Chính điều đó, đã thôi thúc Uyên sáng chế ra chiếc máy thu gom rác thải nhựa thông minh, góp phần bảo vệ môi trường.
Sinh viên ngoại ngữ mê khoa học
Trong một lần xem tivi, bạn Đặng Nhật Uyên (SN 2000, sinh viên Khoa Ngoại ngữ, ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) thấy rất thích chiếc máy phân loại rác của Thổ Nhĩ Kỳ được giới thiệu trong chương trình. Lúc đầu, không để ý nhiều nhưng khi học môn Phương pháp nghiên cứu khoa học, Uyên chợt nghĩ ngoài ngôn ngữ, bản thân cần tìm một chủ đề thật ý nghĩa để làm. Thế rồi, Uyên chọn vấn đề về môi trường mà bấy lâu nay mình quan tâm.
Qua quan sát mỗi ngày, Uyên nhận thấy dù trường có rất nhiều thùng rác nhưng rác lúc nào cũng đầy và tràn cả ra ngoài. Điều này không chỉ gây mất vệ sinh môi trường mà việc xử lý rác như vậy mất khá nhiều thời gian.
“Tuy trường có thùng rác để phân 3 loại rác nhưng nhiều bạn không biết sử dụng như thế nào vì không hiểu chức năng của nó. Một số sinh viên có ý thức kém, vứt rác bừa bãi nên em muốn làm ra một chiếc máy để giúp các bạn làm quen với việc phân loại rác tại nguồn”, Uyên cho biết.
Ý tưởng về chiếc máy phân loại rác được Uyên ấp ủ từ năm 2019 và nhờ hỗ trợ từ nhiều khoa. Tuy nhiên, Uyên học ngoại ngữ nên đề tài không phù hợp với ngành học, vì vậy việc duyệt dự án gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian này, Uyên đã đi các hội thảo về môi trường, thậm chí thử sức ở nhiều diễn đàn để lan truyền và mong muốn nhận được sự ủng hộ từ mọi người.
Uyên xem rất nhiều video về máy móc và phác thảo lại chiếc máy. Sau đó, Uyên cầm bản thảo lên gặp thầy dạy bộ môn Phương pháp nghiên cứu khoa học. Uyên chia sẻ: “Thầy thấy em kiên trì 2 năm liên tiếp để theo đuổi ước mơ thực hiện dự án này. Vì vậy, thầy đã đứng ra làm giáo viên cố vấn cho đề tài và giúp đỡ em hoàn thành dự án trước khi ra trường”.
Chiếc máy phân loại rác tuy không mới trên thế giới, nhưng để thực hiện một chiếc máy gọn gàng với chi phí thấp thì Uyên phải nhờ đến sự hỗ trợ từ thầy và các bạn sinh viên chuyên ngành về kỹ thuật, điện tử.
Uyên cho biết: “Một chiếc máy thu gom rác trên thế giới có giá khoảng 248 triệu đồng. Số tiền này đối với sinh viên là quá lớn. Vì vậy, em và các bạn thành lập nhóm nghiên cứu, thiết kế và hoàn chỉnh chiếc máy để đảm bảo có thể hoạt động tốt với kinh phí phù hợp nhất với thị trường Việt Nam”.
Lên ý tưởng từ năm 2019 và đến cuối năm 2021, Uyên bắt tay vào viết đề tài, thuyết phục hội đồng khoa học để được duyệt. Các thầy cô trong hội đồng thấy rất hứng thú với đề tài của Uyên không chỉ thấy lạ vì sinh viên Khoa Ngoại ngữ lại đi chế tạo máy móc, mà còn bởi vì đề tài này có thể liên kết nhiều khoa để thực hiện. Sau khi nhận được sự đồng ý của hội đồng, nhóm của Uyên bắt đầu làm chiếc máy từ tháng 2/2022. Sau 6 tháng ròng rã, chiếc máy cuối cùng cũng ra đời.
Gom rác đổi quà, góp phần bảo vệ môi trường
Hiện, máy đang được thử nghiệm theo mô hình máy thu rác nhựa để sinh viên làm quen với việc phân loại rác nhựa cơ bản. Chỉ cần cho số lượng chai nhựa theo yêu cầu vào máy là các bạn sinh viên đã có một phiếu đổi quà nên thu hút được nhiều sự quan tâm.
Nhóm của Uyên đang thực hiện đổi chai nhựa lấy tài liệu học tập cũ cho sinh viên trong trường. Chiếc máy được sinh viên đón nhận nhiệt tình vì không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn có thể tiết kiệm được chi phí mua tài liệu học tập.
Chính từ tính ứng dụng cao của chiếc máy nên vừa qua, máy được giới thiệu đến cộng đồng tại chương trình “Ngày hè xanh mát – gom rác đổi quà” và nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của người dân địa phương.
Thầy Huỳnh Văn Vũ, Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường Đại học Nha Trang đánh giá: “Đề tài này có sự kết hợp của nhiều chuyên ngành khác nhau, vì vậy tạo ra tính kết nối giữa sinh viên các khoa trong trường rất tốt. Trước đây, thay vì sinh viên khoa nào làm đề tài ở khoa đó thì thông qua đề tài này, sự kết hợp của các em đã tạo ra một sản phẩm hiệu quả, có ích. Chiếc máy có tính quảng bá và thay đổi nhận thức về môi trường đối với sinh viên, người dân mang hiệu quả cao”.
Theo thầy Huỳnh Văn Vũ, để máy hoạt động có hiệu quả cần có các hình thức đổi quà phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của các tầng lớp nhân dân về môi trường. Hiện nay, máy vẫn đang tiếp tục được phát triển thêm một số tính năng để có thể đưa ra thị trường trong thời gian tiếp theo.
Với sáng chế này, không chỉ góp phần giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường mà còn giúp sinh viên thay đổi ý thức thu gom và phân loại rác.
Clip: Cô sinh viên ngoại ngữ sáng chế máy "đổi rác lấy quà".
Châu Tường