Ám ảnh tuổi thơ
Có một tuổi thơ không êm đềm, nhưng chính những bất hạnh đầu đời đã tôi luyện cho Lan một bản lĩnh, nghị lực mạnh mẽ.
Khi lấy nhau, bố mẹ Lan cũng bắt đầu cuộc sống giản dị như bao cặp vợ chồng nông dân nghèo khác, sinh cơ lập nghiệp trên ngôi nhà cũ ông bà nội để lại, với dăm sào ruộng.
Lan ra đời được ít lâu thì bố mắc bệnh tâm thần, bệnh ngày càng nặng hơn vì điều kiện gia đình khó khăn, không có tiền thuốc men, thăm khám. Mọi gánh nặng gia đình dồn lên vai người vợ trẻ.
Lê Thị Lan, cô học trò giỏi giang – lớp trưởng lớp 12G8, Trường THPT Lê Viết Tạo (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa)
Sáng sáng, mẹ Lan hối hả đạp xe chở đứa con còn ngây dại xuống gửi ông bà ngoại, rồi lại tất bật quay về với việc đồng áng, việc nhà và người chồng đã mất khả năng ý thức.
Cuối ngày, mẹ con mới lại đoàn tụ với nhau nhưng đó cũng là thời điểm bất hạnh nhất trong ngày. Buổi tối, bệnh của bố Lan thường trở nặng, ông thường đi lang thang và mỗi lần về nhà thường kèm theo những trận mưa đòn xối xả xuống người vợ.
Kí ức của Lan về những ngày ấy là những vết bầm dập, thâm tím trên người mẹ. Cực chẳng đã, khi Lan 3 tuổi, để trốn những trận đòn roi của chồng - mẹ Lan gửi con cho ông bà ngoại nuôi rồi vào Nam tìm việc kiếm tiền nuôi con. Từ đó, gia đình Lan chia lìa…
Không được phép khóc…
Lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà ngoại, Lan sớm biết và hiểu hoàn cảnh riêng của mình. Cô bé ngoan ngoãn, tự lập, biết giúp đỡ ông bà từ bé.
Nhìn ông bà đã già mà vẫn cặm cụi sớm hôm làm ruộng và đan mây tre để kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống, Lan thương lắm.
Bởi thế, chưa bao giờ em đòi hỏi ông bà mua cho mình cái áo đẹp, chiếc nơ xinh, những vật dụng mà các bạn cùng lớp vẫn được bố mẹ chiều chuộng.
Mỗi khi nhìn thấy gia đình khác sum vầy, lòng Lan lại đau nhói, Lan chỉ ước một lần được ngồi bên mâm cơm vui vẻ cùng bố mẹ…
Sau rất nhiều nước mắt, Lan đã tự nhủ, không được khóc, phải mạnh mẽ.
Ban ngày em lao vào học, nhưng đêm đến nước mắt vẫn ướt đầm gối. Cứ như vậy, Lan đi qua nhưng năm cấp 1, cấp 2. Các danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến...là niềm an ủi lớn.
Lên cấp 3, Lan vào học lớp chọn văn của Trường THPT Lê Viết Tạo. Cũng bắt đầu từ đây, em bộc lộ rõ thiên hướng, khả năng và niềm say mê học các môn xã hội của mình.
Được sự động viên, giúp đỡ tận tình của các thầy các cô, Lan càng say mê học, trở thành học sinh giỏi cả 3 năm học và là cán bộ lớp gương mẫu.
Ba môn văn - sử - địa, Lan có 3 cách học khác nhau. Với môn văn, ngay từ năm lớp 10, Lan đã đóng hẳn 1 quyển vở riêng để làm những đề cô giáo ra riêng cho mình. Mỗi tuần làm một đề khó, được cô sửa tỉ mỉ, cặn kẽ, Lan tiến bộ nhanh chóng.
Không có tiền mua sách, Lan đến mượn sách của cô giáo và mượn tài liệu ở thư viện.
Lan ham đọc đến độ, có những lần vừa ngồi đan mây tre giúp ông bà, vừa chúi mũi vào sách, đứt cả tay.
Với môn sử và địa, Lan dồn trọng tâm ôn vào những dịp nghỉ hè và học kì 2 của lớp 12.
Lan học rất tập trung, không chỉ học kiến thức trong sách giáo khoa mà còn đọc thêm nhiều tài liệu để tìm hiểu sâu vấn đề, học hỏi về cách viết, cách trình bày các sự kiện.
Lan thường vẽ sơ đồ các vấn đề cần nhớ ra giấy, rồi tập trung ghi nhớ các sự kiện theo sơ đồ. Có khi đang ngủ, Lan cũng bật dậy vì một phần của bài còn chưa thuộc.
Năm lớp 11, Lan tham gia và kì thi học sinh giỏi lớp 12 môn Địa lí cấp tỉnh và đạt giải khuyến khích.
Năm lớp 12, Lan tham gia kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn văn lớp 12 và đạt giải khuyến khích.
Tuy chưa đạt giải cao, nhưng Lan không nản chí, em xác định cái đích của con đường học còn xa.
Nỗi lo phía trước
Năm 2011, mẹ Lan đã xin được làm công nhân ở gần nhà, mẹ con được đoàn tụ.
Lan cũng thường xuyên đến nhà chăm sóc và mang thức ăn cho bố. Mỗi lần nhìn gương mặt và đôi mắt vô hồn của người cha, Lan ao ước có một phép mầu nào chữa lành bệnh để em có thể nghe bố gọi mình hai tiếng “con ơi”…
Năm 2012, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của người thân, ông bà ngoại và mẹ Lan đã phá bỏ ngôi nhà ngói cũ kĩ, dột nát để xây một căn nhà đủ để che mưa che nắng.
Biết tin mình đỗ ĐH - Lan vui vì những cố gắng của mình đã kết hoa đơm trái, nhưng cũng lo lắng không kém.
Với lương tháng 3 triệu đồng của mẹ, liệu có trang trải đủ cuộc sống, đủ nuôi em ăn học không khi ông bà ngoại ngày một già yếu bệnh tật?
Lan dự định em sẽ đi làm thêm ngay năm thứ nhất để lấy tiền trang trải cuộc sống, và nếu có thể, muốn học thêm một văn bằng nữa để tận dụng thời gian.
Vẫn có những phép màu trong cuộc sống đời thường. Liệu Lan có thể viết tiếp câu chuyện cổ tích đầy nước mắt, nhọc nhằn của cuộc đời mình hay không, câu trả lời còn ở phía trước.
Trang Nhung (Vietnamnet)