Trước hết, xét về bề dầy lịch sử của ngành tòa án trải qua hơn 65 năm cho thấy, vị trí, vai trò của hệ thống tòa án nhân dân ngày càng được khẳng định và đề cao sau mỗi cuộc cải cách tư pháp. Trong thực tiễn, mỗi khi có một nhiệm vụ mới được bổ sung, Quốc hội thường sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật tổ chức tòa án nhân dân, trong đó hoặc giao thêm các nhiệm vụ xét xử mới hoặc thành lập các phân tòa để thực hiện các nhiệm vụ xét xử được trao thêm mang tính chuyên nghiệp hơn.
Điển hình là việc trao thêm các quyền xét xử các vụ án liên quan đến tranh chấp về thuế, danh sách cử tri, các tranh chấp liên quan đến hợp đồng giao dịch…cho tòa án nhân dân trước khi các tòa chuyên trách được thành lập, hoặc thành lập ra các tòa chuyên trách để thực hiện quyền xét xử đối với các vụ án liên quan đến các lĩnh vực đặc thù như lao động, kinh tế, hành chính. Do đó, việc thành lập tòa hiến pháp để phán quyết các văn bản pháp luật hay hành vi vi hiến cũng là một xu hướng phù hợp với thực tiễn, đảm bảo nguyên tắc không làm cồng kềnh thêm tổ chức bộ máy, trụ sở và quyền phán quyết cuối cùng về tính hợp hiến hay vi hiến vẫn thuộc về tòa án nhân dân tối cao.
Ảnh minh họa
Hai là, nhu cầu cần phải có một cơ quan độc lập thực hiện quyền xét xử đối với các văn bản pháp luật, hành vi có dấu hiệu vi hiến là một nhu cầu mang tính thực tiễn xuất phát từ số lượng không nhỏ của những văn bản và hành vi vi phạm loại này, trong khi Quốc hội không làm việc thường xuyên, các đại biểu Quốc hội phần lớn hoạt động kiêm nhiệm nên không có điều kiện thường xuyên xem xét, xác định cũng như yêu cầu xử lý kịp thời.
Nếu như quy định có một cơ quan độc lập như tòa án được quyền ra phán quyết đối với các văn bản quy phạm pháp luật vi hiến thì sẽ không mất nhiều thời gian cho các tổ chức hay cá nhân phải chờ đợi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hủy bỏ và như vậy quyền và lợi ích hợp pháp của họ sẽ được bảo vệ một cách triệt để hơn. Đây là một yêu cầu thực tiễn đã tồn tại trong một thời gian dài và đặc biệt cần thiết trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền hiện nay.
Ba là, cơ sở thực tiễn giao nhiệm vụ bảo hiến cho hệ thống tòa án nhân dân xuất phát ở chỗ một trong những yêu cầu quan trọng liên quan đến quá trình cải cách hành chính, cải cách thể chế và cải cách tổ chức bộ máy nhà nước là đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, sử dụng những điều kiện sẵn có về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, đặc biệt là có thể áp dụng những kinh nghiệm thực tiễn từ việc đã giải quyết những vấn đề tương tự trong lịch sử.
Có thể quay trở lại học tập kinh nghiệm về việc đề xuất mô hình tòa án hành chính từ sau khi Hiến pháp năm 1992 ra đởi, cụ thể là tại thời điểm đó, có 4 mô hình được đề xuất để giải quyết các vụ án hành chính, nhưng cuối cùng mô hình tòa hành chính nằm trong hệ thống tòa án nhân dân đã được lựa chọn nhằm đảm bảo tính hợp hiến, tính khả thi và có thể giải quyết ngay nhiệm vụ mới được giao theo tinh thần của Hiến pháp năm 1992 đó là lần đầu tiên cho phép các tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện các tổ chức, cá nhân công quyền ra tòa án.
Như vậy, nếu trao nhiệm vụ bảo hiến cho hệ thống tòa án nhân dân mà đứng đầu là Tòa án nhân dân tối cao vẫn đảm bảo quy định của Hiến pháp, đó là tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất có chức năng xét xử, có thể sử dụng cơ sở hạ tầng của ngành tòa án nhân dân hiện tại để có thể giải quyết ngay các vụ việc liên quan đến vi phạm hiến pháp. Đội ngũ thẩm phán có thể được tuyển chọn từ đội ngũ đã có kinh nghiệm thực tiễn xét xử, đồng thời được cử đi đào tạo thêm chuyên ngành bảo hiến; hoặc có thể tuyển dụng những cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước có liên quan mà thực tiễn đã trực tiếp tham gia hoạt động giám sát và xử lý các quyết định, hành vi có dấu hiệu vi hiến và cử đi đào tạo thêm kỹ năng xét xử.
Việc bổ sung đội ngũ thẩm phán có kiến thức vững vàng để làm nhiệm vụ bảo hiến trong hệ thống tòa án nhân dân hiện có rõ ràng mang tính khả thi cao hơn và cũng tiết kiệm hơn nếu như thiết lập ra thiết chế mới để làm nhiệm vụ bảo hiến.
Bốn là, giao cho hệ thống tòa án nhân dân nhiệm vụ bảo hiến còn xuất phát từ cơ sở thực tiễn đó là điều kiện thực tế của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Do ở Việt Nam việc thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và vai trò một đảng cầm quyền nên sẽ không có nhu cầu nhiều trong việc giữ “cân bằng”, “đối trọng” hay “kiềm chế” giữa các quyền lập pháp, quyền hành pháp, cũng như không có nhu cầu về một vai trò nào đó trong việc “dàn xếp” chính trị giữa các đảng phái chính trị. Vì vậy, phương án đề nghị giao Toà án nhân dân tối cao theo dõi, đánh giá và ra phán quyết về những trường hợp vi phạm Hiến pháp trong các đạo luật của Quốc hội, các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương thông qua hoạt động xét xử đảm bảo tính khả thi cao.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng với các quốc gia trên thế giới, việc nghiên cứu, lựa chọn và tiếp nhận một số thuộc tính phù hợp của các cơ chế bảo vệ hiến pháp trên thế giới đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận các yếu tố ngoại lai vào hệ thống chính trị - pháp lý bản địa, đặc biệt là tại các quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam cần phải có sự đầu tư nghiên cữu kỹ lưỡng và toàn diện. Đảm bảo yêu cầu hội nhập không có nghĩa là phải xây dựng một mô hình bảo hiến giống như mô hình tiến bộ của các nước trên thế giới đã có bề dày lịch sử, như mô hình Tòa án Hiến pháp hay Hội đồng Hiến pháp ở một số nước Châu Âu lục địa… Đó là chưa kể đến nhiều nước trên thế giới mặc dù có những thành tựu lập pháp phát triển và nguyên tắc nhà nước pháp quyền cũng được ghi nhận, trị vì và chi phối toàn bộ đời sống xã hội vẫn duy trì mô hình bảo hiến thuộc về tòa án tư pháp, có thể kể tên các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản.
Xuất phát từ quan điểm “hòa nhập nhưng không hòa tan”, và không có một mô hình toàn diện “vừa vặn” cho tất cả, do đó đề xuất mô hình bảo hiến ở Việt Nam cần phải được tính toán, cân nhắc cho phù hợp với truyền thống chính trị - pháp lý, điều kiện thực tiễn của nền kinh tế thị trường đang từng bước chuyển đổi và tính chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
TS. Phạm Hồng Quang - Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (CTTĐT Bộ Tư Pháp)