Có trường hợp Phan Thị Bích Hằng ngoại cảm không đúng quy trình

Có trường hợp Phan Thị Bích Hằng ngoại cảm không đúng quy trình

Thứ 6, 29/11/2013 11:12

TS. Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ UIA (đơn vị phối hợp với viện Khoa học Hình sự, bộ Công an trong chương trình khảo nghiệm các khả năng ngoại cảm) trao đổi với chúng tôi về việc làm thế nào để phân biệt giữa “ngoại cảm thật” và “ngoại cảm rởm”.

Bài thi giải mã chân tướng các nhà ngoại cảm “rởm”

- Thưa tiến sĩ, như ông cho biết, để phát hiện ra các nhà ngoại cảm “rởm” thì Hội đồng khoa học của UIA có những chuyên môn sâu, có những chuyên gia giỏi để phát hiện các vấn đề “thật-giả”, vậy các chuyên môn sâu gồm những gì?

- Liên hiệp khoa học UIA là cơ quan đã có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, chúng tôi có những cán bộ của viện Khoa học Hình sự, bộ Công an với tư duy logic và khoa học giàu kinh nghiệm thẩm định. Khi tiến hành khảo nghiệm các hiện tượng được cho là ngoại cảm thì chúng tôi đề cao việc khách quan hóa hoàn toàn và phải đặt câu hỏi hoài nghi tất cả, hoài nghi toàn diện kể cả những vấn đề đã được người khác đánh giá là đúng, để tìm ra những chứng cứ hoàn toàn khách quan trên cơ sở khoa học hình sự cùng với các nhà khoa học cộng tác với UIA và Trung tâm bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống là những người có am hiểu sâu mọi mặt về lĩnh vực tinh thần học, tôn giáo học… để phối hợp thực nghiệm, khảo nghiệm.

Xã hội - Có trường hợp Phan Thị Bích Hằng ngoại cảm không đúng quy trình

 TS. Vũ Thế Khanh - TGĐ UIA

Theo tôi, trong việc thẩm định các khả năng gọi là ngoại cảm, việc quan trọng nhất là ra đề thi rất cụ thể để cho đối tượng khảo nghiệm có thể tự chấm điểm bài thi của họ và cũng để đối tượng tự nhận biết khả năng của mình là có thật hay không. Với các đối tượng giả danh ngoại cảm thì qua các bài thi đơn giản nhưng hóc búa này, hầu như tất cả đều không dám chấm là mình có khả năng ngoại cảm ấy nữa vì tự họ đã trả lời sai hết các vấn đề được nêu ra trong bài thi.

Lúc ấy, tôi bảo họ tự chấm điểm cho bài thi của mình với hầu hết là các điểm không tròn trĩnh, sau đó họ hứa khi về sẽ giải nghệ. Tuy nhiên, họ chỉ hứa mồm thế thôi, sau khi về địa phương, họ thay tên đổi họ và tiến hành nghề ngoại cảm bịp bợm một cách tinh vi hơn, kín đáo hơn.

Tại UIA, với tất cả những ai đến xin khảo nghiệm khả năng đặc biệt, chúng tôi đều có những bài toán để “giải mã” các hành vi kỳ bí của họ để tìm ra sự thật. Thời gian qua có một số nhà ngoại cảm “rởm” khoe đã tìm được từ 50-100 ngôi mộ liệt sĩ.

Thậm chí có nhà ngoại cảm “rởm” yêu cầu người nhà liệt sĩ khi đi tìm mộ đã phải thuê xe của người nhà họ, rồi phải đưa người của họ cùng đi, phải bồi dưỡng, phải lo ăn, nghỉ chu đáo ở khách sạn và có lần bắt phải thuê phòng sang ở khách sạn để cho “liệt sĩ” về nghỉ đêm. Sau đó dẫn người thân liệt sĩ đến một bìa rừng nào đó tìm mộ, nhiều khi bốc về chỉ là nắm đất đen lẫn xương động vật.

