Cô thợ may khiếm thính và giấc mơ của nàng tiên cá

Cô thợ may khiếm thính và giấc mơ của nàng tiên cá

Thứ 6, 02/08/2013 16:43

Là con thứ hai trong gia đình có ba con, nhưng không được may mắn như các chị em của mình, cô gái trẻ Lê Thị Thuý Đoan bị câm điếc bẩm sinh, tuổi thơ của cô là những tháng ngày chìm trong nỗi câm lặng.

Tuổi thơ câm lặng và ước muốn bay cao

Tôi gặp Thuý Đoan lần đầu trong vòng sơ kết cuộc thi vẻ đẹp vầng trăng khuyết dành cho người khuyết tật. Cô gái trẻ này khiến những người có mặt trong hội trường không khỏi ngỡ ngàng bởi ước mơ:  "Em muốn được mặc một bộ áo nàng tiên cá, bởi vì ngày nhỏ em rất thích câu chuyện này. Nàng tiên cá cũng không nói được như em nhưng không ai ngăn được cô ấy đến với ước mơ của mình".

Nói chuyện với Đoan, tôi phải nhờ người thông dịch, câu chuyện vì thế mà trở nên vất vả và khó khăn hơn nhưng với ánh mắt, với nụ cười trên gương mặt em, niềm vui cũng được lan toả sang người đối diện. Những ước mơ còn dang dở, những điều chưa thực hiện được và những điều đã có, nghị lực ở cô gái trẻ này khiến người khác cũng phải khâm phục.

Xã hội - Cô thợ may khiếm thính và giấc mơ của nàng tiên cá

Cô thợ may câm điếc bẩm sinh Lê Thị Thuý Đoan vẫn đang nỗ lực cho những ước mơ của mình

Dạo nghe tin Lê Thị Thuý Đoan đi thi hoa hậu, những khách hàng quen ở tiệm may nhỏ gần huyện ủy Gia Lâm cũng bán tín bán nghi, vì em vốn là người câm điếc. Mọi giao tiếp với bên ngoài của Đoan phải thông qua một vài người bạn, qua chị chủ hàng nhiệt tình hoặc qua những dòng chữ đơn giản trên giấy.

Thấy cô thợ may xinh xắn ngồi ở góc tiệm, nhiều người cũng muốn bắt chuyện, đến lúc lại gần mới té ngửa ra rằng cô gái ấy không thể nghe, cũng chẳng thể nói. Thấy cô ngẩng mặt lên cười, tay vẫn thoăn thoắt đường may, người ta cũng phải bất giác cười theo. Là thợ chính, chuyên cắt và xử lý những đường may khó, từ 7 năm nay, Đoan vẫn miệt mài với những bộ trang phục dành cho khách. Con đường đến với thời trang của em kể ra cũng không bằng phẳng chút nào.

Bố Đoan kể ngày mẹ em mang thai tới tháng thứ 3 thì bị ốm, phải uống thuốc kháng sinh liều cao, các bác sĩ cũng khuyên là nên bỏ đi nhưng vì thương con, hai vợ chồng vẫn kiên quyết giữ lại: "Thôi thì nó là con mình, cứ sinh ra, sau này thế nào thì cũng là cái phận của nó. Ngày Thuý Đoan hơn một tuổi, gia đình đưa em đến bệnh viện Bạch Mai khám mới phát hiện cô bé bị điếc bẩm sinh.

Từ đó, suốt hơn 4 năm, bố mẹ dẫn con gái đi khắp nơi để chạy chữa, lúc thì ở viện Y học dân tộc Hoè Nhai, viện Đông y ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm rồi thầy Tài Thu..., nhưng không thành. Đến năm 1994, gia đình có sửa lại nhà, vô tình em lại bị bỏng nặng, đưa đến bệnh viện giữa lúc đang điều trị dở dây thanh quản, cuối cùng bố mẹ cũng đành phải chấp nhận con gái không thể nghe và nói.

Không biết nói nên khả năng giao tiếp của Thuý Đoan với những người xung quanh trở nên rất khó khăn, thậm chí cả với những người thân trong gia đình. Em chỉ có thể dùng ngôn ngữ cử chỉ để thể hiện những điều mình mong muốn. Khi chưa biết chữ, việc này còn khó khăn hơn nhiều bởi không phải điều gì làm dấu, bố mẹ và chị em cũng hiểu được. Chú Công, bố Đoan kể: "Có nhiều khi bố con tâm sự với nhau, con bé ra dấu mãi tôi không hiểu, nó làm đi làm lại mãi không có tác dụng gì đến nỗi cáu phát khóc, vùng vằng bỏ đi, vừa đi vừa khóc khiến mình không cầm lòng được".

Mãi đến năm Đoan lên 6 tuổi, một người bạn của bố mở trường dành cho trẻ câm điếc ở Đức Giang, gần nhà nên bố mẹ Đoan nhất trí gửi con gái đi học. Mỗi ngày hai lần, bố đưa Đoan đi rồi lại đón về. Cứ thế suốt 8 năm cho tới khi Đoan tốt nghiệp, bố là người gắn bó nhất với mỗi chặng đường đi về của con gái, bất kể ngày nắng ngày mưa.

