Gần đây, những hình ảnh thân mang bao tải, các thùng các tông lớn chứa nhiều nhu yếu phẩm nhằm tiếp tế cho người thân ở các khu cách ly nhằm phòng tránh Covid-19 khiến không ít người cảm thấy bất an. Bởi, hình ảnh tập trung đông người sẽ khiến nguy cơ bệnh dịch lây lan và tạo áp lực lớn đối với những chiến sĩ đang ngày đang phục vụ tại khu cách ly. Trước sự việc này, PV đã có cuộc trò chuyện với luật sư Đặng Văn Cường (Văn Phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) để đưa ra những khuyến cáo đối với người thân của người bị cách ly khi họ đang có những lo lắng thái quá.
Quan điểm của ông khi nhìn thấy những hình ảnh lộn xộn người thân gửi đồ tiếp tế đối với những người đang cách ly dịch bệnh Covid-19 tại cổng khu ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM?
Có thể nói, hoạt động cách ly y tế là hoạt động quan trọng nó quyết định đến việc có kiểm soát được dịch bệnh hay không. Vậy nên, mọi công dân phải chấp hành, tuân thủ đúng pháp luật về quy định cách ly.
Cách ly y tế bao gồm những người đến từ vùng dịch, đi qua vùng dịch, tiếp xúc với người mắc bệnh, người có triệu chứng của bệnh dịch bắt buộc cách ly tập trung. Còn tùy vào mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm toàn cầu có thể yêu cầu cách ly tất cả công dân nhập cảnh vào Việt Nam.
Tuy nhiên, một số người dân nhận thức chưa tốt dẫn đến những trường hợp trốn cách ly, cản trở, chống đối cách ly. Mấy ngày qua, gửi đồ tiếp tế cho người cách ly gây hỗn loạn một số khu vực và ảnh hưởng rất lớn đến việc phòng chống dịch bệnh.
Việc tập trung đông để gửi đồ tiếp tế sẽ tạo ra sự hỗn loạn, dễ lây nhiễm bệnh và mang lại hình ảnh phản cảm, bất bình đẳng trong xã hội. Hơn nữa, nó còn tạo áp lực lớn đối với người phục vụ. Nếu được chấp nhận cho đồ vào thì họ phải tiếp xúc với người bị cách ly, như vậy khó khăn chồng chất khó khăn. Người thân của những người cách ly đang áp lực không cần thiết, họ chỉ nghĩ đến bản thân họ mà không nghĩ đến người khác.
Từ đâu mà người thân của những người cách ly Covid-19 lại có những hành động như vậy?
Có lẽ là do tâm lý lo lắng cho chính con em, người thân của họ. Chúng ta đã có thói quen bao bọc từ nhỏ, bố mẹ sợ con mình đói khổ nên nghĩ ra việc gửi càng nhiều đồ tiếp tế vào càng tốt. Đây là sự lo lắng thái quá.
Bởi theo quy định, chế độ tiêu chuẩn cách ly tập trung nhà nước sẽ bố trí ở mức cần thiết, tối thiểu cho tất cả các công dân cách ly. Chúng ta đã nhường doanh trại quân đội, ký túc xá…chính quyền địa phương cũng đã thực hiện và đảm bảo những điều kiện thiết yếu cho người cách ly, thậm chí còn tốt hơn so với các quốc gia khác. Mỗi gia đình hoàn toàn yên tâm khi con em bị cách ly, nhu yếu phẩm được cung cấp đầy đủ. Người cách ly không thiếu thốn.
Đối với những người cố tình mang đồ tiếp tế cho người bị cách ly sẽ bị xử lý như thế nào?
Nếu như không được sự cho phép, cố tình trèo tường, trèo cổng vào, lợi dụng sự sơ hở của người quản lý để mang đồ tiếp tế vào sẽ bị phạt hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Mức phạt tiền có thể từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng tùy mức độ vi phạm. Nhân viên phục vụ tự ý cho mang đồ vào mà không có sự đồng ý của người quản lý cũng sẽ bị xử lý. Trường hợp nghiêm trọng hơn, nếu mang đồ vào khiến dịch bệnh lây lan thì người mang vào sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư, để tránh tình trạng lộn xộn, hỗn loạn ở các khu cách ly thì cơ quan quản lý cần làm gì?
Việc mang đồ từ ngoài vào, từ trong ra tại các khu cách ly dịch bệnh Covid-19 phải kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Từ con người ra vào, vật phẩm ra vào phải được khử trùng, khử khuẩn, kiểm duyệt chứ không phải muốn mang gì vào cũng được vì nó có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất nhanh.
Theo tôi, đã gọi là cách ly thì nghiêm cấm việc di chuyển, cần áp dụng chế tài, đưa ra lệnh cấm không tập trung nơi đông người chứ không đơn giản là câu chuyện khuyến cáo người dân tập trung đông người trong tình hình dịch bệnh.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện
Mai Thu