Cơ thể bỗng cứng như khúc gỗ sau khi bị cọc tre đâm vào tay

Cơ thể bỗng cứng như khúc gỗ sau khi bị cọc tre đâm vào tay

Chủ nhật, 21/07/2024 16:50

Người đàn ông 57 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng cơ thể gồng cứng, suy hô hấp, sắp ngừng thở.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa điều trị thành công bệnh nhân bị uốn ván thể nặng nhập viện trong tình trạng gồng cứng toàn thân, suy hô hấp, sắp ngừng thở...

Bệnh nhân là ông B.V.C. (57 tuổi, trú tại Cao Phong, Hòa Bình), được gia đình đưa vào cấp cứu trong tình trạng cơ thể gồng cứng, cứng hàm không há được miệng.

Sau đó, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng co giật toàn thân, 2 hàm răng cắn chặt nên không thể đặt ống nội khí quản, cơ thể cứng như khúc gỗ, có những cơn ngừng thở ngắn, phổi và khoang miệng có nhiều đờm ứ đọng không thể ho khạc được.

Các bác sĩ đã nhanh chóng mở khí quản tối khẩn cấp (thực hiện trong 5 phút) để khai thông đường thở cho bệnh nhân, hỗ trợ thở máy, dùng thuốc kháng sinh, an thần, giãn cơ và huyết thanh trung hòa độc tố uốn ván. Ngoài ra, bệnh nhân còn được nội soi phế quản để bơm rửa đờm, chất xuất tiết trong phổi và vùng hầu họng, tập phục hồi chức năng vận động, dinh dưỡng lâm sàng.

Cơ thể bỗng cứng như khúc gỗ sau khi bị cọc tre đâm vào tay- Ảnh 1.

Bệnh nhân được các bác sĩ nội soi phế quản để làm sạch đờm trong phổi và hầu họng. Ảnh: VTV

Sau hơn 3 tuần điều trị, chăm sóc tích cực, phối hợp nhiều chuyên khoa trong Bệnh viện, người bệnh đã qua cơn nguy kịch. Hiện tại, bệnh nhân đã cai được máy thở, rút được ống mở khí quản, tự thở tốt, ăn uống được, đang tập đi lại.

Theo người nhà, 5 ngày trước, bệnh nhân chăn gia súc và bị cọc tre đâm vào vùng mu tay phải, chảy máu nhiều. Vết thương sưng nóng, hoá mủ, toàn thân sốt và cứng hàm tăng dần dẫn tới khó thở. Gia đình đưa ông vào Trung tâm Y tế huyện Cao Phong cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, uốn ván là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Tỷ lệ tử vong chung do uốn ván có thể lên đến 90%. Người bệnh sống sót thường để lại di chứng nặng nề, quá trình điều trị khó khăn và tốn kém.

Mặc dù đã có vắc-xin phòng uốn ván nhưng do tiêm phòng không đầy đủ và không tiêm nhắc lại sau 10 năm nên số ca bệnh uốn ván vẫn xảy ra quanh năm, chủ yếu ở nam giới trong độ tuổi lao động, để lại hệ lụy rất lớn về gánh nặng bệnh tật.

Bác sĩ khuyến cáo, khi bị các vết thương người dân cần xử trí để phòng ngừa uốn ván theo các bước sau:

- Rửa vết thương dưới vòi nước sạch.

- Sát trùng bằng các dung dịch có cồn.

- Không nên bịt kín, để vết thương tạo đường hầm hoặc đắp bất cứ thứ gì vào vùng tổn thương.

- Nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được tiêm huyết thanh trung hòa độc tố uốn ván và theo dõi sức khỏe.

Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, VTV)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.