Có tiền và đất vàng, vì sao Du lịch Bưu điện vẫn ế ẩm?

Có tiền và đất vàng, vì sao Du lịch Bưu điện vẫn ế ẩm?

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 6, 19/01/2018 06:46

Một công ty du lịch Nhà nước sở hữu tài sản có tính thanh khoản cao lên đến 70 tỷ đồng cùng 4 khách sạn tọa lạc ở những thành phố biển nổi tiếng, nhưng tổ chức đấu giá cổ phần 2 lần đều thất bại. Một lần do nhà đầu tư tháo chạy, một lần không có nhà đầu tư nào đoái hoài. Lý do vì sao?

Đốt đuốc tìm nhà đầu tư

Theo kế hoạch, vào ngày 17/1/2018, sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần công ty cổ phần Du lịch Bưu điện (Du lịch Bưu điện) do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sở hữu. Với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, giá khởi điểm 24.600 đồng/cổ phần, số lượng cổ phần được đưa ra đấu giá là 8,8 triệu, tương đương 90,22% vốn điều lệ, là toàn bộ vốn góp của VNPost tại Du lịch Bưu điện.

Tuy nhiên, phiên đấu giá đã không thể diễn ra bởi vì cho đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc vẫn không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá. 

Đầu tư - Có tiền và đất vàng, vì sao Du lịch Bưu điện vẫn ế ẩm?

Khách sạn Bưu điện Vũng Tàu – một trong 4 khách sạn lớn do công ty Du lịch Bưu Điện đang sở hữu. (Ảnh: Internet)

 

Trước đó, ngày 28/09/2017 phiên đấu giá với nội dung như trên đã được tổ chức lần đầu, chỉ khác ở chỗ giá khởi điểm được ấn định ở mức 18.500 đồng/cổ phần (thấp hơn khoảng 33% so với giá khởi điểm lần này). Cuộc đấu giá được coi là có lượng cầu cao khi thu hút được 10 nhà đầu tư tham gia (gồm 3 tổ chức và 7 cá nhân) với khối lượng cổ phần đăng ký mua lên tới 42,5 triệu cổ phần, gấp tới 5 lần khối lượng rao bán.

Kết quả, một nhà đầu tư tổ chức đã chiến thắng khi quyết định trả mức giá 41.500 đồng/cổ phần (gấp khoảng 2,2 lần giá khởi điểm), chi tới 365 tỷ đồng để ôm trọn lô 8,8 triệu cổ phần được rao bán. Công cuộc bán mình của Du lịch Bưu điện ban đầu tưởng thành công ngoài mong đợi nhưng cuối cùng lại thành ôm “quả đắng” vì bị nhà đầu tư này hủy kèo, mặc dù phải hi sinh số tiền đặt cọc không hề nhỏ là 16,3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp “có điều kiện”

Thoạt nhìn vào tiềm lực của Du lịch Bưu điện, người ta nhận thấy đây là doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện “có điều kiện” và không mấy khó hiểu khi có nhà đầu tư chi tới hơn 365 tỷ đồng để thay thế VNPost thâu tóm 90,22% vốn điều lệ  – một tỷ lệ đủ để đảm bảo quyền lực gần như tuyệt đối tại công ty này. Du lịch Bưu Điện được thành lập năm 2001 với số vốn điều lệ 120 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực quản lý, kinh doanh khách sạn bưu điện, du lịch, lữ hành, vé máy bay...  

Báo cáo tài chính 2016 được công bố cho thấy, đây là doanh nghiệp có quy mô vừa phải nhưng có chất lượng tài sản tốt. Tính đến 31/12/2016, trong tổng tài sản đạt 111,5 tỷ đồng của công ty thì đã có tới 98,1 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Tổng nợ phải trả chỉ là 13,4 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính chỉ có 826 triệu đồng. Chốt cuối năm 2016, Du lịch Bưu điện đang có 54,5 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng; 5,9 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Nói cách khác, quá nửa tài sản của Du lịch Bưu Điện là tiền thật và có tính thanh khoản cao. 

Đầu tư - Có tiền và đất vàng, vì sao Du lịch Bưu điện vẫn ế ẩm? (Hình 2).

VNpost bán đấu giá 90,2% cổ phần tại Du lịch Bưu điện. (Ảnh minh hoạ).

Bản công bố thông tin phục vụ đấu giá cũng cho biết: Theo kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp ngày 31/3/2017 do công ty TNHH Thẩm định và Tư vấn Việt ban hành ngày 3/7/2017, tổng giá trị tài sản của CTCP Du lịch Bưu điện được đánh giá lại là 194,7 tỷ đồng, nợ phải trả là 14,7 tỷ đồng, giá trị doanh nghiệp 180 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn công ty đang nắm giữ là 66 tỷ đồng.

Tất nhiên, nếu chỉ dừng lại ở khối tài sản gần 70 tỷ đồng tại một doanh nghiệp được định giá khoảng 180 tỷ đồng có lẽ chưa đủ hấp dẫn khiến một nhà đầu tư bỏ ra 365 tỷ đồng để thâu tóm. Sự thật thì sức hấp dẫn của Du lịch Bưu điện nằm ở chỗ khác. Đó chính là hệ thống 4 khách sạn có giá trị cao tại các trung tâm du lịch lớn: khách sạn Bưu điện tại các thành phố biển nổi tiếng Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò và Vũng Tàu.