UIA từng phát hiện một số nhà ngoại cảm “rởm” ở Bắc Ninh, Bắc Giang

- Ông Nguyễn Thanh Thuý, tức “cậu Thuỷ” đã vào một số tỉnh miền Nam để lừa đảo tìm mộ của hàng chục liệt sĩ và đã bị Bộ chỉ huy quân sự ở địa phương trong đó phát hiện ra các hành vi ngoại cảm giả mạo của ông này. Vậy Liên hiệp khoa học UIA có thông tin gì liên quan đến nhà ngoại cảm “rởm” này không?

- Từ trước tới nay, ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cũng đã có 4-5 người tự xưng danh là “nhà ngoại cảm” (từng lập điện thờ ở địa phương và hầu đồng, hầu bóng) đến UIA xin được làm khảo nghiệm để được cấp giấy chứng nhận có khả năng đặc biệt. Sau đó, chúng tôi phát hiện ra họ là những người lừa đảo, bịp bợm, không có khả năng gì nên UIA không chấp nhận và họ đều đã bỏ đi.

Tôi xin khẳng định, nhóm người ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đến UIA làm khảo nghiệm đều không có khả năng gì về ngoại cảm và họ không hề có tên trong danh sách các nhà ngoại cảm có khả năng đặc biệt được công bố trong chương trình khảo nghiệm điển hình của Hội đồng khoa học UIA (gồm 3 cơ quan UIA, viện Khoa học Hình sự và Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống).

Hiện nay, các đối tượng lợi dụng mê tín để lừa đảo rất đông và không nên gọi đó là các nhà ngoại cảm. Chương trình khảo nghiệm các khả năng đặc biệt của UIA có quy trình rất chặt chẽ. Ví dụ như anh vào phòng thi, đề thi 10 bài, anh có thể làm được 6-7 bài còn 3-4 bài anh làm sai nhưng cái sai ấy là do chuyên môn chưa tốt chứ không phải do lừa đảo thì ta phải phân biệt với những người chuyên bịp bợm, lừa đảo. Bởi có những anh làm đúng cả đề thi mà vẫn cứ là lừa đảo vì anh ta nhận bài giải từ bên ngoài ném vào, vậy anh ta không có khả năng gì ngoài khả năng lừa đảo.

Do vậy, trong quá trình hoạt động, các tay ngoại cảm “rởm” thường dùng các đối tượng “chân gỗ” để thu thập thông tin từ chính người đến nhờ họ gọi hồn hoặc tìm mộ. Các tay “chân gỗ” này thường giả cách đóng vai người đi tìm thầy “ngoại cảm” rồi làm quen với những người kia, điều tra khai thác thông tin về địa chỉ, hoàn cảnh gia đình, tên tuổi người đã mất, các mối quan hệ của họ rồi về báo cáo cho nhà ngoại cảm “rởm”.

Sau đó, trong quá trình gọi hồn hoặc tìm mộ, tay ngoại cảm “rởm” kia dựa vào thông tin thu thập được từ đối tượng “chân gỗ” để phán những điều giống y như sự thật, khiến khách đến xin gọi hồn và tìm mộ cứ “xanh lè” hết mặt mũi vì thầy phán quá đúng về gia đình mình, người thân của mình.

Còn đối với những ai mà thầy chưa có được thông tin thì cứ chịu khó “ăn trực nằm chờ” xung quanh điện thờ của thầy, cho đến bao giờ, các đối tượng “chân gỗ” của thầy thu thập được thông tin về họ thì thầy mới cho vào để tiến hành các nghi thức gọi hồn và tìm mộ.

Thậm chí, có đối tượng lợi dụng ngoại cảm để lừa đảo trong quá trình đi tìm mộ liệt sĩ, họ đã mang theo các lọ thủy tinh penicillin, đề tên liệt sĩ vào một mẩu giấy, nhét vào các lọ ấy, rồi lén vùi vào đống đất nơi họ chỉ cho gia đình liệt sĩ đang khai quật tìm hài cốt thân nhân của mình. Sau đó, việc tìm thấy mẩu giấy trong lọ penicillin có đề tên liệt sĩ này được coi như một vật chứng quan trọng đã tìm thấy mộ liệt sĩ.

Nhưng việc này, có khi chỉ qua mặt được gia đình liệt sĩ chứ không thể qua mặt được cơ quan khoa học hình sự, vì các chuyên gia sẽ chứng minh được loại mực này, loại giấy này, loại lọ thuốc penicillin này… được sản xuất ở thời điểm nào để so sánh đối chiếu với thời gian hy sinh của liệt sĩ cách đây mấy chục năm và tìm ra sự thật.

Vì việc ghi tên liệt sĩ trên mảnh giấy cách đây 40 năm chắc chắn khác hẳn với việc ghi tên họ trên giấy viết ngày hôm nay. Bởi vậy, đã có một số thầy ngoại cảm “rởm” đã bị cơ quan công an bắt giữ vì các hành vi lừa đảo nêu trên.

Xã hội - Có trường hợp Phan Thị Bích Hằng ngoại cảm không đúng quy trình (Hình 2).

Kẻ tự xưng là nhà “tâm linh” Nguyễn Thanh Thuý bị công an bắt giữ

"Phan Thị Bích Hằng đã xin nghỉ ngoại cảm tìm mộ từ mấy năm nay"

- Hiện nay, có thông tin cho rằng, ngay cả một số nhà ngoại cảm được UIA công nhận, họ cũng đã không ít lần “tìm nhầm” mộ liệt sĩ, ông nghĩ sao về các thông tin này?

- Tôi đã từng công bố rằng, xác suất thành công trong việc tìm mộ liệt sĩ của một số nhà ngoại cảm có khả năng đặc biệt (đã được Hội đồng khoa học UIA ghi nhận qua khảo nghiệm điển hình) cũng chỉ đạt 60%-70%. Nghĩa là trong 100 trường hợp họ hướng dẫn tìm mộ liệt sĩ, có khoảng 60-70 trường hợp là đúng, còn 30-40 trường hợp là sai.

Nguyên nhân sai số (30%-40%) là do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan của mỗi nhà ngoại cảm. Do vậy, khi UIA tổ chức các ca khảo nghiệm đi tìm mộ liệt sĩ ngoài thực địa, chúng tôi thường cùng một lúc thu thập thông tin của các nhà ngoại cảm khác nhau (cùng tìm mộ một liệt sĩ) để kiểm chứng và tìm ra các thông tin tối ưu nhất trong việc xác định mộ liệt sĩ nhằm loại bỏ những thông tin không chuẩn xác.

Như chương trình đi tìm mộ nhà văn Nam Cao, chúng tôi đã dùng tới 7 nhà ngoại cảm để xác định chính xác vị trí ngôi mộ cần tìm. Hay như chương trình tìm mộ liệt sĩ của “Đoàn tàu không số”, chúng tôi vừa dùng biện pháp “giao lưu áp vong” vừa có sự hỗ trợ của 2 nhà ngoại cảm và có nhiều sĩ quan trong tiểu đoàn anh hùng cùng đi tìm.

Nghĩa là chúng tôi phải kết hợp rất nhiều các biện pháp để kiểm tra mọi thông tin thu thập được trong quá trình tìm mộ liệt sĩ, phải trưng cầu thông tin của nhiều nhà ngoại cảm để loại bỏ những thông tin không sát thực. Để so sánh, công việc này có thể mô tả như việc bắn pháo trong chiến trường, bắn mấy phát đầu tiên không trúng, ta phải điều chỉnh nòng pháo, điều chỉnh thước ngắm cho những lần bắn sau trúng hơn, đạt hiệu quả hơn.

- Dư luận cũng rất quan tâm đến việc phát thanh viên của VTV1 trong một chương trình truyền hình đã phê phán khá mạnh nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng về sai sót trong việc tìm di cốt Tướng Phùng Chí Kiên, khi chiếc răng tìm thấy là răng thú chứ không phải răng người theo xác định của cơ quan pháp y. Ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này bởi chị Hằng nằm trong danh sách các nhà ngoại cảm chính thức được UIA công nhận?

- Tôi cho rằng chương trình phát ngôn viên đó là thiếu trách nhiệm vì đã đưa một cái tít tựa đề là “vạch mặt”. Tôi tự hỏi ai có quyền làm việc đó? Ví như việc một tay trộm chó bị người dân bắt được thì tội của nó sẽ có tòa án, có viện kiểm sát định tội, anh không được đánh nó, anh phải mang nó nộp công an, chứ anh không thể thay mặt “Bao công” để xử nó được. Vì người ta có sai trái thì đấy là việc do pháp luật kết luận chứ anh không thể tự xử người ta được. Theo tôi, đấy là việc làm nhân văn. Cũng như kết luận đúng sai về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng nên để cho các cơ quan khoa học kết luận, chứ anh đừng nên dùng từ ngữ “vạch mặt” một người khác một cách tự do như vậy.

Cơ quan UIA chúng tôi không tham gia vào chương trình tìm hài cốt liệt sĩ Phùng Chí Kiên, đấy là việc làm riêng của chị Hằng với gia đình bên ấy. Nhưng xem ra việc tìm liệt sĩ Phùng Chí Kiên cũng chưa đúng quy trình. Nếu làm theo quy trình khảo nghiệm của UIA, giai đoạn 1 là xác định thông tin đầu vào và tìm đến vị trí tìm di cốt; giai đoạn 2 là phải có cán bộ khoa học và chuyên gia khoa học hình sự giám sát việc lấy mẫu tại hiện trường vì ở đó có rất nhiều hiện vật khác nhau, rồi phải niêm phong mẫu vật mang về giám định; giai đoạn 3 là sau khi thẩm định, nếu thấy chưa chính xác thì phải tiến hành các biện pháp ngoại cảm khác, mời thêm các nhà ngoại cảm khác để cùng giải mã tìm lại.

- Điều đáng nói là hôm lấy mẫu vật tại hiện trường lại không có mặt Phan Thị Bích Hằng, vậy thì ai giám sát việc lấy mẫu vật này? Như vậy, theo tôi, việc tìm mộ này đã làm không đúng quy trình.

- Còn về Phan Thị Bích Hằng, chị đã xin nghỉ việc ngoại cảm tìm mộ từ cách đây mấy năm rồi vì chuyện riêng. Nhưng cũng không nên vì sự cố nói trên mà phủ nhận những đóng góp của Hằng trong quá trình tìm mộ liệt sĩ từ nhiều năm nay. Trong đó có đóng góp quan trọng trong việc tìm hài cốt nhà văn Nam Cao, hài cốt nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh ở Hải Phòng và hàng trăm hài cốt liệt sĩ ở các tỉnh phía Nam… đã được ghi nhận của nhiều cơ quan.

Nhiều nhà ngoại cảm thuộc dạng tâm thần hoang tưởng

- Những năm qua, số lượng các nhà ngoại cảm “rởm” đến xin khảo nghiệm khả năng đặc biệt của mình tại Liên hiệp khoa học UIA có nhiều không, thưa ông?

- Những năm qua có tới hàng trăm người từ khắp các địa phương trong Nam ngoài Bắc đến Liên hiệp khoa học UIA làm đơn, nộp hồ sơ xin được khảo nghiệm khả năng đặc biệt của họ. Phần lớn trong số này là nhiều nhà ngoại cảm dạng tâm thần hoang tưởng và dạng lừa đảo, bịp bợm.

Qua khảo nghiệm thẩm định tại UIA, bị chúng tôi phát hiện và yêu cầu không được hành nghề nữa, các nhà ngoại cảm “rởm” này hứa sẽ bỏ nghề nhưng sau đó khi trở về địa phương, họ đổi tên và vẫn lén lút hành nghề. Những người này có tên trong hồ sơ theo dõi của Liên hiệp khoa học UIA và Viện Khoa học Hình sự, bộ Công an với tư cách là những đối tượng lừa đảo.

- Được biết, còn khá nhiều “dị nhân” khác cũng đến UIA để xin được khảo nghiệm các khả năng “kỳ dị” đến mức “kỳ quái” của mình, ông có thể cho biết thêm về các hiện tượng này, nhất là những chuyện gây phản cảm?

- Hiện nay, đã xuất hiện một số hiện tượng theo tôi rất là phản cảm, không những bị người dân phản đối mà còn bị đặt trong “tầm ngắm” của cơ quan chức năng. Đó là việc một số người theo cái gọi là “đạo tâm linh”, dám mạo danh Lãnh tụ đã khuất, mạo danh Bồ Tát, mạo danh Phật và các đấng linh thiêng mà họ nói rằng đã “nhập” vào họ để “giáng linh”, để họ phán những điều linh tinh, rồi “giáng bút”, “giáng thơ”… Tôi cho rằng đây là hành vi xúc phạm nguy hiểm cần phải nghiêm trị, bởi nhiều lúc họ mạo danh để phán bừa bãi về cả “chủ trương, chính sách của nhà nước” và vỗ ngực xưng mình như “Thánh sống” của thời đại. Và số người mạo danh nhảm nhí này rất nhiều.

Khi họ đến đây xin khảo nghiệm, UIA chúng tôi không công nhận. Họ về địa phương lập nên một số đạo phái rồi “giáng linh”, “giáng bút” các kiểu thơ “con cóc” mà hàng năm chúng tôi nhận được hàng ngàn bài thơ “giáng bút” theo kiểu thơ “con cóc” gửi đến, vần vè, ý tứ lủng củng không bằng văn học sinh cấp I.

Điều kỳ dị là họ cứ nói với mọi người rằng họ được Lãnh tụ rồi Bồ tát, rồi Phật “nhập vào” để phán truyền những điều rất “kỳ bí” và nhảm nhí. Đấy là điều rất bức bối hiện nay, cần phải loại trừ khỏi đời sống tinh thần của chúng ta hiện nay, vì không những họ coi thường pháp luật mà còn xúc phạm đến tín ngưỡng thiêng liêng của dân tộc chúng ta, và còn làm lung lay lòng tin của người dân, lôi kéo những người mê tín, dụ dỗ người dân đi theo một tà đạo mê tín dị đoan nào đó.

Đối với vấn đề nhậy cảm này, hiện nay, cơ quan bảo vệ pháp luật cũng đã phát hiện và đang rất chú ý theo dõi các hiện tượng kỳ quái để có biện pháp xử lý.     

CQĐT thi hành lệnh bắt giữ “nhà tâm linh rởm” Nguyễn Thanh Thúy

8h ngày  28/10/2013, cơ quan ANĐT công an tỉnh Quảng Trị đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thanh Thúy (tức "cậu Thủy", 54 tuổi, ngụ tại thị trấn Chờ, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) và Mẫn Thị Duyên (51 tuổi, là vợ của “cậu Thủy”) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn liệt sĩ. Cơ quan ANĐT đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở của Thúy và Duyên, thu giữ nhiều tài liệu, vật dụng liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật và áp giải 2 bị can về Quảng Trị.

Được biết, việc bắt giữ Thúy và Duyên có liên quan đến hàng loạt ngôi mộ liệt sĩ bị làm giả, kể cả hài cốt xảy ra tại H.Gio Linh, Quảng Trị vào hồi cuối tháng 7/2013. Trong vụ việc này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã phát hiện nhiều nghi vấn và đề nghị ngừng việc đào bới quy tập mộ liệt sĩ, nhưng Thúy, với sự trợ giúp của Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn tiếp tục thực hiện. Ngoài ở Quảng Trị, cơ quan chức năng phát hiện nhiều nghi vấn liên quan đến “cậu Thủy” ở các tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk… và sẽ làm rõ nghi vấn về một số nhà “ngoại cảm” khác

Nguyễn Việt Chiến (thực hiện)        

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.