UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo thông tin về vụ bắt quả tang cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) nhuộm đen cà phê bằng pin con ó, trộn lẫn bột đá bán ra thị trường.
Theo đó, từ ngày 15 đến ngày 17/4, phòng Cảnh sát môi trường (PC49, Công an tỉnh Đắk Nông) đã phát hiện cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan có hành vi dùng dung dịch màu đen (hỗn hợp nước với pin) để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê.
PC49 đã phối hợp với các ban ngành chức năng lập biên bản, niêm phong hơn 21 tấn phế phẩm cà phê gồm cà phê nhân nát vụn, vỏ cà phê đã được ngâm tẩm, nhuộm đen và đóng bao bì. Tại hiện trường còn phát hiện 40 lít dung dịch màu đen, 35kg pin đập dẹp, 129kg lõi, nắp và vỏ pin.
Nhìn nhận vụ việc này dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, Luật sư Vũ Quang Bá (công ty Luật TNHH Khải Hưng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc dùng pin để nhuộm cà phê của chủ cơ sở ở Đắk Nông không chỉ là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương hiệu cà phê cũng như làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Do đó, thiết nghĩ cần xử lý nghiêm sai phạm của chủ cơ sở trước pháp luật, đây là hồi chuông cảnh tỉnh tới những đối tượng đã và đang cũng như có ý định vì lợi ích kinh tế mà sẵn sàng, bất chấp pháp luật, niềm tin người tiêu dùng để sản xuất, cung cấp sản phẩm gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.
Hiện nay, theo luật An toàn thực phẩm 2010, hành vi sử dụng pin để nhuộm cho sản phẩm cà phê của chủ cơ sở được xem là một trong những hành vi bị cấm. Có thể thấy hành vi chủ cơ sở sản xuất cà phê không chỉ đáng lên án về mặt đạo đức kinh doanh mà còn phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với hành vi trái pháp luật.
Theo đó, với hành vi dùng pin để nhuộm cho sản phẩm cà phê của chủ cơ sở sản xuất đã không chỉ xâm phạm đến chế độ quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà còn trực tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng khi đã tin tưởng lựa chọn, sử dụng cà phê do cơ sở sản xuất và cung cấp.
Hành vi của chủ cơ sở đã có dấu hiệu tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 317, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Hiện nay, theo quy định Bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Tuy nhiên, để có cơ sở xác định mức hình phạt, cần làm rõ về số tiền chủ cơ sở đã thu lời bất chính từ việc sản xuất cà phê có nhuộm pin hoặc hậu quả của việc sử dụng sản phẩm dẫn đến người tiêu dùng bị tử vong hoặc tổn thương cơ thể theo tỷ lệ được Bộ luật Hình sự quy định.
Về phía người tiêu dùng, theo quy định luật An toàn thực phẩm thì người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra.