Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã đưa ra thông tin trên nhân ngày 28/7 - Ngày viêm gan thế giới đầu tiên từ trước đến nay.
Tiến sỹ Shin Young-soo - Giám đốc WHO tại khu vực Tây Thái Bình Dương - cho rằng các hành động phối hợp và có trọng tâm hết sức cần thiết, đặc biệt là ở những nước trong khu vực đang có tỷ lệ lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con cao.
WHO đã cam kết tập trung vào 9 quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc thực hiện mục tiêu năm 2012 là giảm tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở trẻ em, trong đó có Việt Nam.
Trong khi hầu hết các nước trong khu vực đã giảm tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở trẻ em xuống dưới 9% thì 9 quốc gia trên vẫn chưa đạt được, do diện bao phủ tiêm chủng còn thấp. Nguyên nhân là do số lượng lớn các ca sinh đẻ tại các quốc gia trên là tại nhà, không có bà đỡ lành nghề, gây khó khăn trong việc cung cấp vắc-xin và các dịch vụ chăm sóc y tế khác.
Viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con, giữa các thành viên trong gia đình và qua quan hệ tình dục. Virus viêm gan B và C gây bệnh gan mãn tính cho hàng trăm triệu người và hai loại virus này là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh xơ gan và ung thư gan.
Theo WHO, bệnh viêm gan B có thể phòng ngừa cho trẻ bắt đầu từ lúc mới sinh, bằng một loại vắc-xin hiệu quả cao và an toàn để phá vỡ chuỗi lây truyền. Virus viêm gan B có khả năng lây nhiễm cao và có thể dễ dàng lây sang trẻ sơ sinh sau khi tiếp xúc với máu của người mẹ trong quá trình sinh nở. Vì vậy, có thể ngăn chặn việc lây nhiễm cho trẻ, thậm chí bị phơi nhiễm với virus bằng cách tiêm chủng trong vòng 24 giờ sau sinh và hai liều vắc-xin sau đó theo đúng lịch.
Bệnh viêm gan B mãn tính có thể điều trị bằng thuốc, bao gồm interferon và các thuốc kháng virus khác. Tuy nhiên, việc điều trị rất tốn kém và việc tiếp cận điều trị vẫn còn hạn chế ở nhiều nước đang phát triển.
Hiện nay, mối quan tâm về viêm gan C ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Đặc biệt những người tiêm chích ma túy có tỷ lệ nhiễm viêm gan C rất cao, có thể tới 98,5%. Viêm gan C cũng là một nhiễm trùng virus ở gan dễ lây, tuy nhiên chưa có vắc-xin dự phòng. Nhiễm virus viêm gan C xuất hiện trên toàn thế giới với khoảng 130-170 triệu người bị nhiễm mãn tính.
Tại Việt Nam, liệu pháp kết hợp với các thuốc interferon và ribaviron vẫn là những loại thuốc chính trong điều trị viêm gan C, nhưng các thuốc này có chi phí rất cao và chưa được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, gần đây một dạng interferon có chi phí thấp hơn, có tên là peginterferon alfa 2a đã được sản xuất tại Việt Nam giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận được các tiến bộ trong y học.
Thùy Giang