Điều đáng nói công ty đều không trực tiếp khai thác mà chỉ đem cho thuê để thu tiền. Sức hấp dẫn của doanh nghiệp này ngoài khách sạn còn là phần đất đi liền với nó. Có thể kể đến như khu đất của khách sạn Bưu điện Vũng Tàu diện tích 2.931 m2, tọa lạc sát bãi Tầm Dương, ngay trung tâm thành phố biển Vũng Tàu. Hay khu đất của khách sạn Bưu điện Hạ Long có diện tích 2.158,5 m2, đã được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp Quyền sử dụng đất số 1022/QSDĐ, theo loại hình thuê đất trả tiền hàng năm. Ngoài ra là khu đất Khách sạn Bưu điện Cửa Lò có diện tích 2.410 m2, khu đất khách sạn Bưu điện Sầm Sơn có diện tích 1.595 m2.

Quay trở lại vấn đề vì sao một doanh nghiệp “có điều kiện” như Du lịch Bưu điện vẫn kém hấp dẫn nhà đầu tư? Thể hiện ở chỗ đấu giá lần một thì nhà đầu tư bỏ cọc chạy lấy người còn đấu giá lần hai thì thậm chí “ê mặt” hơn khi không có lấy một nhà đầu tư quan tâm đoái hoài.

Đây mới là lý do thật sự

Căn cứ báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tổng hợp tại thời điểm 31/12/2016 của CTCP Du lịch Bưu điện có thể thấy tình hình kinh doanh của công ty này đang không được “xuôi chèo mát mái”. Cụ thể, cả năm 2016, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 51,5 tỷ đồng, giảm 15,5% so với năm 2015 (đạt gần 61 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 3,1 tỷ đồng, giảm 93% so với năm 2015 (khoảng 46,6 tỷ đồng). Trong cả 2 năm 2015, 2016 công ty đều không chia cổ tức.

Chỉ căn cứ vào hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đã có thể đặt câu hỏi: Vì sao trong 2 kỳ tính toán liền nhau, doanh thu chỉ giảm 15,5% mà lợi nhuận lại sụt giảm tới 93%? Đó là chưa kể, khoản lãi sau thuế 3,1 tỷ đồng này hoàn toàn đã có thể “bốc hơi” nếu công ty trích lập dự phòng đầy đủ. 

Tại báo cáo tài chính tổng hợp 2016 của Du lịch Bưu điện, công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C nêu ý kiến ngoại trừ cho hay: “Tại ngày kết thúc năm tài chính, các khoản nợ phải thu khó đòi đã quá hạn trên 3 năm là 10.757.207.490 VNĐ. Công ty đã trích dự phòng nợ phải thu khó đòi là 7.638.170.013 VNĐ. Nếu công ty trích dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định hiện hành thì chi phí hoạt động trong năm sẽ tăng 3.119.037.477 VNĐ, chỉ tiêu dự phòng nợ phải thu khó đòi và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2016 sẽ giảm tương ứng”. 

Câu trả lời là: nếu không có biến động gì lớn về tài sản thì trong hai năm 2015, 2016, lợi nhuận cả năm của doanh nghiệp “có điều kiện” này chỉ khiêm tốn ở mức trên dưới 100 triệu đồng. Cụ thể, năm 2016 doanh thu chính đạt 51,5 tỷ đồng nhưng chỉ riêng 2 khoản giá vốn hàng bán 46,9 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 4,7 tỷ đồng đã ngốn quá cả doanh thu của công ty. Nếu không có khoản doanh thu hoạt động tài chính 3,5 tỷ đồng và nếu được trích lập dự phòng đầy đủ cho nợ quá hạn thì không có con số lãi cả năm 3,1 tỷ đồng này. 

Năm 2015 tình hình kinh doanh cũng không khả quan hơn khi mà con số doanh thu 61 tỷ cũng phải cõng tới 51,7 tỷ giá vốn hàng bán và 7,3 tỷ chi phí quản lý doanh nghiệp. Sở dĩ có con số lãi sau thuế ấn tượng 46,6 tỷ đồng là do trong kỳ phát sinh 59,4 tỷ đồng đến từ nguồn “lợi nhuận khác”. Căn cứ bản thuyết minh báo cáo tài chính 2016 thì phần lớn khoản lợi nhuận khác này có được do nguồn “lãi thanh lý, nhượng bán tài sản cố định”. Hiện chưa rõ tài sản cố định có giá trị tới gần 60 tỷ đồng này là khách sạn, đất đai hay công trình gì.

Vì Du lịch Bưu điện không công bố nên không có cơ sở để đánh giá kết quả kinh doanh các năm trước đó, nhưng có lẽ cũng không sáng sủa gì, bởi tính đến cuối năm 2015, công ty vẫn đang lỗ lũy kế 2,6 tỷ đồng.

Từ đó có thể ví von Du lịch Bưu điện như cô gái con nhà khá giả nhưng bản thân không thể sinh lời, dù đã được “cha mẹ” rao bán quyền sở hữu tới hai lần mà vẫn chẳng thể kiếm nổi một người gắn bó.  

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.