PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Bùi Văn Liêm Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam.
Với tư cách là người làm khảo cổ, ông đánh giá thế nào về sức hút của cổ vật Việt Nam?
Tôi đã trực tiếp làm công tác chuyên môn hơn 10 năm nay, đã tham gia rất nhiều các cuộc khai quật cổ vật từ Bắc vào Nam. Thực sự thì cổ vật Việt Nam rất nhiều và phong phú không thua kém gì các nước trên thế giới, thậm chí có những cổ vật còn khiến cả thế giới phải trầm trồ thán phục như trống đồng trong lòng đất, cồng chiêng Tây Nguyên…
Theo T.S Liêm thì công tác bảo tàng yếu, kém không thể đổ lỗi cho chất lượng hiện vật
Tuy vậy, các Bảo tàng Việt Nam hiện nay lại chưa thu hút được nhiều du khách. Theo ông có phải lý do liên quan tới chất lượng hiện vật?
Việc chưa thu hút được nhiều du khách không đơn giản là vì thiếu cổ vật hay cổ vật không có sức hút. Thực tế thì cổ vật Việt Nam rất phong phú và giá trị. Tuy nhiên, việc đưa chúng đến gần du khách hơn lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như giao thông, đón tiếp du khách, chính sách ưu đãi thậm chí là ở không gian trưng bày, cách bài trí sao cho hấp dẫn. Một ví dụ điển hình mà tôi thấy Bảo tàng Đắc Lắc đã làm được để thu hút du khách là việc ưu tiên chính các dân tộc có cổ vật. Vì trong bảo tàng Đắc Lắc có rất nhiều hiện vật của dân tộc Ba Na nên ở đây đã ghi chú cả bằng tiếng Ba Na và ưu tiên giá vé vào cửa đối với người Ba Na.
Khảo cổ học liên quan mật thiết với hoạt động của bảo tàng. Theo ông, thực trạng phát triển kém hiệu quả của các bảo tàng hiện nay phải chăng có liên quan tới công tác khảo cổ?
Nói như vậy là không chính xác cho công tác làm khảo cổ của chúng tôi. Hàng năm, viện Khảo cổ học tiến hành khảo sát, khai quật được rất nhiều các di vật văn hóa. Thậm chí có những di tích như lòng hồ thủy điện Sơn La chúng tôi khai quật được hàng ngàn cổ vật. Tuy nhiên, theo nguyên tắc sau khi khai quật được Viện đã bàn giao lại cho Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch địa phương. Chúng tôi chỉ có quyền khai quật, thẩm định chứ không có quyền quyết định chúng sẽ đi về đâu.
Vậy công tác phân luồng và quản lý di sản từ khi khai quật đến khi về bảo tàng trưng bày thường theo quy trình nào, thưa ông?
Thông thường, khi có quyết định tìm kiếm, khai quật một di tích văn hóa để tìm các di vật thì phải có các cán bộ của Sở văn hóa và cán bộ của các bảo tàng đi cùng để theo dõi, kiểm tra, xử lý. Theo đó những di vật có ý nghĩa lịch sử như thế nào, tầng sâu văn hóa ra sao sẽ được xem xét để chuyển về từng bảo tàng sao cho thích hợp. Thường thì những di vật ở địa phương nào sẽ được chuyển về cho địa phương đó lưu giữ, chỉ dịp nào các bảo tàng khác cần trưng bày thì mượn lại địa phương thôi.
T.S Bùi Văn Liêm đang trao đổi với phóng viên
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từng cho rằng: Sự yếu kém trong hoạt động của hệ thống bảo tàng hiện nay xuất phát từ góc độ người làm bảo tàng. Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?
Ý kiến của ông Huy đưa ra là không hoàn toàn chính xác vì nói nguyên nhân xuất phát từ người làm bảo tàng với trình độ nhận thức, cách làm chưa đạt hiệu quả mới chỉ là nguyên nhân chủ quan thôi. Theo tôi, nguyên nhân khách quan ảnh hưởng tới chất lượng của hoạt động bảo tàng hiện nay chính là do thiếu kinh phí hoạt động. Từ xưa tới nay ngành bảo tàng của nước ta chưa được đầu tư xứng tầm với ý nghĩa và ngang bằng với các ngành khác.
Chính vì vậy, có bảo tàng to, đẹp được xây lên như Bảo tàng Hà Nội nhưng sau đó lại vô cùng chật vật với các chi phí hoạt động. Bảo tàng Hà Nội tính trung bình hàng tháng riêng tiền điện đã lên tới mấy trăm triệu đồng. Nếu tiết kiệm điện bằng cách tắt bớt hoặc cắt giảm ở một bộ phận nào đó thì sẽ ảnh hưởng tới công tác bảo quản cổ vật. Việc thiếu chi phí hoạt động còn ảnh hưởng rất rõ rệt tới sự phát triển của bảo tàng.
Các bảo tàng được sự đầu tư, rót kinh phí từ nước ngoài như Bảo tàng lịch sử quốc gia, Bảo tàng dân tộc học, Bảo tàng Đắc Lắc hoạt động khá hiệu quả. Họ phát triển theo mô hình bảo tàng tiên tiến, cập nhật xu hướng hiện đại của Thế giới. Ngoài ra, họ còn có sự tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất như không gian, bối cảnh, cách bài trí hiện vật. Nói tóm lại, ở nước ta đang có sự chênh lệch rõ rệt giữa các bảo tàng được tài trợ và các bảo tàng không được tài trợ.
Với tư cách là người nghiên cứu, ông có đề xuất gì cho việc đưa các giá trị văn hóa nước nhà đến gần với công chúng?
Với cá nhân tôi nói riêng và những người yêu thích các giá trị văn hóa lịch sử nói chung thì việc tìm kiếm, giữ gìn và phát huy các giá trị cổ vật luôn là mong muốn lớn nhất. Bảo tàng là nơi lưu giữ các cổ vật đại diện cho văn hóa dân tộc, nhất là một đất nước có nghìn năm văn hiến như Việt Nam. Chính vì vậy, ngành bảo tàng với chức năng trưng bày, bảo quản, sưu tầm cần phải nâng cao cả chất và lượng. Các di vật phải được bảo quản định kỳ để đảm bảo không bị hư hỏng.
Công tác quản lý, phục vụ, quảng bá tại bảo tàng cũng cần phải chú trọng hơn. Chất lượng phục vụ luôn là một yếu tố sống còn đối với bất kỳ một ngành, nghề nào.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Đinh Nhung - Bảo Hằng