Sau cuộc khẩu chiến với Singapore vài ngày qua về vấn đề Biển Đông, mới đây cố vấn quốc phòng cấp cao Trung Quốc Jin Yinan đã lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh cần phải áp đặt lệnh trừng phạt và trả đũa chống lại Singapore, theo SCMP.
Ông Jin Yinan hiện là giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Quốc phòng, đơn vị trực thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và là một trong những cố vấn quốc phòng rất có uy tín tại quốc gia này.
Nhân vật này trở thành đại diện của Trung Quốc tại Đối thoại thường niên Shangri-La, một diễn đàn an ninh khu vực ở Singapore trong hai năm qua.
Nói trong một chương trình của đài phát thanh nhà nước, Jin cho rằng Singapore phải trả giá vì đã làm "tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của Trung Quốc".
Lời phán xét của Jin Yinan được cho là đáp trả lại sự chỉ trích mạnh mẽ của Singapore nhắm vào Trung Quốc trong các tài liệu tại Hội nghị thượng đỉnh Phong trào Không liên kết (NAM) diễn ra tại Venezuela cách đây vài ngày.
Theo đó, trong báo cáo nói trên của Singapore, nước này đã đưa ra lập trường ủng hộ Philippines và phán quyết của Tòa Trọng tài về việc bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Kêu gọi các bên cần giải quyết vấn đề tranh chấp dựa trên việc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trong một phát biểu của mình hôm thứ Năm, Jin cáo buộc Singapore "luôn đóng vai trò tích cực trong việc biến các tranh chấp Biển Đông trở thành một vấn đề quốc tế trong những năm gần đây" - ngược lại với điều mà Bắc Kinh mong muốn khi chỉ hướng tới giải quyết nội bộ giữa các quốc gia.
Ông cũng đổ lỗi cho Singapore đã khuyến khích sự tham gia của Washington vào vấn đề này và khuấy động các cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Đã đến lúc Trung Quốc phải phản công lại Singapore, và điều này sẽ không chỉ bó buộc trên mặt trận dư luận", học giả này cho biết. "Kể từ lúc Singapore đưa mọi thứ đi quá xa, chúng tôi phải làm điều gì đó để trả đũa hoặc xử phạt. Trung Quốc phải thể hiện sự bất mãn của mình".
Trả lời trên SCMP, vị cố vấn cấp cao này xác nhận việc kêu gọi một lệnh trừng phạt nhắm vào Singapore, tuy nhiên ông từ chối tiết lộ chi tiết các biện pháp có thể áp dụng.
Cũng trong cuộc phỏng vấn với kênh phát thanh nhà nước Trung Quốc, Jin Yinan đã đưa ra một số ví dụ để chứng minh cho luận điểm "Singapore cố làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông, gây tổn hại lợi ích quốc gia Trung Quốc".
Ông cho biết Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long dành toàn bộ bài phát biểu một giờ của mình tại Đối thoại Shangri-La năm ngoái chỉ để nói về vấn đề này.
Jin chỉ trích người đứng đầu Singapore đã không đề cập đến các vấn đề đáng quan tâm khác mà chỉ dành riêng Biển Đông là chủ đề chính.
Cố vấn quốc phòng của PLA còn chỉ trích vô cớ cả cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu vì nhà lãnh đạo này đã đưa ra lời khuyên dạm cho Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc hướng tới chính sách tái cân bằn khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong cuộc phỏng vấn, Jin nêu bật giá trị chiến lược của căn cứ hải quân Changi dành cho quân đội Mỹ ở Singapore. Ông nói rằng đó là lý do Mỹ gọi Singapore là "chốt chặn thứ ba" của hải quân Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ sau Nhật Bản và Australia.
Jin cũng đặt ra câu hỏi nghi vấn, liệu Singapore có còn trung lập giữa Trung Quốc và Mỹ hay không. Đồng thời nói rằng, bằng cách mở rộng hợp tác với Washington, Singapore đã giúp Mỹ thiết lập một sự hiện diện trong một khu vực đầy quan trọng đối với Trung Quốc.
Trước đó vài ngày phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc mà dẫn đầu bởi Thời báo Hoàn cầu đã có một cuộc khẩu chiến với Đại sứ Singapore tại Trung Quốc Stanley Loh về lập trường của Singapore trong tranh chấp ở Biển Đông sau các báo cáo ở hội nghị thượng đỉnh NAM.
Về phía Singapore, nước này cho biết yêu cầu đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ở hội nghị thượng đỉnh NAM được nêu ra và đồng thuận bởi tất cả các thành viên ASEAN.
Singapore không phải là quốc gia có lợi ích tranh chấp ở Biển Đông, tuy nhiên đảo quốc này thường xuyên đóng vai trò trung gian trong việc giải quyết bất đồng giữa ASEAN và Bắc Kinh.
Tuy nhiên việc ủng hộ giải quyết vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, và sự ủng hộ của Singapore đối với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực đã khiến Trung Quốc tỏ ra không hài lòng.
Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe hôm 28/9, thủ tướng Lý Hiển Long đã tái khẳng định Singapore không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhưng nước này có những lợi ích quan trọng để bảo vệ" ở vùng biển này.
Những lợi ích kể trên bao gồm quyền tự do hàng hải, tự do hàng không cũng như "trật tự khu vực dựa trên các quy tắc quốc tế".
Ông nhấn mạnh các tranh chấp ở Biển Đông cần được "giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế chứ không phải dùng luật rừng", theo Channel News Asia.
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc tung ra các biện pháp trừng phạt, trả đũa nhằm vào Singapore là một bước đi khó thành của Bắc Kinh.
Trên thực tế, Singapore nắm thế chủ động hơn về quan hệ kinh tế với Trung Quốc khi là một trong những nước đầu tư nhiều nhất vào quốc gia này.
Quốc Vinh