Tốt nghiệp xong, Thuý Đoan lại ở nhà, gia đình cũng trăn trở tìm cho em một công việc để làm. Bố cũng dựa vào mối quan hệ gửi em đi học ở một tiệm kim hoàn nhưng học được đến ngày thứ 3 thì em nhất quyết bỏ, bảo nghề này không hợp, chỉ muốn đi học may. Đoan vẽ đẹp, những phác thảo của em rất khéo. Thấy con thiết tha như vậy, bố mẹ cũng bằng lòng đi tìm thầy học cho con. Đến giờ, nghề may cũng đủ nuôi sống bản thân em, hơn hết trở thành niềm vui cho cô gái trẻ này.

Xã hội - Cô thợ may khiếm thính và giấc mơ của nàng tiên cá (Hình 2).

 Bố là người mà Thuý Đoan yêu nhất

Học ngoại ngữ để mong tìm ý trung nhân

Đã có lúc rất tủi thân

Tâm sự về nghề, Đoan kể: "Em không thể nào giao tiếp với khách hàng bình thường được nên phải dùng giấy viết. Ngày mới đi làm, cũng có khi làm không vừa lòng khách, bị mắng cũng tủi thân lắm nhưng mà do mình làm sai, phải chịu chứ làm sao. Lần sau lại càng phải cẩn thận, bây giờ thì mọi thứ cũng tốt hơn rồi. Mọi người biết em khuyết tật nên cũng tạo điều kiện nhiều cho em làm việc và đối xử với em rất tốt. Bây giờ thì bố cũng không phải đưa đi đón về hằng ngày nữa, thỉnh thoảng có lương, em lại dành ra một khoản để mua quà tặng bố mẹ, chỉ mong bố mẹ đỡ phải lo lắng cho mình nhiều".

Hiện tại, Đoan vẫn đang ấp ủ một dự định về một cửa hàng may nho nhỏ để ở đó em có thể dạy học miễn phí cho những người có chung hoàn cảnh như mình. Với Lê Thị Thuý Đoan, điều quan trọng không phải là việc có làm được hay không mà quan trọng là mình muốn và dám làm, chỉ cần dấn bước lên phía trước thì những ranh giới, mặc cảm sẽ dần được xoá nhoà… 

Gắn bó với chiếc máy may suốt 7 năm trời, mỗi ngày làm việc của Đoan đều khá bận rộn. Khi có khách hàng đến tiệm, họ sẽ trao đổi với em thông qua chủ hàng, phần lớn em sẽ tư vấn cho khách biết nên chọn kiểu trang phục nào cho chất liệu nào. Cũng chẳng mấy khi thấy khách phàn nàn gì nên Đoan khá yên tâm về tay nghề của mình.

Nghề thợ may không nhàn, cũng không kiếm được nhiều tiền, điều quan trọng với Đoan là em được làm những điều mình yêu thích. Là thợ chính nên có những hôm cắm cúi vào bàn cắt rồi lại khâu, máy từ sáng đến tối mịt mới xong hàng, mọi người thương bảo nghỉ, Đoan cũng chỉ cười. Cố gắng rèn luyện tay nghề của mình, nên giờ Đoan có thể cắt may những bộ đầm, bộ veston như ý của khách hàng.

Ngoài thời gian đi làm, Đoan còn tham gia các câu lạc bộ dành cho người khiếm thính ở Hà Nội. Bố lại là người chở con đi tham gia các hoạt động hội. Đoan tự mình mày mò học vi tính, tham khảo thế giới bên ngoài qua internet, dần dần khoảng cách cứ thu hẹp lại, nhiều lúc cô gái trẻ này cũng quên mất là mình có sự khác biệt với mọi người.

Trước đây, khi quyết định đăng ký cuộc thi người đẹp dành cho người khuyết tật, Thuý Đoan không hy vọng sẽ giật giải, chỉ mong thêm một lần thử sức mình, vượt qua sự hạn chế của bản thân. Ban đầu, bố mẹ cũng ngần ngại không muốn cho con tham gia, ngại những thị phi bên ngoài không đáng có nhưng thấy con có vẻ quyết tâm, bố mẹ cũng phải bằng lòng.

Trở lại cuộc sống đời thường, Thuý Đoan lại vui vẻ bên những tấm vải, bên chiếc máy may và những người bạn của mình. Có thời gian, em lại ngồi rủ rỉ tâm sự cùng mẹ về những ước mơ của mình. Mẹ Đoan kể, nhiều khi thương con vô cùng, bởi có những điều với người bình thường chỉ là chuyện nhỏ nhoi nhưng với con gái mình thì lại có vẻ như quá tầm với. Kể ra Đoan cũng xinh đẹp, cao ráo, hiền lành, đúng tiêu chuẩn của các bà mẹ, vậy mà cho đến giờ vẫn chưa mảnh tình vắt vai. Đoan cố giấu buồn nhưng làm sao giấu nổi mẹ.

Nhiều khi để động viên mẹ, Đoan thủ thỉ bảo con sẽ cố học ngoại ngữ, sẽ nối mạng để giao lưu nhiều hơn với bên ngoài, biết đâu con sẽ tìm được một người bạn phù hợp với mình. Các chị gái của Đoan lấy chồng cả rồi, trong nhà chỉ còn lại 3 người với nhau, nhiều khi cũng thấy buồn. Mà ước muốn của Đoan cũng đâu có nhiều, chỉ là một người bình thường và biết yêu thương mình, nhưng người bình thường và cả những người khuyết tật như Đoan ở lứa tuổi của em phần lớn cũng đều đã êm ấm cả rồi. Cơ hội về một mái nhà hạnh phúc của Thuý Đoan mỗi năm lại hẹp lại một chút, nhưng không vì thế mà em mất đi hy vọng của mình.                       

Đỗ Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.