Một mảng trần ở phía bục giảng bất ngờ sập xuống khiến cô giáo chủ nhiệm cùng ba học sinh đang lên bảng viết bài bị chấn thương và phải nhập viện ngay sau đó. Trong số các nạn nhân có một em học sinh bị chấn thương nặng, vỡ sọ, tụ máu não. Hiện học sinh này đang trong tình trạng nguy kịch, sốt li bì, một cánh tay không thể cử động được.
Một góc mảng trần bị sập
Bỗng dưng... nhập viện
Theo lời kể của nhân chứng, sự việc trên diễn ra tại lớp 1C, trường tiểu học Đa Tốn (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Trao đổi với PV Người đưa tin, chị Bùi Thị Hướng, chi hội trưởng Hội Phụ huynh lớp 1C cho biết: "Cách đây ít ngày, trong lúc các em học sinh đang học bài, một mảng trần ở phía trên bục giảng bỗng nhiên sập xuống. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hướng đang đứng dạy cùng ba học sinh đang viết bài thì bỗng nhiên bị trần nhà sập xuống. Ngay sau đó, bốn cô trò đã được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Sông Hồng rồi chuyển sang Bệnh viện Việt Đức chụp chiếu thương tích".
Chị Hướng cũng kể lại, mảng tường phía trên bục giảng đã bị rơi xuống cùng một vết nứt chạy dọc chiều dài lớp học. Mảng trần sập mạnh khiến bàn giáo viên bị thủng và vỡ nát. Do rơi trực diện vào đầu, cô giáo chủ nhiệm bị chấn thương khá nặng, phải khâu 8 mũi ở đầu và đang tiếp tục được điều trị. Hai học sinh Nguyễn Mạnh Tuấn và Vũ Lí Ẻn chỉ bị thương nhẹ. Sau khi sơ cứu, các nạn nhân đã được người nhà đưa về chăm sóc và điều trị. Riêng trường hợp em Đỗ Đình Hiếu, do vết thương quá nặng phải tiến hành mổ não.
Chưa hết bàng hoàng về cơn tai biến bỗng dưng đổ ập xuống đầu con trai mình, chị Nguyễn Thị Đào (mẹ học sinh Đỗ Đình Hiếu) cho biết: "Hôm đầu, cháu nhập viện trong tình trạng chấn thương rất nặng. Các bác sĩ cho biết, cháu bị vỡ sọ, tụ máu não nên cần mổ gấp mà bệnh viện này lại hết phòng mổ nên phải chuyển sang Bệnh viện Bưu Điện (KĐT Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội). Tại đây, sau ca mổ cấp cứu, sức khỏe của cháu vẫn chưa thể bình phục. Hiện Hiếu rất yếu, vẫn đang sốt li bì, một cánh tay không thể cử động được".
Theo tìm hiểu của PV Người đưa tin, hoàn cảnh gia đình Hiếu vô cùng khó khăn. Hai vợ chồng chị Đào đều làm nông nghiệp, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, trông chờ vào mấy sào ruộng. Để có tiền cho Hiếu ăn học bằng bạn bằng bè, hai vợ chồng chị phải tìm sang làng gốm Bát Tràng làm thuê đủ nghề. Nghề nghiệp bất ổn, con cái ăn học tốn kém nên gia đình chị được xếp vào hạng hộ nghèo nhất xã.
Nước mắt ngắn dài bên giường bệnh con trai, chị Đào cho biết, tin Hiếu bị trần lớp học đổ xuống đầu nhập viện đến với gia đình chị như sét đánh ngang tai. Đến tận khi nhìn thấy cháu nằm bất động trên giường bệnh chị dường như vẫn không thể tin vào mắt mình. "Những ngày này, vợ chồng tôi như đứt từng khúc ruột. Cú sốc đến với gia đình quá lớn. Gia đình tôi biết lấy đâu ra tiền để chạy chữa cho cháu bây giờ. Chúng tôi đang lo sợ cháu bị chấn thương sọ não vì có nhiều biểu hiện bất thường", chị Đào nói.
Chưa sửa xong đã đưa vào sử dụng?
Theo phản ánh của phụ huynh, lớp học xảy ra sập trần là một trong những phòng vừa sửa chữa xong. Mặc dù vẫn còn nồng nặc mùi sơn nhưng đã được đưa vào sử dụng. Bản thân giáo viên và các em học sinh cũng không hề được cảnh báo về sự nguy hiểm này. Chính điều này đã gây mất an toàn cho các học sinh trong lớp. Các bậc phụ huynh cũng phàn nàn rằng, nhà trường đã quá chủ quan khi "đẩy" học sinh vào học tại những căn phòng này.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quý, trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm cho biết, dãy nhà mới sửa chữa của trường này gồm 8 phòng học. Việc sửa chữa chủ yếu là trát lại tường, trần và sơn lại phòng học. "Sau khi sự việc xảy ra, Phòng GD&ĐT đã yêu cầu nhà trường tạm dừng ngay việc sử dụng cả 8 phòng học này để làm rõ chất lượng sửa chữa của bên xây dựng về nguyên nhân xảy ra sự cố đáng tiếc trên. Đồng thời bên xây dựng sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm bồi thường và thanh toán viện phí cho giáo viên và những học sinh bị tai nạn", ông Quý nhấn mạnh.
Ở một diễn biến khác, đại diện chính quyền địa phương, ông Trần Đức Điền, chủ tịch UBND xã Đa Tốn khẳng định: "Vụ việc chẳng có gì đâu. Tình trạng sức khỏe của cô giáo và các em học sinh không vấn đề gì, xước da bình thường thì vẫn phải khâu".
Cũng theo vị chủ tịch này, nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là do trần nhà của khu lớp học đã quá cũ, được xây dựng từ năm 1992. Được biết, mới đây, đơn vị thi công đã sửa lại, bóc lớp vôi cũ, trát lớp mới nên độ bám không có, chất lượng không đảm bảo. Trước khi tiến hành thi công, Ban quản lý dự án huyện Gia Lâm và đơn vị thiết kế đã khảo sát và chỉ cấp kinh phí để nâng cấp cải tạo lại tòa nhà này chứ không cho xây mới. "Đây là sự việc khách quan, không có gì đáng tiếc cả, chỉ là không may trần nhà rơi thôi. Không ai mong muốn điều này xảy ra", ông Điền nhấn mạnh.
Được biết, các cơ quan ban ngành huyện Gia Lâm đã có buổi làm việc để điều tra nguyên nhân dẫn đến vụ việc. Phía UBND xã Đa Tốn cũng đã đề nghị UBND huyện Gia Lâm cho phép được phá dỡ tòa nhà cũ này để xây mới toàn bộ vì chất lượng không đảm bảo.
Hiện cơ quan chức năng đang vào cuộc để làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Văn Anh