Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao vai trò của Nhân dân, vai trò của cấp cơ sở. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong”; “Bảo vệ an ninh, trật tự là sự nghiệp của nhân dân, dựa vào nhân dân là một bảo đảm chắc chắn cho thắng lợi của cuộc đấu tranh”; “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.
Tư tưởng xác định Nhân dân, cấp cơ sở là giá trị “cốt lõi, căn bản” trong mọi quyết sách của Đảng, Nhà nước nhất là trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ Quốc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao từ những thời điểm nhà nước non trẻ mới được thành lập, trở thành giá trị xuyên suốt trong nhận thức tư duy và thực tiễn hành động của Đảng, Nhà nước ta.
Với tinh thần đó, sự ra đời của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một bước đi quan trọng, hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khách quan của thực tiễn.
Đây là một trong những dự án luật quan trọng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Sau khi được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), dự kiến Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Trong suốt thời gian qua, việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở suốt thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận và toàn xã hội bởi mức độ ảnh hưởng và khả năng phát huy tác dụng của Luật. Trong đó, dù còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, tuy nhiên có một nhận thức rất thống nhất cần khẳng định rằng việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là hết sức cần thiết và cần sớm hoàn thành, bởi một số vấn đề sau.
Trước hết, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về bảo vệ an ninh, trật tự, nhất là tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó khẳng định: “Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở”.
Bên cạnh đó, dự án Luật còn góp phần cụ thể hóa các quy định tại các Điều 46, 64, 68 của Hiến pháp năm 2013, hướng tới xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong tình hình mới, tạo cơ sở pháp lý để huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự từ xa, từ sớm, từ cơ sở.
Thứ hai, tình hình đất nước đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, thực tiễn cho thấy những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự đều xuất phát từ địa bàn cơ sở, ban đầu là những vấn đề mâu thuẫn xã hội, nếu không được phát hiện, phòng ngừa, quản lý, giải quyết kịp thời, triệt để sẽ tích tụ, phát triển thành “xung đột xã hội”, tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự, cuộc sống của người dân và an ninh con người, đe dọa sự ổn định chính trị, cản trở quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, tại một số vùng, liên vùng và toàn quốc.
Vì vậy, việc nghiên cứu, xác lập đề xuất các giải pháp chính trị, pháp lý phù hợp, có tính chiến lược, ổn định, lâu dài bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự tại địa bàn đặc biệt quan trọng này là rất cần thiết.
Thứ ba, dù chưa có quy định cụ thể của văn bản luật tuy nhiên thực tiễn hiện nay, cùng với lực lượng Công an, trên địa bàn cấp xã có sự tham gia bảo vệ an ninh, trật tự của các lực lượng: Bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục sử dụng.
Do chưa có quy định cụ thể, thống nhất, do vậy, hiện nay mỗi nơi từ tên gọi cũng không thống nhất, đến tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng khác nhau, không rõ ràng. Từ đó có những vụ việc dẫn đến tình trạng lạm quyền, không làm hết trách nhiệm, rất khó trong chỉ đạo, tổ chức, thực hiện, đòi hỏi phải được chuẩn hóa, đưa vào luật. Đặc biệt, để thực sự phát huy được vai trò, trách nhiệm của những lực lượng này, rất cần có hành lang pháp lý được quy định một cách thống nhất, được thể hiện bằng văn bản Luật.
Thứ tư, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức theo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động mà tiếp tục sử dụng lực lượng hiện có, không làm tăng chi ngân sách, tinh gọn đầu mối; bảo đảm linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn cơ sở.
Thực tế hiện nay, các địa phương trong cả nước đều bảo đảm ngân sách để chi trả cho tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách được.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị chức năng nghiên cứu, đánh giá tổng thể về thực trạng chi hiện nay của các địa phương cho tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; khái toán tổng mức chi theo quy định của dự thảo Luật và so sánh với tổng mức chi hiện nay của các địa phương.
Kết quả cho thấy, khi kiện toàn các lực lượng, chức danh thành một lực lượng thống nhất thì vẫn thực hiện chi trả chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng này như mức trung bình hiện nay các địa phương đang chi trả cho các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Đặc biệt, về lâu dài sẽ giảm và không phải chi trả ngân sách cho nhiều lực lượng như hiện nay thì các địa phương sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất đế bảo đảm tốt hơn nữa về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Như vậy, rõ ràng, với mục tiêu, ý nghĩa như trên, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết và đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện tốt nhất dự án Luật trước khi Quốc hội xem xét, thông qua, vẫn còn tiếp tục thảo luận để đi đến thống nhất trong một số vấn đề mang tính kỹ thuật, tiếp tục các ý kiến đóng góp nhằm chỉnh lý, bổ sung những vấn đề mới.
Nguyễn Thanh Hoàng
Phó Trưởng Phòng nghiên cứu, tổng hợp, Ban nghiên cứu xây dựng pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam