
"Với ý định đến nhà sách mua mấy cuốn sách chuyên ngành. Nghe bạn bè giới thiệu rằng loại sách này chỉ đến nhà sách trên đường Lý Thường Kiệt mới có, nên tôi đến đây mua. Khi vừa tấp xe vào trước Công ty sách và thiết bị trường học (45 Lý Thường Kiệt) thì bị một phụ nữ chặn lại hỏi han rồi bảo trong đó đã hết loại sách tôi cần. Do đi nhiều cửa hàng mà không tìm thấy sách nên tôi cũng tin là chị ta có sách mình cần. Lúc đầu cũng thỏa thuận là nếu không đúng giá bìa sẽ không lấy nên tôi còn bóc cái tem giá họ dán vào và thấy họ đổi giá từ 6.100đ thành 61.000đ. Tôi không lấy sách liền bị họ gây sự và nhất định không trả lại tiền đặt cọc, lừa đảo trắng trợn lại còn gần như trấn lột khách. Tôi rất bức xúc và đi tìm công an phường phản ánh nhưng mấy bác bán hàng và dân gần đó đều lắc đầu vì trường hợp như thế rất nhiều", chị Nguyễn Thuỳ Chi (Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết.
Khi phóng viên giơ máy ảnh lên định chụp ảnh, 5,6 “cò” liền xỉa xói: “Mày chụp cái gì? Muốn bà cho ăn mấy nhát dao không? Tẹo mày ra đây bà cho mày chết”…
Lười nên phải “chịu chi”
Theo phản ánh của các hộ dân sống lâu năm trên phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội), cách đây 20 năm, "cò" sách đã xuất hiện. Ngày đó người mua chọn "cò" là do mặt hàng khan hiếm, cửa hàng chật, không có chỗ để xe. Còn bây giờ số lượng cửa hàng bán sách giáo khoa nhiều, cách tổ chức bán hàng và phục vụ khách hàng cũng tốt hơn, chỗ để xe rộng, có người trông, giá sách được niêm yết rõ ràng. Vậy mà vẫn có đất cho "cò" làm ăn, gây bức xúc cho dư luận.
Sở dĩ có nạn "cò" sách giáo khoa là do tập quán mua sắm, tiện đâu mua đấy của người tiêu dùng.
Chị Hoàng Ngọc Hà (Ba Đình - Hà Nội), bức xúc nói: "Cò" sách giáo khoa làm ăn được là do nguồn nhu cầu vẫn còn. Chúng ta cứ trách móc chính quyền không ra tay dẹp "cò". Nhưng chính thói lười chúng ta lại là đối tượng tiếp tay cho “cò” phát triển. Mất gì nếu bạn gửi xe và vào nhà sách để mua? Nhà sách này không có bạn có thể tìm nhà sách khác. Tôi tin chắc rằng nếu là sách dành cho bậc phổ thông thì không thể khan hiếm và khó tìm kiếm".
Thực tế cách làm ăn của "cò" là một hình thức lừa đảo để trục lợi cá nhân, lợi dụng lòng tin của cha mẹ học sinh ngại chen chúc để mua sách nên đã bày trò lên giá, ép người mua phải chịu giá cao. Sẽ rất khó cho các cơ quan chức năng dẹp bỏ nạn cò sách, nếu không có sự hỗ trợ, phối hợp từ phía người tiêu dùng.
Ngô Duyên