Tiếp cận, thụ hưởng nhà ở xã hội còn hạn chế
Sáng 12/7, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6/2023.
Theo đó, ông Bình cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên; việc tiếp cận, thụ hưởng nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế, giá bán còn cao, vượt quá khả năng tài chính của đa số người lao động;
Tình hình khó khăn của nhiều doanh nghiệp do sụt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc, ngừng việc, giảm việc xảy ra nhiều địa phương; tình trạng nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn…
Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, trong tháng 5 và tháng 6/2023, tại một số địa phương tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn hết sức phức tạp.
Nội dung chủ yếu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tình trạng ô nhiễm về tiếng ồn, khói bụi, rác thải,… ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của người dân;
Tình trạng chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, trốn tránh trách nhiệm bảo hành, không bàn giao quỹ bảo trì và công tác quản lý, vận hành tòa nhà, cũng như chất lượng chung cư không đảm bảo… vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, làm phát sinh một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp…
Trong thời gian tới, Ban Dân nguyện kiến nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quan tâm hơn nữa hoạt động giám sát theo lĩnh vực phụ trách, nhất là việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của các Bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng;
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp và giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm các vụ việc cụ thể đã được đề cập tại báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng...
Đồng thời, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung cử tri quan tâm hiện nay, cụ thể: Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện các quy định. Đặc biệt là việc “làm sạch” dữ liệu để phục vụ kết nối, chia sẻ, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
Bộ Xây dựng có cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ để khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và đảm bảo giá nhà ở xã hội ở mức vừa phải để cán bộ, công nhân, người lao động có thu nhập thấp có điều kiện mua nhà ở, ổn định cuộc sống; nghiên cứu, xem xét và ban hành quy định cấm hoặc hạn chế buôn bán, sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam…
Thi vào cấp 3 khó hơn thi đại học
Cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện, đối với kiến nghị và những băn khoăn, lo lắng của cử tri, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, thực trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ cho con vào trung học phổ thông gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận.
Thực trạng áp lực đối với học sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội và Tp.HC là thực trạng trong nhiều năm, thi vào lớp trung học phổ thông hiện nay khó hơn thi vào đại học.
Do đó, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục vào cuộc vấn đề này để làm rõ xem có tình trạng thiếu trầm trọng Trường Trung học phổ thông công lập hay không? Giải pháp để giải quyết vấn đề này trên thực tế như thế nào? Tuy Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tình trạng này. Tuy nhiên, bà Nga đề nghị đưa thêm tình trạng này vào báo cáo công tác dân nguyện.
Phát biểu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đối với vấn đề thi vào lớp 10 như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga vừa đề cập, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tham gia từ năm ngoái đến năm nay và trả lời truyền thông rất nhiều. Các số liệu về nội dung này cũng đã được tổng hợp tương đối đầy đủ.
Nhấn mạnh đây là bài toán không dễ, ông Vinh cho rằng cần phải tính toán cẩn thận. Trên tinh thần tiếp thu ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp về nội dung này, ông Vinh cũng cho rằng nội dung này cũng cần ghi nhận và đưa vào báo cáo của Ban Dân nguyện.
Đồng thời, trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ kiến nghị với Chính phủ cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo để có những nghiên cứu sâu hơn và có những giải pháp hiệu quả hơn đối với vấn đề này.